Chiều 3/9, thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết báo cáo “nhập chung” các vụ tham nhũng với một loạt tội phạm kinh tế. Vì thế, đọc thì thấy rất ít tội phạm tham nhũng, trong khi nhận định của nhiều cơ quan chức năng và cử tri thì tội phạm này còn nhiều.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hà. |
“Như vụ thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố ở Vĩnh Phúc, chúng ta nói là 'tham nhũng vặt' nhưng không có nghĩa là không nghiêm trọng. Nhập vào như vậy thì ít ỏi quá, nhân dân sẽ nghĩ chưa phản ánh hết tình hình”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu TP.HCM cũng nêu thực tế một số vụ rất to nhưng khi xử lại là tội “Cố ý làm trái”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” chứ không thấy tội tham nhũng. Chỉ có vụ AVG nhân dân đang chờ đợi thì thấy có, còn nhiều vụ nằm trong diện của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cũng không thấy hành vi này.
“Như vụ đánh bạc qua mạng cũng không có yếu tố tham nhũng. Thực sự như vậy hay khó quá không điều tra ra?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Nguyên Chánh tòa Hình sự Nguyễn Đức Sáu cho biết trong việc điều tra tội phạm, phá những vụ án tham nhũng, những vụ án cờ bạc lớn, đến giờ phút này mới có bị can thừa nhận đã nhận hối lộ tới 3 triệu USD (cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận 3 triệu USD từ thương vụ MobiFone mua AVG - PV), còn xưa nay không có.
“Đây là kết quả của quá trình đấu tranh bằng nhiều kỹ năng và thu thập chứng cứ tốt, giỏi", ông Sáu chia sẻ.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Hoàng Hải. |
Làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải thích vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ không phải “tham nhũng vặt”. Theo bà, tham nhũng vặt là nhũng nhiễu, còn tham nhũng được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự, từ 2 triệu đồng trở lên là có cơ sở truy tố.
“Riêng vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ mấy trăm triệu thì không thể là tham nhũng vặt”, bà Nga tái khẳng định.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết người dân và cử tri "kêu lắm", nếu không có chính sách, giải pháp hiệu quả thì mỗi lần tiếp xúc cử tri, dân phản ánh rất nhiều.
“Chưa được lót tay thì chưa xử lý, chưa có phong bì, phong bao thì chưa thể xử lý công việc, cứ để vậy. Đây là điều mà Chính phủ biết, có đánh giá, có nêu, có chỉ đạo nhưng vấn đề là xử lý thế nào”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhân thảo luận vấn đề về tội phạm tham nhũng cũng đặt câu hỏi liên quan đến vụ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm"), rằng đến khi nào mới xử lý được vụ Vũ "Nhôm" liên quan đến dự án Đa Phước.
“Tôi nhận ủy thác của Bí thư Thành ủy, đề nghị các đồng chí quan tâm đến vụ này, sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế xã hội của TP trong thời gian sắp tới”, ông Sơn nói.