Trước đó, những bệnh nhân này được Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho lưu trú miễn phí để điều trị bệnh. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, bệnh viện buộc phải vận động bệnh nhân không tập trung ở bệnh viện, tránh đi lại. Những bệnh nhân này đành phải ra ngoài tìm nơi ở mới.
Đa số những bệnh nhân này có thâm niên chạy thận. Người ít 1 - 2 năm, người nhiều trên một thập kỷ. Do dịch phức tạp nên việc đi lại cũng phải thực hiện nghiêm ngặt, mỗi người đến bệnh viện buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Tay bị phù nề với những khối u do di chứng để lại trong quá trình điều trị, anh Hồ Văn Sang (40 tuổi, ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những người chạy thận lâu nhất ở đây bộc bạch: “Dịch bệnh bùng phát, bệnh nhân chạy thận như chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là không thể về quê do 1 tuần phải lọc thận 3 lần. Do đó, vợ chồng tôi lang thang nhiều nơi tìm ở. Rất may tôi được vợ chồng chị Nga, chủ nhà trọ cho thuê giá ưu đãi”.
|
Căn nhà trọ với gần 40 bệnh nhân lưu trú để lọc thận.
|
Chị Trần Thanh Út, vợ anh Sang chia sẻ: “Không có ruộng đất, vợ chồng tôi làm thuê kiếm sống với đủ thứ nghề. Sau nhiều năm tích cóp, cất căn nhà làm nơi che mưa nắng và nuôi 2 đứa con ăn học. Nhưng niềm hạnh phúc không được bao lâu bởi chồng tôi bị suy thận.
Quá trình chữa trị 14 năm qua càng thêm thiếu trước hụt sau, cuộc sống là những chuỗi ngày gắn liền với bệnh viện. Tài sản có giá trị lần lượt ra đi để có tiền chữa trị cho chồng. May mắn là gần đây, chồng tôi được cấp thẻ bảo hiểm nên việc chữa bệnh đỡ phần nào chi phí”.
Chị Út cho biết, hơn một tháng nay vợ chồng chưa được về thăm con, hai đứa trẻ đành phải nhờ bà nội chăm sóc. Do khó khăn, đứa con gái lớn học hết lớp 10 phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Đứa thứ 2 hiện nay đã học lớp 6 nhưng… Nói đến đây, hai dòng nước mắt trên má người phụ nữ này chảy xuống.
Nương tựa nhau qua mùa dịch
Nuôi con chạy thận gần 10 năm, bà Trương Thị Mây, 66 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long phải bán đi thửa ruộng 3.000m2 để chạy chữa, giành giật mạng sống cho con từng ngày. Tài sản quý giá nhất trong nhà cũng lần lượt ra đi.
Được sự quan tâm, chia sẻ của cơ quan chức năng, hơn một năm nay, con bà Mây được trợ cấp bảo hiểm nên đỡ một phần nào chi phí lọc thận. Để có tiền chi tiêu, hằng ngày, bà Mây đi làm thuê phụ giúp rửa chén bát trong căng tin của bệnh viện… nhưng dịch bùng phát khiến cho công việc khó khăn hơn.
“Chồng mất sớm, tôi một mình nuôi con. Không tiền nên những người trong nhà trọ thương tình giúp đỡ hai mẹ con bữa cháo, bữa rau để qua mùa dịch.
Từ khi giãn cách xã hội đến nay, mẹ con quanh quẩn trong dãy trọ này. May mắn là được chủ trọ hỗ trợ giảm chi phí một phần nào, nếu không sẽ không biết sống thế nào”, bà Mây bộc bạch.
“Gia đình tôi đang nợ ngân hàng với số tiền hơn 70 triệu đồng. Tiền thuốc thang, chi phí ăn uống, tiền thuê trọ hàng tháng mà tôi phải chi trả hơn 5 triệu đồng. Nặng nhất là tiền xét nghiệm COVID-19, mỗi khi vào bệnh viện lọc thận cho chồng, cả hai phải test SARS-CoV-2 với giá gần 500 ngàn đồng. Tôi mong dịch qua nhanh để người dân trở lại cuộc sống bình thường”.Chị Trần Thanh Út
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chủ nhà trọ, nơi có 40 bệnh nhân chạy thận đang trú ngụ nơi đây chia sẻ: “Trước khi có quyết định giãn cách xã hội, những người này có đến thuê phòng để tiện cho việc lọc thận. Thấy được hoàn cảnh của các bệnh nhân là những người lớn tuổi, đi lại khó khăn nên tôi giúp đỡ cho họ ở. Chứ chúng tôi ngưng nhận khách từ khi có quyết định thực hiện giãn cách xã hội. Đa phần người lọc thận có cuộc sống khó khăn, vất vả, vì thế vợ chồng tôi giảm chi phí thuê phòng để tạo điều kiện cho họ vượt qua trong lúc khó khăn này”.
Ông Trần Văn Hiền, ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Người bị suy thận mạn bị vắt kiệt sức từ sức khoẻ đến tiền bạc, nhất là bệnh nhân nghèo, nhà xa, phải tốn chi phí điều trị. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, những người chạy thận đành nương náu lại Cần Thơ để tiện cho việc điều trị”.
Thấu hiểu được sự vất vả, khó khăn và được quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cấp giấy đi đường nên mỗi ngày hai buổi, ông Hiền vận chuyển nhu yếu phẩm như: bánh mì, khoai lang, cơm... từ Vĩnh Long sang Cần Thơ để giúp đỡ những bệnh nhân này. Những phần quà này được mạnh thường quân hỗ trợ, nhằm tiếp sức cho người bệnh trong lúc khó khăn để họ chống chọi với bệnh tật”. ông Hiền tâm sự.