Ma men đưa lối
Nhớ về tình nghĩa vợ chồng gần 30 năm, có với nhau 3 mặt con, Văn càng thêm day dứt, hối hận. Hai tay bị cáo đan chặt vào nhau, cả người run lên vì sợ hãi. Văn nói nhát gừng, đứt đoạn xen lẫn tiếng khóc. Mọi người đến dự phiên tòa đều ngồi lặng thinh khi vụ án đau lòng năm xưa một lần nữa tái hiện qua bản cáo trạng của VKS.
Từ ngày Văn “dính” vào rượu chè, sự bình yên trong ngôi nhà nhỏ bé cũng dần mất đi. Thay vào đó là những tiếng lè nhè, chửi bới của người đàn ông trút lên đầu vợ con. Mới sáng sớm 27/12/2016, từ ngôi nhà nhỏ của vợ chồng bà Đào Thị K. (SN 1970) lại phát ra những tiếng cãi cọ cũng chỉ vì tranh cãi giữa việc chở con trai đi học bằng xe máy hay để ô tô nhà trường đưa đón. Sau đó, Văn lấy xe máy đưa con đi học. Về tới nhà, người đàn ông này bảo vợ đưa tiền để ra chợ mua chuối, rượu thắp hương, bà K. chỉ đồng ý cho mua chuối và nói “không rượu chè gì, chỉ mua chuối thôi, không có tiền mua rượu đâu”. Tuy vợ nói vậy nhưng Văn vẫn vào buồng, mở ví của vợ lấy 50.000 đồng ra chợ mua chuối, rượu và cám ngô cho gà. Khi Văn về tới nhà thì cô con gái thứ hai vừa chạy ra chợ mua rau. Văn ngồi ở hè, uống khoảng 3 chén rượu thì chạy ra chỗ bà K. đang giặt quần áo ở sân, tiếp tục buông lời chửi bới vợ.
|
Hình minh họa. |
Đỉnh điểm của cuộc cãi vã, hai vợ chồng lao vào đánh nhau. Trong lúc giằng co, Văn túm cổ áo bà K. kéo giật về phía trước rồi bất ngờ buông tay, đẩy mạnh vào ngực làm bà K. ngã ngửa, đầu đập xuống thành giếng. Thấy vợ vẫn thoi thóp thở, thay vì đưa đi cấp cứu, Văn lạnh lùng quay vào nhà uống nước. Một lúc sau, Văn quay ra sờ trán, bụng và bàn chân vợ thấy lạnh. Nghĩ bà K. đã chết và sợ bị phát hiện, Văn thả vợ xuống giếng nước của gia đình.
Không thấy bà K. đâu, mấy người con đổ xô đi tìm mẹ. Lúc này, Văn cũng vờ đi khắp nơi tìm kiếm vợ. Sau nhiều giờ tìm kiếm bất thành, mọi người kéo nhau về nhà Văn để họp bàn. Tại đây, mọi người hỏi Văn còn chỗ nào chưa tìm không, người đàn ông này bảo còn một chỗ và đi lấy ống nhựa nối với nhau rồi đi ra giếng nước. Khi mọi người mở nắp giếng thì phát hiện xác bà K. nên trình báo sự việc với công an. Từ đây, tội ác kinh hoàng của Văn bị lật tẩy.
Sắm 2 vai trong 1 phiên tòa
Khỏi phải nói các con của bà K. xót xa thế nào khi phải ra tòa nghe pháp luật xét xử chính bố đẻ của mình. Trên nét mặt của chị Nguyễn Thị Ngọc L. (26 tuổi, con lớn của bị cáo Văn) không giấu được sự hoảng loạn khi phải chứng kiến cảnh gia đình ly tán.
Trước tòa, chị L. trình bày rằng, khoảng 11h hôm xảy ra vụ án, chị L. từ nhà chồng sang, định đưa mẹ đi khám bởi trước đó, chị có nghe mẹ kêu đau đầu, mệt mỏi. Vừa sang tới nơi, chị đã thấy em gái bảo mẹ đi đâu từ sáng không thấy về. Hai chị em đổ xô đi tìm, hỏi hàng xóm nhưng không có thông tin gì về mẹ.
“Lúc đó cũng đã quá trưa, 2 chị em cháu bơm nước giếng lên nấu cơm, thấy nước đục, hỏi bố thì bố bảo “chắc nước cạn”. Cháu cùng em gái mở nắp giếng lên kiểm tra, ánh đèn pin lờ mờ, chỉ loáng thoáng thấy dưới giếng có vật gì đó nổi lên tưởng là túi nilon nên 2 chị em lại khệ nệ bê nắp giếng đậy lại như cũ”, chị L. mếu máo trình bày trước HĐXX.
Nhìn sang phía bố đang ngồi, chị L. đã không kìm được những giọt nước mắt đau đớn. Với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại, chị L. xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bố mình. “Là con, chúng cháu hiểu rõ bố mình hơn ai hết. Bản chất của bố cháu là một người đàn ông hiền lành, chân chất, chịu khó lao động kiếm tiền nuôi 3 chị em cháu. Để xảy ra cơ sự như ngày hôm nay cũng chỉ vì bố cháu nghiện rượu chè. Giờ mẹ cháu mất rồi, các em cháu mồ côi không người chăm sóc, cháu xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bố cháu để ông sớm về chăm lo cho 2 em”, chị L. vừa khóc vừa trình bày quan điểm của mình.
Thấy bị cáo sụt sùi, một vị thẩm phán hỏi: “Bị cáo nói thương vợ con, đáng lý khi thấy vợ nằm bất tỉnh thì phải đưa vợ đi cấp cứu, đằng này lại vô cảm bỏ vào trong nhà uống nước. Bị cáo nghĩ gì về hành động của mình?”.
Nghe HĐXX hỏi vậy, Văn chỉ biết cúi đầu im lặng. Về phía luật sư, bà cũng hết sức xót xa và trăn trở khi nhận bào chữa cho bị cáo Văn. Chỉ vì ma men đưa lối mà Văn đã gây ra tội lỗi tày trời, đẩy các con mình vào cảnh mồ côi, không người nương tựa. Nhưng với trọng trách là người bảo vệ công lý, nữ luật sư bào chữa cho bị cáo Văn vẫn trình bày những căn cứ để HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, Văn luôn tỏ thái độ ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, bị cáo còn có một số tình tiết giảm nhẹ khác như gia đình có công với cách mạng, đại diện hợp pháp của bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo... Kết thúc phiên tòa, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Văn 18 năm tù giam về tội Giết người. Với mức án này, nếu cải tạo tốt, Văn vẫn còn có cơ hội để quay về...