Xả dầu thải đầu độc nước sông Đà: 3 vấn đề nhức nhối hung thủ và bị hại

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc xả dầu thải đầu độc nước sông Đà, hiện cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đang điều tra làm rõ. Tuy nhiên dư luận cho rằng, qua tình tiết vụ việc trên có 3 vấn đề nhức nhối liên quan hung thủ và bị hại...

Công ty nước sạch Sông Đà dù bị hại nhưng cần bị xử lý
Liên quan đến sự cố xả dầu thải đầu độc nước sông Đà. Ngày 25/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, công ty đã đánh giá thiếu sót và nhìn nhận trách nhiệm của mình. Đồng thời thừa nhận, Công ty chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp, do con người cố tình gây ra dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân.
Do vậy, Công ty nước sạch Sông Đà gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố, lời xin lỗi, cầu mong được lượng thứ và xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố (tương đương một tháng tiền nước).
Tuy nhiên, việc Viwasupco xin lỗi như trên khiến nhiều người chưa thực sự hài lòng bởi chưa có cá nhân, lãnh đạo nào lên tiếng trực tiếp xin lỗi 250 nghìn khách hàng ngoài tờ thông cáo báo chí sơ sài, chỉ đóng dấu treo và không có bất cứ thông tin nào về lãnh đạo hay người đại diện công ty đứng ra chịu trách nhiệm.
Xa dau thai dau doc nuoc song Da: 3 van de nhuc nhoi hung thu va bi hai
Dòng nước bị ô nhiễm sau khi bị các đối tượng đổ trộm dầu thải. 
Trong khi đó, vụ việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nước sạch sông Đà, Viwasupco vừa là nạn nhân nhưng vừa lại nguyên nhân dẫn đến sự việc thêm nghiêm trọng.
Viwasupco là nạn nhân bởi nguồn nước đầu vào của công ty bị các đối tượng đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm. Tuy nhiên, Viwasupco được cho là nguyên nhân như ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã nói tại buổi họp báo Thành ủy Hà Nội 15/10 khi “Một số cán bộ của Viwasupco có phát hiện việc này từ sáng ngày 8/10/2019, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như TP Hà Nội. Đồng thời doanh nghiệp này cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Trong cuộc họp báo do Hà Nội và Hòa Bình tổ chức, lãnh đạo Công ty cổ phần nước sạch sông Đà không thừa nhận trách nhiệm, cho rằng công ty mới là nạn nhân lớn nhất nhưng thực tế đã minh chứng sự thiếu trách nhiệm của công ty này khi nước nhiễm dầu vẫn xử lý và xử lý xong cấp nước vẫn nhiễm dầu đến hàng vạn người dân Hà Nội.
Bởi vậy, liên quan việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Mới đây ngày 22/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Trần Đăng Ninh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, Viwasupco đã cung cấp nước sạch thì phải đảm bảo chất lượng nước cho người dân. Khi chưa đảm bảo thì trước hết phải nhận trách nhiệm.
Trả lời báo chí vào chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về doanh nghiệp Viwasupco. Bởi chủ đầu tư, doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước.
“Đối với doanh nghiệp, trong một nhà máy từng phân xưởng lại chia ra, phần nhận nước đầu nguồn như thế nào, phần nước xử lý thế nào... chứ không thể để có toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng như ông Tốn nói, chẳng biết dừng cấp nước hay không. Rồi nhà phân phối, cũng phải có hệ thống quan trắc riêng", ông Hoàng Trung Hải nêu rõ.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, doanh nghiệp đã chưa có giải pháp đúng đắn, kịp thời và không chú ý đến sức khỏe, không lường được hết các tác hại có thể gây cho người dân. Có thể dùng từ hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết”.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù công ty cũng là nạn nhân của tình trạng đổ thải nhưng công ty này cũng lại là nguyên nhân. Việc nhận lỗi, xin lỗi là cần thiết nhưng không phải xin lỗi là xong. Cơ quan công an sẽ tiếp tục xác minh làm rõ trách nhiệm pháp lý của cá nhân và công ty này, nếu đủ căn cứ thì phải khởi tố về tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định tại Điều 237 Bộ luật hình sự năm 2015.
Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà là bị hại hay hung thủ
Liên quan vụ việc trên, từ lời khai của đối tượng Lý Đình Vũ kẻ thuê hai đối tượng đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà được xác định có liên quan đến vụ việc trên khi cung cấp lượng dầu thải sai quy định của các đối tượng trên.
Theo đó, từ lời khai của đối tượng Lý Đình Vũ và biên bản kiểm tra của đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường – Bộ Công an ngày 19/10 cho thấy, giữa Nguyễn Thị Huyền Trang (nhân vật được Vũ nhắc đến trong lời khai ban đầu, đồng lời là con gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ sông Đà) và Lý Đình Vũ từng có thỏa thuận để xử lý dầu thải.
