Vừa qua, sự việc nam thanh niên cầm dao và tẩm xăng đe dọa tính mạng nữ sinh trường Cao đẳng Y tế Thái Bình đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau khi người trong mộng từ chối gặp mặt, nam thanh niên này đã bắt cóc một nữ sinh trong trường và yêu cầu người trong mộng phải ra gặp, nếu không sẽ châm lửa cả hai cùng chết.
|
Nam thanh niên cầm dao khống chế một nữ sinh và yêu cầu người mình yêu phải ra gặp mặt. |
Tuy nhiên, công an tỉnh Thái Bình giải cứu thành công nữ sinh này. Sau đó nam thanh niên đã cầm dao đâm mạnh vào ngực mình và gục ngã tại chỗ.
Liên quan tới sự việc bắt cóc trên, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trao đổi cùng TS. Nguyễn Thị Tố Quyên (Phó trưởng khoa Xã hội học – Học viện Báo chí&Tuyên truyền). TS Tố Quyên cho hay: “Cùng với sự phát triển của xã hội và quá trình toàn cầu hóa thì tình yêu của giới trẻ cũng trở nên cởi mở và thoải mái hơn rất nhiều. Nhưng ở một khía cạnh nào đó tình cảm con người vẫn phải xuất phát từ cảm xúc, từ những rung động của cá nhân, khó mà gượng ép.
Có lẽ giới trẻ bây giờ luôn có suy nghĩ muốn chiếm hữu ai đó thì bất chấp tất cả để chinh phục, bằng mọi giá đạt được những thứ mình có, thậm chí có thể làm cả những hành động tiêu cực.
Hiện nay một bộ phận giới trẻ trong xã hội của chúng ta bị lệch lạc trong tư duy và suy nghĩ, muốn điều gì phải tìm mọi cách để đạt được kể cả sử dụng những hành động tiêu cực, bất chấp suy nghĩ của người khác. Có thể thấy, đó chính là biểu hiện của việc thiếu kĩ năng mềm”.
Cũng theo TS. Tố Quyên, một vấn đề đặt ra là trong giáo dục của chúng ta hiện nay, đa số đều tập trung vào những kiến thức khoa học mà “quên” dạy cho học sinh những kĩ năng ứng phó trong các tình huống, kĩ năng biết buông bỏ.
Như trường hợp vừa mới xảy ra tại Cao đẳng Y tế Thái Bình cũng không ngoại lệ, đó là biểu hiện của thiếu kĩ năng mềm mới dẫn đến hành động tiêu cực. Trước đó, đã từng có rất nhiều trường hợp hành động theo chiều hướng tiêu cực, họ sẵn sàng dùng “mọi thủ đoạn”, gây áp lực cho người khác để đạt được mục đích.
Trong cuộc sống không phải cái gì chúng ta cũng có thể đạt được, muốn cái gì cũng có được. Chính vì thế để cân bằng cuộc sống con người cần phải học cách chấp nhận thất bại, dũng cảm đứng lên bước tiếp để tìm thấy thành công khác chứ không phải bằng mọi giá đạt được những gì mình muốn nhất là trong khía cạnh tình cảm. Khi người ta không có cảm tình thì mình không thể bắt ép người ta được. Càng làm thế, họ càng coi thường và chán ghét mình.
Tình yêu là sự tự do và không thể bắt ép, nó phải đến tự nhiên, có sự rung động từ hai phía mới lâu bền. Chúng ta đừng bao giờ có suy nghĩ mình có thể chết vì yêu. Bởi lẽ, hôm nay ta tưởng mình có thể chết vì người này nhưng một thời gian sau ta lại bị rung động bởi người khác.
Tình yêu không phải cái “vĩnh hằng”, theo năm tháng khi vết thương tình yêu chữa lành chúng ta lại có thể mở lòng và đến với người khác. Vì thế, không phải cứ yêu nhau là sẽ đến với nhau, đôi khi yêu nhau rồi chia tay nhưng vẫn có thể để lại trong nhau những kỉ niệm đẹp nhất như là tình yêu đầu đời.
Tình yêu là thứ rất đáng trân trọng nhưng nếu chúng ta chết vì nó là cái chết dại nhất, đó là một con người ngu dốt và ích kỉ chỉ nghĩ tới bản thân mà không nghĩ cho đối phương, cho gia đình mình. Sự sống là thứ đáng quý nhất trên đời mà không biết quý trọng thì sẽ chẳng làm gì cho cuộc đời.
Mời quý độc giả xem video: