Thời gian vừa qua, dư luận chú ý việc Trường phổ thông liên cấp quốc tế Mỹ phải cho học sinh nghỉ học vì lý do tài chính và nhân sự. Việc này đẩy phụ huynh rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi đã trót cho trường vay tiền và việc học của các con đang dang dở.
Sự kiện này không chỉ khiến nhiều người hồ nghi về cách vận hành, hoạt động của riêng AISVN, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh các quy định pháp lý đối với các trường quốc tế tại Việt Nam.
|
Các phụ huynh họp với Trường Quốc tế Mỹ chiều ngày 30/3
|
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT LAWFIRM nêu ý kiến về sự việc trên cho rằng, theo quy định tại Luật Giáo dục và hướng dẫn thi hành về loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam bao gồm: Trường công lập, trường tư thục và trường dân lập áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, liên quan đến quy định về việc đặt tên trường, pháp luật hiện hành quy định: Trường THCS (hoặc THPT; tiểu học và THCS; THCS và THPT; tiểu học, THCS và THPT; THPT chuyên) + tên riêng của trường.
Do đó, cụm từ “Trường quốc tế” xuất hiện trong thực tế tại Việt Nam không thể hiện đây là một loại hình giáo dục, mà đơn thuần chỉ là danh từ trong thành tố cấu thành nên tên riêng của trường.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện nay không có loại hình “Trường quốc tế”. Đây không phải là một thuật ngữ pháp lý, do đó Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành không có các quy định chuyên biệt để quy định riêng đối với các trường này. Pháp luật không có quy định về các tiêu chí để xác định một trường nào đó có được xem đạt chuẩn “Trường quốc tế” hay không.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều trường các cấp, đặc biệt là hệ thống trường theo loại hình tư thục, trong tên riêng của trường thường có cụm từ “Trường quốc tế”. Trong đó, có các trường mặc dù trong tên riêng có danh từ “Trường quốc tế” nhưng cơ cấu tổ chức, quản lý, hoạt động của trường chỉ thuần tuý giống như các trường thông thường. Ngược lại, là nhóm các trường có yếu tố quốc tế trong cơ cấu tổ chức, hoạt động quản lý, đào tạo, giảng dạy.
Đối với nhóm này, trường thường đáp ứng các tiêu chí có “tính quốc tế” như: Chương trình giáo dục quốc tế, như International Baccalaureate (IB), Cambridge International Examinations hoặc Advanced Placement (AP). Ngôn ngữ giảng dạy thường sử dụng tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ quốc tế khác làm ngôn ngữ giảng dạy chính. Hệ thống giáo viên cần có đủ số lượng và chất lượng giáo viên có kiến thức và kinh nghiệm trong việc giảng dạy theo chương trình quốc tế, có thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm phòng học hiện đại, thư viện, phòng thí nghiệm và các phòng học đa phương tiện. Môi trường học tập đa văn hóa, nơi học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau cho học sinh quốc tế, bao gồm dịch vụ visa, chỗ ở và hỗ trợ về vấn đề văn hóa…
|
Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT LAWFIRM |
Theo luật sư Mai Thảo, liên quan đến “yếu tố quốc tế” được quy định tại Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành, có thể kể đến các nguyên tắc Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục của Việt Nam hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Các quy định điều chỉnh về các hình thức hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục tại Việt Nam bao gồm: Liên kết giáo dục, đào tạo; thành lập văn phòng đại diện; thành lập phân hiệu; thành lập cơ sở giáo dục…
Như vậy, chúng ta thấy rằng thực tiễn tại Việt Nam đã và đang có xu hướng thành lập, phát triển ngày càng nhiều các trường có yếu tố quốc tế trong cơ cấu tổ chức, hoạt động quản lý, đào tạo, giảng dạy, hướng tới hội nhập, đào tạo nên những “học sinh, sinh viên toàn cầu”, “công dân toàn cầu”.
Tuy nhiên, như đã phân tích, chúng ta chưa có chế định riêng, quy định chuyên biệt để điều chỉnh đối với nhóm “Trường quốc tế” này. Bởi những khác biệt lớn trong cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành theo mô hình quốc tế, đặc biệt là về chương trình đào tạo, giảng dạy. “Chúng tôi cho rằng việc gộp chung nhóm trường này vào loại hình tư thục hoặc công lập sẽ khó đảm bảo tính hiệu quả điều chỉnh của quy phạm pháp luật”, luật sư Mai Thảo nói.
Luật sư Mai Thảo phân tích thêm, khi pháp luật chưa có quy định một cách rõ ràng, chưa có tiêu chí về việc xác định một trường nào đó có đáp ứng được tiêu chuẩn để công nhận là “Trường quốc tế” hay không, thì rất dễ dẫn đến hiện tượng các trường lạm dụng việc đặt tên “trường quốc tế” để thu hút học viên.
