Ngày 17/4/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo.
Theo đó, Công ty WPP bị phạt theo khoản 2a Điều 38 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 13 Điều 4 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, do có hành vi cài đặt sản phẩm quảng cáo của 2 nhãn hàng vào nội dung phim “Flight to you” (Hướng gió mà đi) phát trên mạng xã hội YouTube, trong phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.
|
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, Công ty WPP cũng thực hiện quảng cáo 03 sản phẩm mỹ phẩm trên nền tảng mạng xã hội YouTube mà không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Với hành vi này, Công ty WPP bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 51 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 14 Điều 4 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.
Tổng số tiền xử phạt áp dụng cho 02 hành vi nói trên là 55 triệu đồng và Công ty WPP bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.
Làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, Công ty WPP cho biết thời gian qua, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp để rà soát, ngăn chặn việc quảng cáo bị gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do thuật toán phân phối nội dung quảng cáo của Youtube vẫn còn nhiều khiếm khuyết nên vẫn có những vi phạm liên quan đến các quảng cáo do Công ty WPP phân phối. Để triệt để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Công ty WPP sẽ tích cực tham gia vào sáng kiến “White List” (Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng sử dụng cho hoạt động quảng cáo”) do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, đồng thời cũng tránh việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặc biệt khuyến cáo các nhãn hàng hay người quảng cáo cần nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu, bởi đó là yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh, là tài sản vô hình đem lại giá trị vô giá cho doanh nghiệp. Khi thương hiệu không được đặt đúng chỗ, nghĩa là giá trị của doanh nghiệp sẽ bị giảm sút.