Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự TAT Law Firm và Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống nhận định đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu và có thể dẫn đến các hệ lụy pháp lý nặng nề.
|
5 đối tượng bị tạm giữ trong vụ việc trả đến 30 tỷ/m2 khi tham gia đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn
|
Không chỉ là sự vi phạm quy trình đấu giá
Các đối tượng đã trả giá hơn 30 tỷ đồng/m2 để phá phiên đấu giá đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, các chuyên gia pháp lý đánh giá thế nào về chiêu thức tinh vi để khống chế kết quả đấu giá như trên?
Luật sư Đặng Xuân Cường: Thông tin từ cơ quan công an, các nghi phạm khai nhận đã sử dụng một chiêu thức tinh vi để khống chế kết quả đấu giá. Trước khi tham gia, nhóm này thỏa thuận mức giá khoảng 30 triệu đồng/m² là hợp lý để có thể bán chênh, nhưng lại cố tình đẩy giá qua 6 vòng đấu. Tại vòng 4, nếu mức giá vượt mốc 30 triệu đồng/m², họ sẽ đưa ra giá cao đột biến ở vòng 5 để "thắng áp đảo". Sau đó, ở vòng 6, cả nhóm sẽ đồng loạt xin rút, mục đích phá không cho lô đất nào trúng đấu giá thành công. Với chiêu thức này, 36/58 lô đất đã bị thao túng, khiến kết quả đấu giá bị méo mó và gây thất thoát lớn cho Nhà nước.
Hành vi trên không chỉ là sự vi phạm quy trình đấu giá mà còn tiềm ẩn nhiều tội danh nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), các hành vi thông đồng, thao túng trong đấu giá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án lên đến 20 năm tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, các hành vi này còn vi phạm Luật Đấu thầu, phá vỡ tính công khai, minh bạch vốn là yếu tố cốt lõi của quá trình đấu giá tài sản công.
Luật sư Đặng Văn Cường: Từ thông tin cơ quan công an cung cấp có thể thấy, nếu các đối tượng có hành vi thông đồng với nhau để dìm giá khi đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, có căn cứ để xử lý về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của pháp luật, người vi phạm điều cấm trong luật đấu giá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi cản trở hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trả giá cao đến mức bất thường rồi bỏ cọc khiến cho hoạt động đấu giá không thể tổ chức được hoặc tổ chức không thành công gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Nếu trường hợp hành vi thông đồng với nhau để thao túng hoạt động đấu giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, nhầm mục đích dìm giá để trục lợi, người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ động cơ phạm tội, đồng thời đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, rất có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo điều 218 Bộ luật Hình sự hoặc tội gây rối trật tự công cộng.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.
|
Hành vi của các đối tượng khi sử dụng chiêu thức tinh vi để khống chế kết quả đấu giá sẽ dẫn đến những hậu quả nào, thưa các chuyên gia pháp lý?
Luật sư Đặng Xuân Cường: Dưới góc độ thị trường, những hành vi gian lận như vậy gây tác động tiêu cực nghiêm trọng. Trước hết, chúng làm méo mó giá trị thật của tài sản đấu giá, khiến thị trường BĐS mất đi tính minh bạch và ổn định. Hành vi cố tình thổi giá cao rồi phá đấu giá còn làm mất niềm tin của nhà đầu tư chân chính, đồng thời gây thất thu cho ngân sách nhà nước do các tài sản không thể giao dịch thành công.
Luật sư Đặng Văn Cường: Đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua khiến cho giá đất ở các khu vực có hoạt động đấu giá đất đều tăng cao khi người trúng giá đất trả giá cao hơn mức khởi điểm rất nhiều. Dẫn đến những người dân sống trong khu vực đó, những người lao động không có cơ hội tiếp cận về quyền sử dụng đất trong những dự án có tổ chức đấu giá.
Điều đáng chú ý là những người tham gia đấu giá trả giá cao như vậy xong, ngay sau đó đã rao bán để thu lợi số tiền lớn. Người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như vậy thực sự không có mục đích sử dụng mà chỉ là hoạt động trục lợi từ đấu giá quyền sử dụng đất, lợi dụng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để thu lợi khiến cho người sử dụng thực sự phải trả giá cao, không những phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo mức giá mà những nhà đầu cơ đưa ra mà còn phải trả một khoản tiền chênh lệch khiến họ thiệt đơn, thiệt kép.
Điều đáng lo ngại là các thửa đất cứ thế qua tay thổi giá lên để kiếm lời, nhưng không đưa vào sử dụng dẫn đến lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Bởi vậy, kiểm soát hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất là điều cần thiết, sao cho giá đất phản ánh đúng với giá thị trường, để người có nhu cầu thực sự có cơ hội tiếp cận để đưa đất vào sử dụng nhằm phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và loại bỏ được các trường hợp đầu cơ, lợi dụng hoạt động đấu giá đất để thu lợi bất chính.
|
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự TAT Law Firm
|
Giải pháp ngăn chặn thao túng kết quả đấu giá
Từ vụ việc trên, các chuyên gia có đề xuất giải pháp để ngăn chặn tình trạng gian lận nhằm thao túng kết quả đấu giá đất?
