Tại phiên xử sơ thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương liên quan tới vụ án chạy thận 8 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình sáng 16/5, để làm rõ việc quản lý, bàn giao hệ thống máy móc tại đơn nguyên thận nhân tạo, HĐXX đã xét hỏi một số cán bộ, nhân viên bệnh viện và cho các bị cáo đối chất.
Trả lời trước HĐXX, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh người sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO - tỏ ra bất ngờ Quốc tỏ ra bất ngờ và khẳng định không ký bất cứ biên bản bàn giao thiết bị nào vào ngày 28/5.
Bị cáo Quốc khẳng định, một ngày trước khi xảy ra sự cố, anh ta không ký bất cứ biên bản nào và cũng không biết ai đã lập biên bản.
Khá bất ngờ khi trong khi đối chất, bị cáo Trần Văn Sơn, nguyên cán bộ Phòng vật tư thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, thừa nhận chữ ký dưới biên bản là của mình, chữ ký của phía đơn vị sửa chữa đúng là của Quốc, có điều biên bản này không được lập và ký đúng ngày 28/5 mà là sau khi sự cố chết người xảy ra nhằm hoàn tất thủ tục theo quy định.
|
Các luật sư trao đổi với bị cáo trong giờ nghỉ. |
Bị cáo Sơn cho biết, tự làm việc này để có căn cứ bàn giao máy móc cho Khoa hồi sức tích cực.
"Theo quy định thì bàn giao phải có biên bản. Nguyên tắc biên bản bàn giao là có 2 bên. Chữ ký của bị cáo Quốc là sau khi có sự cố y khoa chứ không phải ký ngày 28/5. Tất cả biên bản bàn giao sửa chữa sẽ có đại diện phòng vật tư và bên đơn vị sửa chữa sau đó sẽ có biên bản bàn giao giữa bị cáo với khoa. Trong biên bản chỉ có hai bên", bị cáo Sơn khai trước HĐXX.
Được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan, ông Hoàng Đình Khiếu - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, cuối năm 2015 lãnh đạo khoa đã phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách thận nhân tạo. Việc phân công công việc được thông báo tại các cuộc họp giao ban và các nhân viên ở khoa đều biết.
Ông Hiếu cho biết thêm, nhiệm vụ được phân công của bác sĩ Lương là có trách nhiệm khám chữa bệnh và điều hành phân công công việc tại khoa. Việc báo cáo công việc tại khoa giữa nhân viên trong các trường hợp bất cập hoặc thường niên.
"Hệ thống lọc nước vừa rồi xảy ra sự cố, khoa chỉ giao lại thiết bị chứ không biết hợp đồng giữa bệnh viện với đơn vị khác. Chúng tôi chỉ nhận bàn giao máy móc sau khi sửa chữa từ phòng vật tư chứ không nhận từ một đơn vị nào khác".
“Việc phân công có họp, báo cáo trong giao ban và tất cả nhân viên đều biết có phân công nhưng không có văn bản nào đóng dấu đỏ”, ông Hoàng Đình Khiếu cho biết.
Ông Hoàng Đình Khiếu cho hay, theo quy chế quản lý, khi Phòng vật tư bàn giao phải có văn bản. Việc sửa chữa, bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của phòng này.
“Khoa chỉ bàn giao cho phòng vật tư rồi nhận lại. Nếu Phòng vật tư không nói, lưu ý gì, chúng tôi sẽ sử dụng bình thường… Hôm xảy ra sự việc, không ai bảo tôi đã nhận lại hệ thống lọc nước RO”, ông Khiếu cho biết.
Theo lời ông Khiếu, bác sĩ Hoàng Công Lương có báo cáo việc sửa chữa hệ thông lọc nước nhưng không báo cáo đã sửa chữa xong. Khi sự cố xảy ra, bệnh viện không rõ nguyên nhân cho đến khi có kết luận điều tra.
Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp cho biết tối 28/5/2017 được bị cáo Sơn thông báo hệ thống lọc nước RO đã sửa chữa xong, hôm sau có thể hoạt động bình thường. Ngày 29/5/2017, chị Điệp thông báo chung với các bác sĩ và điều dưỡng tại đơn nguyên thận nhân tạo để đưa máy vào hoạt động và xảy ra sự cố 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận.
Bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục khẳng định không đề xuất sửa chữa mà chỉ ký xác nhận vào đơn đề xuất sửa chữa của phòng vật tư. Sau khi được điều dưỡng Điệp thông báo máy đã sửa xong, bác sĩ Lương ra y lệnh điều trị cho bệnh nhân.
"Bị cáo không biết việc xét nghiệm nguồn nước nên không kiểm tra. Việc sửa chữa của bộ phận khác, bị cáo không nghiên cứu nên không nắm rõ", bác sĩ Hoàng Công Lương khai trước tòa.