Vụ Xuyên Việt Oil: Khi nào “nhận quà tặng” là nhận hối lộ?

Google News

Cơ quan ANĐT, Bộ Công an vừa ra kết luận vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Trong số 15 bị can bị đề nghị truy tố, bà Mai Thị Hồng Hạnh, nguyên Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil bị đề nghị truy tố về các tội ''Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí'' và ''Đưa hối lộ''.
Ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị đề nghị truy tố về các tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi'', ''Nhận hối lộ''.
Nhận hối lộ hàng trăm nghìn USD, đồng hồ Patek Philippe
Kết luận điều tra cho thấy, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, bị can Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc, kiêm Chủ tịch Xuyên Việt Oil có vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền Thuế bảo vệ môi trường vào Ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng. Số tiền này, bị can Hạnh dùng để mua bất động sản, cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân, đưa hối lộ cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, tỉnh Bến Tre…
Về hành vi nhận hối lộ của ông Lê Đức Thọ, cựu Chủ tịch một ngân hàng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, kết luận thanh tra nêu rõ, năm 2018, Mai Thị Hồng Hạnh quen biết Lê Đức Thọ do Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi ông Thọ làm Chủ tịch HĐQT.
Vu Xuyen Viet Oil: Khi nao “nhan qua tang” la nhan hoi lo?
 
Để được ông Thọ giúp cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã 2 lần đưa hối lộ cho vị này. Lần đầu vào tháng 1/2019, Mai Thị Hồng Hạnh đến gặp bị can Thọ xin cấp giới hạn tín dụng 7.000 tỷ đồng. Lê Đức Thọ đồng ý và sau đó, bị can Hạnh đưa cho Lê Đức Thọ 100.000 USD.
Lần 2 đưa hối lộ xảy ra năm 2020, khi Xuyên Việt Oil muốn “nối lại quan hệ tín dụng” với ngân hàng thuộc quản lý của ông Thọ. Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa cho Lê Đức Thọ 500.000 USD và đổi lại, Chủ tịch ngân hàng phê duyệt kéo dài giới hạn tín dụng 3.000 tỷ đồng cho Xuyên Việt Oil.
Ông Lê Đức Thọ cũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre để tác động, gây ảnh hưởng đến Giám đốc ngân hàng cho Công ty Xuyên Việt Oil được vay vốn thuận lợi với hạn mức tín dụng 400 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và tỷ lệ tín chấp khoản vay là 40%.
Ông Thọ đã nhiều lần nhận tiền, tài sản có giá trị từ bà Hạnh gồm: 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỷ đồng) vào ngày 28/3/2022; 1 bộ golf trị giá 1,1 tỷ đồng; 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe trị giá 421.000 USD (tương đương hơn 9,8 tỷ đồng); 1 ô tô Mercedes Benz S450 Luxury trị giá hơn 6,6 tỷ đồng. Hành vi trên của ông Thọ bị CQĐT cho rằng đã phạm vào tội ''Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi''.
Khi nào “nhận quà tặng” là hành vi nhận hối lộ?
Nêu ý kiến về hành vi của ông Lê Đức Thọ, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, theo nội dung kết luận điều tra, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đề nghị truy tố về hai tội danh là tội nhận hối lộ và tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi. Với hai tội danh này, ông Thọ sẽ phải đối mặt với khung hình phạt rất nghiêm khắc.
Theo luật sư Cường, pháp luật quy định hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, đã sử dụng chức vụ quyền hạn như một công cụ để đổi lấy lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp. Hành vi nhận hối lộ kéo theo hành vi đưa hối lộ, đó là sự thoả thuận giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác về việc họ sẽ nhận được lợi ích và đổi lại họ sẽ thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Bởi vậy, để có căn cứ xử lý ông Thọ về tội nhận hối lộ theo điều 354 bộ luật Hình sự, Cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông Thọ đã có sự thỏa thuận với đại diện doanh nghiệp về việc sẽ nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của đại diện doanh nghiệp.
Ngoài lời khai nhận tội của các bị can, lời khai của người làm chứng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào các chứng cứ vật chất khác như thông tin cuộc gọi, tài khoản ngân hàng, tin nhắn và các tài liệu chứng cứ khác để chứng minh có việc thỏa thuận, có việc chuyển tiền và thực hiện các công việc theo yêu cầu của người đưa tiền để chứng minh hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Đây là vụ án phức tạp có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian dài và xử lý đối với một số cán bộ có chức vụ quyền hạn cao ở địa phương, ở Bộ Công Thương nên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thận trọng trong việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ để chứng minh tội phạm.
Đồng thời sẽ phân biệt các hành vi làm cơ sở xác định chính xác tội danh mà các bị cáo có thể bị áp dụng. Với tội đưa hối lộ và nhận hối lộ, cần phải chứng minh có sự thoả thuận giữa người đưa và người nhận về tài sản chuyển giao và công việc phải làm. Với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi thì cần phải làm rõ mối quan hệ 3 bên, có sự thỏa thuận, người phạm tội sử dụng quyền lực, mối quan hệ như công cụ để thực hiện hành vi phạm tội.
Trong vụ án trên, ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Công Thương bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ". Theo kết luận điều tra, từ năm 2014, ông Đỗ Thắng Hải có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Ông Hải cũng trực tiếp phụ trách, chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước là đơn vị tiếp nhận, thẩm định, đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.
Giữa tháng 6/2021, để xin cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, bà Mai Thị Hồng Hạnh đã liên hệ nhờ ông Đỗ Thắng Hải giúp đỡ, tạo điều kiện. Ông Hải chỉ đạo Hoàng Anh Tuấn xem xét, tạo điều kiện sớm cấp Giấy phép cho công ty này. Ngày 19/11/2021, trên cơ sở đề xuất của Hoàng Anh Tuấn, ông Đỗ Thắng Hải đã nhận 50.000 USD (tương đương 1,139 tỷ đồng) của Hạnh tại phòng làm việc. Trong quá trình điều tra, ông Hải đã nộp lại 730 triệu đồng.
Chia tiền hối lộ 250.000 USD ngay trong phòng làm việc
Trong vụ án, ông Trần Duy Đông, cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương và ông Hoàng Anh Tuấn, cựu Vụ phó bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Theo kết luận điều tra, từ tháng 8/2017 đến 6/2023, ông Trần Duy Đông là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, có thẩm quyền chỉ đạo, quản lý chung mọi lĩnh vực công tác; lãnh đạo, quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, điều hành hoạt động của Vụ.
Giữa tháng 6/2021, ông Trần Duy Đông được Hoàng Anh Tuấn, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước báo cáo việc bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil nhờ giúp đỡ cấp lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil. Ông Tuấn cũng nói về việc ông Đỗ Thắng Hải, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương có chỉ đạo nhanh chóng giải quyết hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp này.
Ngày 30/9/2021, theo chỉ đạo của bà Hạnh, ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Xuyên Việt Oil mang tiền đến trụ sở Bộ Công Thương. Đến khu vực làm việc của Vụ Thị trường trong nước, ông Thắng được Hoàng Anh Tuấn đưa vào phòng làm việc của ông Đông. Khi gặp ông Trần Duy Đông, ông Thắng nói: “Do dịch COVID, chị Hạnh không ra Hà Nội được, chị Hạnh gửi quà cho các anh” và để túi đựng tiền sát bên chỗ ngồi của ông Đông trên ghế sô pha.
Sau khi ông Thắng ra về, tại phòng làm việc của mình, ông Trần Duy Đông và ông Hoàng Anh Tuấn chia số tiền hối lộ 250.000 USD (tương đương hơn 5,6 tỷ đồng) thành 2 phần. Trong đó, ông Trần Duy Đông giữ lại 120.000 USD (tương đương hơn 2,7 tỷ đồng), đưa cho ông Tuấn 130.000 USD (tương đương hơn 2,9 tỷ đồng).
Ngày 19/11/2021, trên cơ sở đề xuất của ông Hoàng Anh Tuấn, cựu Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã ký cấp giấy phép số 55 cho Công ty Xuyên Việt Oil.
Kết luận điều tra cho rằng, ông Trần Duy Đông đã nhận hối lộ tổng số tiền 250.000 USD của bà Mai Thị Hồng Hạnh. Nhưng số tiền mà ông Đông chiếm hưởng là 120.000 USD. Ông Hoàng Anh Tuấn được Xuyên Việt Oil đưa tiền thêm 2 lần khác, tổng cộng 15.000 USD. CQĐT kết luận ông Tuấn nhận hối lộ 265.000 USD, số tiền chiếm hưởng là 145.000 USD. Quá trình điều tra, ông Trần Duy Đông tự nguyện nộp lại số tiền 120.000 USD để khắc phục hậu quả, ông Hoàng Anh Tuấn nộp lại số tiền 105.000 USD.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ 'chuyến bay giải cứu' ba người nhận hối lộ nhiều nhất bị y án chung thân
 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)