Theo thỏa thuận miệng, bà Trang sẽ phải trả cho ông Vũ số tiền đề thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1000 đồng/lít. Sáng ngày 7/10, Vũ gọi điện cho bà Trang để đến thu gom dầu thải. Do bà Trang đi vắng nên đã giao lại việc cho ông Trần Thành Trung (cán bộ phòng vật tư của công ty) để ông Trung chuyển giao dầu thải cho Vũ. Sau đó Vũ thuê Đại, Thám lái xe tải đến công ty CP Gốm sứ Thanh Hà lấy gần 9.000 kg dầu thải mang đi sau đó số dầu thải này được đổ ở suối Trầm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.
Xa dau thai dau doc nuoc song Da: 3 van de nhuc nhoi hung thu va bi hai-Hinh-2
Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà. 
Quá trình kiểm tra cũng cho thấy, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà có nhiều vi phạm trong quản lý, chuyển giao chất thải nguy hại tại công ty này như quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định, Cụ thể, công ty cổ phần gốm sứ CTH đã chuyển giao 8.830 kg dầu thải cho các đối tượng mang đi xử lý. Tuy nhiên, Công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ tư cách pháp nhân về chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng nêu trên.
Dư luận đặt ra câu hỏi Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà là nạn nhân hay là hung thủ? Câu hỏi này sẽ được giải đáp khi cơ quan công an điều tra làm rõ vụ việc. Trong trường hợp Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà biết rõ mục đích sử dụng chất thải đó để gây ô nhiễm nguồn nước, nhưng vẫn cố ý bán thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "gây ô nhiễm môi trường", với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, trường hợp công ty không biết mục đích sử dụng chất thải đó là để gây ô nhiễm môi trường thì không có cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm nhưng vẫn có thể xem xét trách nhiệm của Công ty này đối với việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.
Ba đối tượng bị bắt có phải là hung thủ đầu sỏ hay còn ai khác?
Liên quan vụ việc trên, chiều 23/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối tượng Nguyễn Chương Đại (SN 1994) và Lý Đình Vũ (SN 1982), cùng trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Hoàng Văn Thám (SN 1986), trú xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn về hành vi “Gây ô nhiễm môi trường”, theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Đáng chú ý, tại cơ quan Công an, đối tượng Lý Đình Vũ đã khai toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo đó, Lý Đình Vũ khai có quen Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi, con gái và là trợ lý Giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở tỉnh Phú Thọ). Trong một lần trò chuyện, Trang nói công ty này có chất thải là dầu cặn nên muốn thuê Vũ đi đổ giúp với giá 7 triệu đồng.
Sau khi nhận lời, ngày 6/10, Lý Đình Vũ thuê Đại và Thám đi xe tải từ Bắc Ninh đến công ty trên để bơm dầu thải vào 10 thùng có tổng dung tích khoảng 10 m3. Sau đó, 2 người này di chuyển hơn 110 km về Công ty cơ khí cao su K90 ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để gửi xe. Ngày 8/10, Vũ cùng đồng phạm đi 2 ôtô đến khu vực vắng người ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục nghìn hộ dân ở Hà Nội sử dụng nước của nhà máy này.
Xa dau thai dau doc nuoc song Da: 3 van de nhuc nhoi hung thu va bi hai-Hinh-3
 Ba đối tượng gây ra hành vi đổ thải gây ô nhiễm nước sông Đà tại cơ quan công an.
Dư luận đặt câu hỏi, ngoài 3 đối tượng trên thì liệu có thể có hung thủ đầu sỏ đứng sau vụ việc trên hay không? Việc này cơ quan công an trong quá trình làm việc với 3 đối tượng trên và bà Nguyễn Thị Huyền Trang, ông Trần Thành Trung, Công an TP Gốm sứ Thanh Hà sẽ làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự thì Tội gây ô nhiễm môi trường hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù. Với những đối tượng vụ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, cố ý thực hiện hành vi phạm tội thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc, có thể bị áp dụng với mức hình phạt cao nhất. Ngoài ra thủ đoạn, hậu quả, tính chất mức độ hành vi cũng là những yếu tố quyết định đến mức hình phạt đối với các đối tượng phạm tội.
Trong trường hợp hành vi cạnh tranh không lành mạnh là nguyên nhân, động cơ mục đích thực hiện hành vi phạm tội thì hành vi này là hết sức lên án và có thể xem xét xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm đó. Như vậy dù có đối tượng đầu sỏ vì mục đích động cơ gì mà chỉ đạo vụ việc trên cũng đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)