Sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Nhiều bất cập trong quản lý nợ công
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Quản lý nợ công cũng tạo điều kiện để tăng cường công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ Chính phủ đầy đủ, đúng hạn. Đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu NSNN.
Tuy nhiên quá trình quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như những bất cập về mặt pháp luật khi còn có quan điểm khác nhau về phạm vi nợ công, cần có thống nhất như việc có tính các khoản nợ phát sinh từ điều hành ngân sách, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào nợ công hay không? Thứ 2 là công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập chủ yếu như: nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước).
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn |
Đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001), trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là: Nhật Bản (tăng 6,8 lần), Ngân hàng Thế giới (tăng 11,5 lần) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (tăng 20,3 lần).
Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay; còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ.
Vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ Nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ; năng lực của một số chủ dự án còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư; chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công còn chồng chéo, chưa gắn trách nhiệm vay và trả nợ với việc phân bổ, sử dụng nợ công; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo thực hiện đối với vấn đề nợ công chưa được chú trọng đúng mức.
Sửa luật Quản lý nợ công là cần thiết
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 là cần thiết.
Việc sửa đổi này cũng nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan ban hành sau Luật Quản lý nợ công từ 2009 đến nay. Ngoài việc phải đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Quản lý nợ công còn liên quan đến một số luật đã được Quốc hội ban hành thời gian qua như Luật Ngân sách Nhà nước (2015), Luật Đầu tư công (2014), Luật Tổ chức Chính phủ (2015), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (2015). Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các quy định của pháp luật nói chung và các quy định liên quan đến công tác quản lý nợ công nói riêng là hết sức cần thiết.
Mục tiêu đáng chú ý theo Chính phủ để khắc phục tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quản lý nợ công hiện nay và đảm bảo tính khả thi, ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong công tác quản lý nợ công; gắn trách nhiệm giải trình theo chức năng nhiệm vụ được giao từ huy động, phân bổ, quản lý sử dụng và trả nợ công.
Đề nghị chỉ giao một cơ quan làm đầu mối theo sự phân công của Chính phủ
Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật quản lý nợ công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Tài chính, Ngân sách đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay,...
“Việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra trên thực tế, nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập. Thông lệ tốt được nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện là quy định rõ một đầu mối quản lý tập trung, thống nhất nguồn lực nợ công. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh các Luật có liên quan cho phù hợp”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ.