Dự án 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) bị xác định sai phạm cụ thể là từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so khối đế nhưng chủ đầu tư (CĐT) xây thẳng đến mái; phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m phải giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây nhưng CĐT không giật cấp, làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Sai phạm này tồn tại suốt 4 năm qua và được bàn đi nhắc lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Rất nhiều ý kiến chỉ ra rằng, trong câu chuyện của dự án 8B Lê Trực cần phải được làm rõ hai câu hỏi.
Giấy phép xây dựng vi phạm quy định
Thứ nhất, sai phạm của dự án tòa nhà 8B Lê Trực được căn cứ theo Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD cấp ngày 24/3/2014, nhưng giấy phép này lại vi phạm vi quy định, vậy việc xử lý có đúng hay không, câu trả lời đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Cụ thể, văn bản gửi ngày 29/6/2016 của ông Phạm Gia Yên khi đó là Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã nêu rất rõ: “Công trình 8B Lê Trực là công trình thuộc diện miễn cấp Giấy phép xây dựng, việc Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD là sai quy định của pháp luật và quy mô được cấp không phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng, Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND thành phố và Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 kèm theo được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Việc cấp Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD không tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng về thiết kế nhà cao tầng”.
Trong khi đó, dựa trên Giấp phép xây dựng này, UBND thành phố Hà Nội lại ra Quyết định số 2673/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng công trình và yêu cầu chủ đầu tư phải dừng thi công công trình, xây dựng phê duyệt phương án tự phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng.
Vì vậy, Quyết định số 2673/QĐ-UBND bị cho là thiếu căn cứ pháp luật.
Tương tự, Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 9/01/2016 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quyết định này căn cứ vào Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 12/10/2015 của UBND Quận Ba Đình vốn bị coi là thiếu căn cứ pháp luật như trên đã nêu. Vì vậy, Quyết định này cũng bị cho là cần được bãi bỏ.
Trong khi đó, trả lời VTC News, UBND quận Ba Đình cho rằng, việc cấp Giấy phép xây dựng là thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng và Giấy phép xây dựng này đã được thanh tra thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra, nhưng đến nay, sau 4 năm, kết quả thanh tra vẫn chưa từng được công bố.
Sai phạm trong quá trình tháo dỡ
Ngày 4/3/2016, UBND phường Điện Biên ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát về việc phá dỡ tầng 19 kể từ ngày 4/3/2016 đến 29/4/2016.
Ngày 7/3/2016, thông tin với báo chí, ông Cồ Như Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên cho biết, ngày đầu thi hành quyết định cưỡng chế, đơn vị thi công phá dỡ được 28 m2 phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực.
Ngày 5/7/2016, Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam (Tập đoàn Phương Bắc) - nhà thầu mới thay thế Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát - tiếp tục huy động tổng cộng 40 công nhân và 5 máy nén khí loại lớn đến công trường nhằm đẩy nhanh việc tháo dỡ tầng 19 của dự án.
Tuy nhiên, việc thi công phá dỡ “thần tốc” này, nhà thầu không hề có phương án và thẩm giá giải pháp tháo dỡ của Phòng quản lý đô thị quận Ba Đình, chưa được UBND quận Ba Đình tổ chức phê duyệt phương án và giải pháp phá dỡ.
Trả lời VTC News về vấn đề này, UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận, đến tận tháng 9/2016 phương án tháo dỡ mới được các cơ quan chức năng thống nhất.
Như vậy, việc vội vàng tháo dỡ công trình này từ tháng 3 là sai quy định. Vấn đề này đến nay vẫn người dân và dư luận vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng.