Vụ bé trai 3 tuổi nghi bị ép hút ma túy: Trách nhiệm của người mẹ?

Google News

Dù có phải là hành vi ép buộc cháu bé sử dụng trái phép chất ma túy hay không, các đối tượng này cũng vẫn sẽ bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Thông tin mới nhất về việc bé trai 3 tuổi bị nghi ép hút chất ma tuý, ngày 26/3, Công an huyện Hóc Môn, TP HCM đã tìm ra và mời làm việc với hai người liên quan vụ việc là Lê Văn Bậm (44 tuổi) và Nguyễn Thảo Nguyên (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình). Đáng chú ý, Bậm chính là người đàn ông xăm trổ trong các clip lan truyền trên mạng xã hội về nội dung bạo hành, cho bé bé Th. (SN 2020) hút chất nghi ma túy, còn Nguyên là mẹ ruột của bé Th.
Bậm và Nguyên khai nhận vụ việc như những hình ảnh trong clip chỉ là do đùa giỡn chứ không có ý định làm hại gì đến bé. Nguyên còn cho biết, bé Th. là con ruột của mình, nên hoàn toàn không có cố ý làm tổn thương con và mong muốn bé không bị tách khỏi mẹ.
Vụ việc bé trai 3 tuổi bị nghi ép hút chất ma tuý lập tức thu hút sự chú ý của dư luận khi mạng xã hội xuất hiện hình ảnh, video clip ghi lại cảnh một bé trai còn mặc bỉm ở TP HCM bị bạo hành, đang ngậm ống hút gắn với một chiếc bình, bên cạnh đó là có người lớn đang châm tẩu. Một số hình ảnh khác cho thấy, bé trai bị trói tay bằng băng keo.
Vu be trai 3 tuoi nghi bi ep hut ma tuy: Trach nhiem cua nguoi me?
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. 
Hành vi không thể chấp nhận được
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, nếu hai đối tượng trên có hành vi cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy là việc làm không thể chấp nhận được, bất kể vì nguyên nhân nào.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra dù có phải là hành vi ép buộc sử dụng trái phép chất ma túy hay không, đối tượng này cũng vẫn sẽ bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy có sự cưỡng bức, ép buộc cháu bé còn rất nhỏ tuổi sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng này có thể bị xử phạt tới 20 năm tù theo Điều 257 Bộ luật Hình sự về Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Trường hợp xác định cháu bé dương tính với chất ma túy, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám xét, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với đối tượng trong clip để làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ mối quan hệ có liên quan, xác định các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy đã diễn ra như thế nào để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với gia đình và cơ quan chức năng để tiến hành khám, điều trị, can thiệp bằng các biện pháp y tế để giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu bé.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ đối tượng trong clip này có hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài hành vi cưỡng ép cháu bé sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng này còn có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc mua bán trái phép chất ma túy, đây đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Trách nhiệm của người mẹ
Theo luật sư Cường, trong vụ việc trên, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ mẹ cháu bé có biết sự việc này hay không, có tham gia sử dụng trái phép chất ma túy hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người mẹ không trực tiếp thực hiện hành vi ép buộc cháu bé sử dụng trái phép chất ma túy nhưng đã có hành vi giúp sức, xúi giục hoặc chỉ đạo người tình thực hiện hành vi ép buộc con mình sử dụng sẽ phép chất ma túy, người này cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.
Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ có phải chất ma túy hay không? Đồng thời cũng sẽ làm rõ hành vi, nhận thức, vai trò của từng đối tượng, xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé và xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không phải là cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi này cũng vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác
Trường hợp cháu bé không dương tính với chất ma túy, các dụng cụ, thiết bị này cũng không phải là đang để sử dụng trái phép chất ma túy, hành vi này cũng rất đáng lên án, là hành vi cưỡng bức, bạo hành trẻ em gây hoang mang lo lắng trong dư luận xã hội. 
Bởi vậy, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi hành hạ người khác. Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự, hành vinh này hình phạt có thể tới 3 năm tù.
Theo luật sư Cường, vụ việc trên là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với công tác bảo vệ trẻ em. Dù vụ việc có được giải quyết theo hướng nào chăng nữa, rõ ràng cháu bé đang có dấu hiệu bị bạo hành, không đảm bảo an toàn về sức khỏe, thậm chí có thể bị xâm phạm đến tính mạng.
Bởi vậy người cha của cháu bé có thể đề nghị thay đổi người nuôi con sau ly hôn (nếu có). Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn cho cháu bé.
Ngoài việc xem xét xử lý đối với các đối tượng vi phạm thì các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Kịp thời phát hiện ra các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với những người cha, người mẹ là người nghiện ma túy, những người có lối sống sa đọa, vi phạm pháp luật có thể hạn chế quyền nuôi con để trẻ em được quyền sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, có điều kiện phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và điều kiện học tập phải đảm bảo quyền trẻ em được thực thi trên thực tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt giữ sư thầy Hải Phòng vì tàng trữ trái phép ma túy
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)