Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án sản xuất sách giáo khoa giả có quy mô cực lớn, liên quan đến bị cáo Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương). Trước đó, bị cáo Hùng bị đề nghị mức án 9 - 10 năm tù về tội nhận hối lộ.
|
Bị cáo Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương)
|
Trong phần tranh luận cũng như nói lời sau cùng, bị cáo Trần Hùng một mực kêu oan, khẳng định không nhận tiền, cũng không hướng dẫn chủ doanh nghiệp thay đổi lời khai, càng không can thiệp vào quá trình xử lý vụ việc vi phạm.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX đã vào phòng nghị án. Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau, HĐXX quay lại phòng xử án, thẩm phán chủ tọa tuyên bố sẽ cần nhiều thời gian để xem xét, đánh giá kết quả tranh tụng cũng như các chứng cứ buộc, gỡ tội cho đến lúc này. HĐXX sẽ tuyên án vào 9h ngày 27/7.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát thể hiện, căn cứ vào lời khai, biên bản đối chất giữa Trần Hùng với các bị cáo khác... có đủ cơ sở xác định Hùng nhận của Thuận 300 triệu đồng tại phòng làm việc vào khoảng 13h10 đến 13h15 ngày 15/7/2020, để hướng dẫn nữ giám đốc thay đổi lời trình bày về nguồn gốc số sách thu giữ, làm sai lệch bản chất vụ việc.
Bào chữa cho ông Hùng, luật sư cho rằng Viện Kiểm sát chỉ dựa vào lời khai nhiều mâu thuẫn của Hải để buộc tội ông Hùng mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác. Ban đầu Hải khai đưa tiền cho ông Hùng vào ngày 20/7/2020 nhưng sau đó lại thay đổi lời khai nói ngày đưa tiền là 15/7/2020. Theo luật sư, tại tòa, Hải xác nhận đưa tiền cho Trần Hùng vào khoảng 13h ngày 15/7/2020. Song cáo buộc của Viện Kiểm sát không nêu cụ thể thời gian mà chỉ ghi là đầu giờ chiều.
Viện dẫn các chứng cứ thu thập từ nhà mạng Mobifone, luật sư cho biết, thời gian Hải gọi điện cho ông Hùng ở 2 khoảng cách địa lý xa nhau. Theo dữ liệu trích xuất, từ 11h44 đến 14h02 ngày 15/7/2020, cột sóng định vị ông Hùng ở quận Ba Đình. Tuy nhiên cùng thời gian này, định vị của Hải lại ở quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng.
Việc Hải giao tiền cho ông Hùng lại diễn ra ở trụ sở cơ quan ông Hùng tại quận Hoàn Kiếm. Vì thế luật sư đặt giả thuyết việc ông Hùng về nhà rồi quay lại cơ quan để nhận tiền là không hợp lý. Ngoài việc tiếp tục phân tích dữ liệu định vị điện thoại của Trần Hùng và điện thoại của Nguyễn Duy Hải từ 12h40 đến trước 14h ngày 15/7/2020,
Trong phần đối đáp chiều 22/7, luật sư bào chữa cho ông Trần Hùng cũng đã mời lái xe đưa ông Hùng đi làm chiều 15/7/2020 tới TAND TP Hà Nội để tiếp tục làm rõ về thời gian môi giới và nhận hối lộ giữa ông Hùng và Nguyễn Duy Hải. Song HĐXX cho rằng, lái xe biết gì đã khai hết trong hồ sơ vụ án. Đối đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định có đủ căn cứ kết luận Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng thông qua người môi giới Nguyễn Duy Hải.
Viện Kiểm sát cũng phản bác lập luận của các luật sư cho rằng chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Hải mà không có nhân chứng, vật chứng. Theo Viện Kiểm sát, nguồn chứng cứ có từ nhiều nguồn khác nhau, không phải lúc nào cũng là chứng cứ vật chất; nguồn chứng cứ ở đây có thể là lời khai của bị cáo, là vật chứng, biên bản đối chất, biên bản giám định.
Để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo có thể căn cứ vào lời kể lại, nghe lại của những người khác, trong khi những lời này là khách quan, logic. Đại diện Viện kiểm sát cho rằng lời khai của Nguyễn Duy Hải rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm, phù hợp với các chứng cứ khác. Viện kiểm sát khẳng định, từ 13h10 đến 13h15 là khoảng thời gian Hải đưa tiền cho Trần Hùng.
Tại phiên tòa đại diện Mobifone cho biết, trong quá trình sử dụng thuê bao di động có thể di chuyển. Bởi thế tại thời điểm thuê bao di chuyển giữa ranh giới của hai cột phát sóng thì cột sóng nào mạnh hơn sẽ ghi nhận thuê bao ở cột đó. Cũng có thể tin nhắn ghi nhận ở cột sóng này nhưng cuộc gọi lại được ghi nhận ở cột sóng khác.
Đại diện Mobifone khẳng định mọi tài liệu cung cấp được trích xuất trên hệ thống của nhà mạng nên rất chính xác". Về quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng, đại diện Mobifone nói chỉ cung cấp dữ liệu thuê bao khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước, dựa vào thông tư của TAND Tối cao và Bộ Công an. Bên nhà mạng thường chỉ cung cấp ngày giờ cuộc gọi, định vị cột phát sóng, chứ không cung cấp nội dung cuộc gọi.
>>> Xem thêm video: Bắt tạm giam thêm 1 thành viên đoàn thanh tra Bộ xây dựng nhận hối lộ