Vụ Đường Nhuệ: Điều kiện phục hồi điều tra vụ đánh người tại trụ sở CA?

Google News

(Kiến Thức) - Căn cứ để phục hồi điều tra phải gồm 2 điều kiện đó là cơ quan CSĐT đã xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ để phục hồi điều tra vụ án đã được tạm đình chỉ?
Liên quan việc Cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình phục hồi điều tra vụ án “Cố ý gây thương tích” tại trụ sở Công an phường Trần Lãm liên quan đến Nguyễn Xuân Đường xảy ra từ tháng 11/2014 để tiến hành điều tra, dư luận đặt câu hỏi, điều kiện để phục hồi điều tra vụ án đã đình chỉ từ 2015 thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm cho biết, vụ án cố ý gây thương tích trên xảy ra năm 2014 và được khởi tố điều tra ngày 5/1/2015, tuy nhiên sau đó bị tạm đình chỉ điều tra vào ngày 5/7/2015.
Do vậy, có thể nhận định, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã căn cứ vào khoản 1 của Điều 160 BLTTHS năm 2003 để ra quyết định đình chỉ điều tra khi nhận định vụ án thuộc trường hợp: “Chưa xác định được bị can trong khi đã hết thời hạn điều tra”.
Vu Duong Nhue: Dieu kien phuc hoi dieu tra vu danh nguoi tai tru so CA?
 Bị can Nguyễn Xuân Đường.
Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết, để có thể phục hồi điều tra một vụ án được tạm đình chỉ theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 160 BLTTHS thì mặc dù Điều 235 BLTTHS hiện hành không nói rõ nhưng có thể hiểu rằng căn cứ để phục hồi điều tra phải gồm 2 điều kiện đó là: CQĐT đã xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội đồng thời chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, căn cứ vào Điều 27 của BLHS năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, có thể khẳng định rằng, với một vụ án được phục hồi điều tra sau hơn 5 năm kể từ ngày xảy ra hành vi phạm tội thì tội phạm mà các bị can đã thực hiện với mẹ con bà Đinh Thị Lý sẽ phải thuộc một trong ba trường hợp đó là tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng.
Lý giải việc phục hồi điều tra nhưng vẫn do Cơ quan CSĐT - Công an TP Thái Bình thụ lý dù trước đó, chính cơ quan này khởi tố vụ án và ra quyết định đình chỉ vụ án, luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng, trước đây vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm được Cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình khởi tố, điều tra, sau một thời gian, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra và gần đây lại ra quyết định phục hồi điều tra. Các hoạt động nếu chỉ nhìn đơn thuần ở góc độ pháp luật thì hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Cần chuyển hồ sơ vụ án lên cấp cao hơn
Liên quan tới vấn đề có hay chăng chuyển vụ án lên cấp cáo hơn thụ lý điều tra, Luật sư Cường cho rằng với những điều bất thường trong hoạt động giải quyết vụ án trước đây, sau khi Cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình phục hồi điều tra Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cần rút vụ án để điều tra.
Bởi, sự việc mẹ con bà Đinh Thị Lý bị hành hung, gây thương tích xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội được mẹ con bà Lý tố cáo đã rất rõ ràng, cụ thể thì việc Cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình đưa ra nhận định rằng “chưa xác định được bị can” quả là một điều hết sức vô lý.
Việc “xã hội đen” gây thương tích cho mẹ con bà Lý ngay tại trụ sở công an phường quá sức tưởng tượng của người dân cũng như bản thân người làm công tác pháp luật.
Do vậy, nếu Cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình tiếp tục giải quyết vụ án, có ai dám chắc cơ quan này không nhiều thì ít sẽ đưa ra hướng giải quyết nhằm bảo vệ quan điểm trước đây của mình hay không? Tại sao một thời gian dài không phục hồi điều tra mà chỉ khi vợ chồng Đường Nhuệ đã bị bắt, các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục thông tin về những khuất tất của vụ án thì mới phục hồi điều tra vụ án.
Vu Duong Nhue: Dieu kien phuc hoi dieu tra vu danh nguoi tai tru so CA?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Xuân Cường.
Mặt khác việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình rút vụ án để trực tiếp điều tra cũng là cần thiết bởi điều này cũng nhằm tránh sự phức tạp, khó xử cho các cán bộ khác thuộc Cơ quan CSĐT, Công an TP Thái Bình khi được phân công giải quyết vụ án.
Luật sư Cường cho biết thêm, trong vụ án này, bà Đinh Thị Lý và con trai được xác định tư cách tham gia tố tụng là người bị hại và sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 62 BLTTHS.
Liên quan tới hoạt động bảo vệ người bị hại, Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết, tại điểm l của khoản 1 Điều 62 BLTTHS đã có quy định hết sức chi tiết, rõ ràng. Theo đó, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình thì người bị hại có quyền:“Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa”.
Do vậy, bản thân người bị hại cần phải nắm chắc quyền và nghĩa vụ của mình theo luật định để đưa ra yêu cầu đúng đắn, kịp thời đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho sức khỏe của bản thân.
Còn về phía các cơ quan chức năng, người tiến hành tố tụng cũng cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật, kịp thời trấn áp, xử lý nghiêm những hành vi có dấu hiệu trả thù đối với người tố cáo (người bị hại) qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.
Luật sư Đặng Xuân Cường cho biết thêm, thời gian tới đây, các cơ quan có thẩm quyền cần phải điều tra làm rõ tất cả những hành vi vi phạm pháp luật mà Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đã thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần phải làm rõ để trả lời cho công luận việc có hay không hành vi bao che cho Đường Nhuệ từ phía người có thẩm quyền. Đây là vấn đề được công luận hết sức quan tâm, chờ đợi.
>>> Mời độc giả xem video Bắt giam 4 cán bộ ở Thái Bình 'giúp sức' cho vợ chồng Đường Nhuệ:

Nguồn: VTC News

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)