Trong phiên xét xử vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ liên quan ông Phan Văn Vĩnh chiều ngày 14/11, bị cáo Phan Văn Vĩnh đã trở lại phòng xét xử. Sáng cùng ngày do bị huyết áp cao nên ông Vĩnh xin vào phòng y tế điều trị. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 15 phút tham dự phiên tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh lại có dấu hiệu mệt mỏi và được đưa về phòng chăm sóc. Ngay cả ông Nguyễn Thanh Hóa cũng cảm thấy mệt mỏi và được đưa vào phòng y tế để chăm sóc.
Trong phiên xét xử chiều nay, HĐXX tiếp tục yêu cầu các bị cáo là đại lý cấp 1, cấp 2, người chơi bạc. của game bài đánh bạc do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung vận hành, để làm rõ hành vi mua - bán Rik (tiền ảo trong game đánh bạc), đánh bạc bằng hình thức game bài, cách để được làm đại lý game bài, trả thưởng cho người chơi...
|
Hội đồng xét xử phiên tòa. |
“Thần bài”... trắng tay, mang thai vẫn chơi RikVip
Ngay trong phiên xét xử sáng 14/11, các bị cáo là người chơi bạc khi được HĐXX yêu cầu lên bục khai báo để xét hỏi về hành vi đánh bạc, cách đánh bạc...thì hầu hết những bị cáo này khai khi chơi game bài của đường dây đánh bạc nói trên đều bị thua, có những phiên chơi bạc thua lên tới hàng chục triệu đồng/ngày.
Theo đó, trả lời HĐXX, bị cáo Đỗ Hữu Tư (SN 1989) với tên hiển thị “thần bài PT89” có 2 tài khoản đăng nhập Rikvip/Tipclup và thường mua Rik trên trang chủ của hệ thống để đánh bạc khai rằng, ban đầu chỉ chơi tài xỉu để giải trí nhưng sau đó quá ham mê, không ngừng đặt cửa nên đã thua rất nhiều, có ngày thua bạc hơn 22 triệu đồng trong 1 ngày.
Tương tự, bị cáo Hoàng Văn Duy (SN 1990) cũng chơi tài xỉu trên các cổng game trong vụ án. Duy thừa nhận mình chơi để giải trí nhưng sau thua nên cố gỡ lại nhưng không được, đến nay đã mất rất nhiều tiền.
Chủ tọa đặt câu hỏi, bị cáo đã nộp lại số tiền có được từ đánh bạc chưa? Duy đáp: “Bị cáo bị thua hết nên không có nộp lại”.
Trong khi đó, bị cáo Lê Anh Dũng khai, đã làm chủ quán net gần 10 năm nay, khi thấy hệ thống Rik đang “nổi”, Dũng xin Hoàng Đình Trung làm đại lý và được đồng ý.
|
Các bị cáo khai tại tòa. |
“Bị cáo có kinh doanh game ảo uy tín trên thị trường nên khi xin làm đại lý, anh Trung đồng ý luôn. Bị cáo chuẩn bị 1 tài khoản game trên Rikvip, 1 số hotline, 1 facebook để quản lý” - Dũng nói.
Được chủ tọa công bố mình hưởng lợi 3,3 tỷ đồng, bị phong tỏa 4 tỷ đồng, Lê Anh Dũng xin nhận lại số tiền sau khi đối trừ khoản thu lời bất chính từ việc đánh bạc, án phí.
Đáng chú ý, khi trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990) bị truy tố tội “Đánh bạc”, khai rằng, thời gian chơi bạc không nhớ chơi hết bao nhiêu tiền và cũng không nhớ được lấy tiền đâu để đánh bạc.
“Bị cáo là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Chồng bị cáo – mặc dù lương tháng 6 triệu đồng nhưng không bao giờ đưa cho bị cáo một đồng một cắc nào để nuôi con. Gia đình bị cáo cũng không biết bị cáo chơi bạc. Thời gian mang bầu đứa con thứ 2, bị cáo vẫn chơi bạc như thường”, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung trả lời HĐXX.
Theo HĐXX, bị cáo Nhung tham gia đánh bạc và phát sinh giao dịch mua bán Rik trên hệ thống game bài RikVip/Tip.Club từ ngày 24/7/2016 đến ngày 29/6/2017, với tên đăng nhập là “tienthang0107”, tên hiển thị là “min2404”.
Nhung giao dịch với nhiều đại lý khác nhau để mua, bán Rik nhưng chủ yếu với đại lý cấp 1 của Vũ Mạnh Hùng, với tổng giao dịch mua, bán Rik là hơn 9 tỉ Rik, tương đương gần 8 tỉ đồng. Ngày 8 và 9/8/2016, Nhung đã tham gia 296 phiên đánh bạc trực tuyến bằng hình thức chơi “Tài – Xỉu”. Trong đó, phiên chơi bạc đặt cược cao nhất được trả thưởng là hơn 37 triệu Rik, tương đương hơn 31 triệu đồng.
Để phục vụ cho việc mua, bán Rik, Nhung mở 1 tài khoản ngân hàng Viettinbank, có số dư tài khoản là 51 nghìn đồng, nhờ tài khoản Techcombank của Nguyễn Tuấn Hoàng để mua Rik, có số dư tài khoản là hơn 17 triệu đồng.
Vì sao không còng tay các bị cáo?
Tại phiên tòa xét xử trên, cả 92 bị cáo khi tham gia xét xử đều không bị còng tay tại tòa và được lựa chọn trang phục khi dự tòa.
Trao đổi với báo chí tại phiên tòa về việc trên, thẩm phán Vũ Văn Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, cho rằng việc không còng tay các bị cáo trong thời gian xét xử là vì họ chưa được chứng minh là có tội.
Với lực lượng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, theo ông Vũ Văn Tuấn, tình huống bị cáo bỏ trốn hoặc gây mất trật tự ảnh hưởng tới an ninh phiên tòa sẽ không thể xảy ra. Việc còng tay thường áp dụng khi lực lượng công an trên đường dẫn giải các bị cáo tới tòa, nhằm phòng tránh nguy cơ như đã nói ở trên có thể xảy ra.
|
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa và các bị cáo không bị còng tay tại tòa. |
Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, không có quy định bắt buộc còng tay bị cáo tại tòa, điều này phù hợp xu hướng tố tụng và tư pháp hình sự nhân văn của các nước tiên tiến, thậm chí tại một số nước, bị cáo không bị còng tay trên đường dẫn giải...
Ngoài ra, tại tòa, các bị cáo trong vụ đánh bạc này được tự do lựa chọn quần áo, trang phục. Một số bị cáo trong các vụ án khác đều mặc “đồng phục” nhưng không được phép xem đó là áo tù. “Các bị cáo đều bình đẳng trước pháp luật” - lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ nói.