Nếu phụ huynh học sinh không cẩn trọng, xem xét toàn diện môi trường dạy và học trước khi quyết định thì rất dễ dẫn đến phải chi trả mức học phí cao hơn hơn nhiều so với chất lượng dịch vụ đào tạo được các trường này cung cấp.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề cơ cấu tổ chức, vận hành và hoạt động, đặc biệt là về cơ chế tài chính. Hiện nay, các “Trường quốc tế” đang có xu hướng “thực hiện những việc mà pháp luật không cấm”, đơn cử như việc huy động tài chính bằng cách vay tiền của phục huynh học sinh trong vụ AISVN theo cơ chế dân sự.
Do đó, khi chưa có quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh, cụ thể là quy định trong lĩnh vực giáo dục, các quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động… đối với “Trường quốc tế” thì rủi ro về mặt pháp lý rất cao, không chỉ đối với học sinh, phụ huynh mà còn ngay cả đối với “Trường quốc tế” đó.
Từ các vấn đề trên, luật sư Mai Thảo đề xuất cần thiết phải bổ sung các quy định pháp luật chuyên biệt để tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, điều chỉnh hiệu quả đối với các “Trường quốc tế”. Có các tiêu chí, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng để xác định một trường nào đó đạt chuẩn quốc tế, định hướng quốc tế, cũng như các quy định về cơ cấu tổ chức, quản lý, vận hành, đào tạo, quyền và nghĩa vụ của trường đối với học sinh, phụ huynh....
Chiều ngày 30/3, hội đồng Trường quốc tế AISVN) tổ chức cuộc họp với toàn thể phụ huynh nhà trường với sự tham gia của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Công an TP HCM.
Nguyên nhân AISVN gặp khó tài chính
Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ AIS cho biết, thời gian qua, công ty gặp khó khăn trong việc quản lý vận hành do tình hình tài chính khó khăn, lỗ, thiếu hụt tiền.
Nguyên nhân chính là do công ty đã đầu tư chi phí lớn cho các công trình xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị trong trường từ vốn của chủ đầu tư và nguồn vốn huy động của phụ huynh.
Hằng năm, nhà trường vẫn thường xuyên chi kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, đóng các chi phí chương trình tú tài quốc tế (IB) trong khi các khoản này nhà trường không thu bù phụ huynh trong nhiều năm qua. Đồng thời, nhà trường chi khoản kinh phí lớn cho hoạt động của tuyến xe buýt dài hạn miễn phí đưa đón học sinh.
Với dự kiến công năng khoảng 4.000 học sinh nhưng thực tế nhà trường chỉ mới tuyển được gần 1/2 số lượng. Trong các năm 2022 và 2023, lãi suất các hợp đồng vay và lãi huy động trái phiếu lên cao dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh, cộng với khó khăn dịch COVID-19 khiến tình hình càng khó khăn do nguồn thu giảm mạnh, trong khi gần như toàn bộ chi phí không đổi (kết quả thể hiện qua các số liệu kết quả thanh tra thuế).
Ngoài ra, công ty hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động đầu tư khác ngoài giáo dục. Với khó khăn ngoài dự tính, công ty đã tạm thời mất thanh khoản trong ngắn hạn, dẫn đến việc trả chậm lương của các giáo viên và chậm hoàn tiền cho phụ huynh học sinh với hợp đồng hợp tác đầu tư.
Kêu gọi phụ huynh đóng thêm 125 tỷ đồng
Trao đổi với báo chí, một phụ huynh tham dự cuộc họp cho biết, tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường Trường Quốc tế Mỹ bày tỏ mong muốn giữ trường, muốn đảm bảo quyền lợi các gói đầu tư của phụ huynh.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Út Em lên tiếng kêu gọi phụ huynh đóng góp 125 tỷ đồng hỗ trợ để giải quyết khó khăn tài chính, duy trì vận hành đến cuối năm học. Tùy thuộc vào khối lớp, nội dung chương trình học, phụ huynh sẽ đóng các mức khác nhau từ 9,5 đến 25 triệu đồng/tháng.
Theo tờ trình báo cáo việc tái cơ cấu công ty để tiếp tục duy trì hoạt động ổn định của trường cho thấy, trường tính toán dự kiến khoản chi 125 tỷ đồng để hoàn thành chương trình năm học. Trong đó, tổng nợ chi lương, vận hành của trường ở các tháng 1, 2, 3/2024 hiện nay là khoảng 48 tỷ đồng; tổng dự tính chi phí vận hành của trường tháng 4-6/2024 là 77 tỷ đồng.
Trường quốc tế AISVN dự kiến khoản thu là 121 tỷ đồng, thu bổ sung vốn lưu động chủ đầu tư 4 tỷ đồng. Trường thuyết phục phụ huynh chi phí IB nâng cao, phí xe buýt, phí cơ sở vật chất, học phí thường niên, học phí trọn khóa 47 tỷ đồng; thuyết phục phụ huynh hỗ trợ thu bù mức học phí bình quân theo mức giá học phí niêm yết ba tháng.
Tuy nhiên nhiều phụ huynh không đồng ý với đề nghị trên. Họ cho biết, họ đã đóng tiền tỷ đầu tư vào trường để con được học. Có người phải vay tiên ngân hàng, thậm chí bán nhà để đóng tiền học theo gói đầu tư cho con vào trường.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói về học phí