Ngày 16/11, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có văn bản gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đề nghị xác minh, xử lý phát ngôn vi phạm trên mạng xã hội.
Công văn nêu, qua công tác nắm bắt tình hình dư luận trên mạng và tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử được biết, ngày 14/11, bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng giám đốc khu du lịch Đại Nam tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu với khán giả.
Buổi giao lưu này được phát trực tiếp (livestream) trên mạng thông qua nhiều kênh facebook, youtube… Đáng chú ý, trong các phát ngôn của khách mời tham dự có nội dung cho rằng “báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng”. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhận thấy nội dung phát ngôn như trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
|
Bà Nguyễn Phương Hằng cùng khách mời tham dự buổi livestream ngày 14/11 (Ảnh cắt từ video)
|
Vì vậy, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) liên quan vụ việc trên và báo cáo về Cục trước ngày 30/11.
Hiện nay rất nhiều người sử dụng tính năng livestream của mạng xã hội Facebook để phát ngôn cá nhân hay nhằm mục đích khác như quảng cáo sản phẩm, PR bản thân... Tuy nhiên, pháp luật cấm bất kỳ cá nhân nào sử dụng hình thức phát sóng này để bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Những buổi livestream của bà Hằng được rất nhiều người theo dõi, có người ủng hộ tán thành. Ngoài ra cũng không ít người phản đối, chê bai, và mới đây nhất việc một cá nhân trong buổi livestream của bà Phương Hằng dùng lời lẽ xúc phạm người khác là hành vi thiếu chuẩn mực và rất phản cảm trong cộng đồng.
|
Buổi livestream tại Khu du lịch Đại Nam tập trung đông người và không giữ khoảng cách an toàn (Ảnh cắt từ video)
|
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật Sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật trên không gian mạng. Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định như sau: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”.
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật Sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
"Hơn nữa, người thực hiện hành vi nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định nhiều tội danh như Vu khống, Làm nhục người khác, Truyền hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông hoặc Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cho lời nói của mình.
Mạng xã hội cho chúng ta thêm những phương thức để giao tiếp và không ít người đã sự dụng mạng xã hội một cách văn minh, lan toả những điều tốt đẹp. Việc đăng tải bài viết, chia sẻ hình ảnh, livestream,… trên mạng xã hội là quyền của mỗi người, nhưng nội dung phải tuân thủ các qui định, không vi phạm pháp luật. Trước thực trạng này, rất cần thiết có những biện pháp mạnh tay hơn nữa từ các cơ quan chức năng để chấn chỉnh" - luật sư Tùng cho hay.
Cũng trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đ
ây là hành vi lộng ngôn mang tính quy chụp vô căn cứ và ảnh hưởng rất nhiều đến những người hoạt động báo chí chân chính và làm tổn hại uy tín của báo chí cách mạng Việt Nam.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Theo luật sư Hùng, xét dưới góc độ pháp luật, đây là hành vi đưa, cung cấp chia sẻ thông tin xuyên tạc, sai sự thật và trái pháp luật lên mạng xã hội. Tùy theo mức độ nghiêm trọng thì người có hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể đối với xử phạt vi phạm hành chính, người có phát ngôn như trên có thể bị xử phạt với hình thức là phạt tiền với số tiền là từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
"Trường hợp không có tình tiết tăng nặng giảm nhẹ nào thì số tiền phạt ở mức trung bình tức là bằng 7.500.000 đồng. Thời gian vừa qua có rất nhiều người phát ngôn, đưa thông tin không chuẩn mực, sai sự thật dẫn đến bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định này.
Trường hợp người có hành vi vi phạm thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 7 năm, phạt tiền đến 1.000.000.000 (một tỷ) đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề nhất định đến 05 năm" - luật sư Hùng phân tích.
>>> Xem thêm video: Xử phạt đối tượng xúc phạm uy tín, danh dự người khác
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.