Luật sư Đặng Xuân Cường: Vụ việc này không chỉ là bài học đối với cơ quan quản lý mà còn là lời cảnh báo cho người dân và nhà đầu tư. Việc tham gia đấu giá tài sản công không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn đòi hỏi trách nhiệm tuân thủ pháp luật nghiêm ngặt. Những chiêu thức như thỏa thuận ngầm hay thông đồng để thao túng giá đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý rất lớn.
Về phía cơ quan quản lý, cần tăng cường giám sát quy trình đấu giá, đặc biệt là các phiên đấu giá tài sản công có giá trị lớn. Việc áp dụng công nghệ, như đấu giá trực tuyến và công khai thông tin người tham gia, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ thông đồng và thao túng kết quả. Đồng thời, cần có các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm nhằm bảo vệ tính minh bạch và công bằng của hệ thống đấu giá.
Vụ việc 30 tỷ đồng/m² không chỉ là một vụ án hình sự thông thường mà còn phản ánh những lỗ hổng trong quản lý tài sản công. Đây là cơ hội để các cơ quan chức năng rà soát và cải thiện quy trình đấu giá, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận tương tự trong tương lai.
Xin cảm ơn các chuyên gia pháp lý về cuộc trao đổi trên!
Ngày 3/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (PC03) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội), Ngô Văn Dương (30 tuổi, trú xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh), Nguyễn Đức Thành (32 tuổi, trú phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh), Nguyễn Thế Trung (30 tuổi, trú xã Xuân Nộn) và Nguyễn Thế Quân (30 tuổi, trú xã Xuân Nộn), để điều tra hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, quy định tại khoản 2 điều 218 bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều tra ban đầu, tháng 11/2024, Phạm Ngọc Tuấn biết được thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn (thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) do UBND huyện Sóc Sơn tổ chức.
Tuấn nhờ Dương mua hồ sơ đấu giá do Công ty Thanh Xuân (đơn vị tổ chức đấu giá) phát hành. Để chắc chắn trúng đấu giá được các lô đất như ý, Tuấn thỏa thuận, bàn bạc với Nguyễn Thị Quỳnh Liên (43 tuổi, trú xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh) và 4 nghi phạm kể trên về việc cùng tham gia đấu giá, sau đó thống nhất sẽ nâng giá tại buổi đấu giá.
Cụ thể, Tuấn đã đưa ra bảng giá tham khảo đối với từng lô đất do Tuấn tính toán, chuẩn bị từ trước. Theo bảng tính này, các lô đất có giá trị dao động khoảng từ 20 triệu đồng đến 32 triệu đồng/m2, ước tính từ 1,7 tỷ đồng - 3,9 tỷ đồng/lô đất. Các đối tượng xác định đây là giá cao nhất có thể mua của từng lô đất nên nếu ở vòng thứ 4, người trả giá cao nhất vẫn ở dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì nhóm Dương, Liên, Thành, Quân và Trung sẽ tham gia tiếp vòng thứ 5 và vòng thứ 6, nhưng không trả giá vượt quá mức giá do Tuấn đã thẩm định.
Nếu vòng thứ 4 có người trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn đưa ra thì các đối tượng sẽ đưa ra một mức giá cao bất thường tại vòng thứ 5, nhưng bỏ đấu giá tại vòng cuối cùng (vòng thứ 6). Vì vậy, việc đấu giá sẽ buộc phải dừng để tổ chức đấu giá lại vào lần sau, do không đấu giá đủ 6 vòng theo quy chế.
Khi đó các đối tượng sẽ không mất tiền đặt cọc và sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia đấu giá để mua được lô đất như mong muốn. Để thực hiện ý đồ, các đối tượng đã chuyển khoản tiền cho Dương và Tuấn, sau đó Tuấn chuyển khoản tổng số tiền 3,616 tỷ đồng cho Công ty Thanh Xuân để đặt cọc đấu giá mua đất.
Thực tế tại phiên đấu giá ngày 29/11/2024, ban đầu các đối tượng đấu giá theo trình tự giá đạt mức có thể mua được. Nhưng khi phát hiện giá đấu của 36/58 lô đất vượt mức tối đa mà các đối tượng đã bàn bạc từ trước. Tại vòng đấu giá thứ 5 các đối tượng đã đưa ra mức giá rất cao, vượt xa giá khởi điểm, thậm chí Phạm Ngọc Tuấn còn đưa ra mức giá trên 30 tỷ/m2 (cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm)… dẫn đến việc 36 lô đất đấu giá không thành công.