Ngày 20/6, cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra bổ sung chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Nguyễn Duy Linh, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an về tội nhận hối lộ, Phan Văn Anh Vũ về tội đưa hối lộ, Hồ Hữu Hòa về tội môi giới nhận hối lộ.
Trước đó, ngày 16/6, cơ quan điều tra đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Linh và thực hiện khám xét để phục vụ công tác điều tra.
Theo đó, ông Linh bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đưa hối lộ thời điểm ông Linh là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, ở giai đoạn 2018. Đơn vị này sau đó chuyển đổi thành cấp cục, thuộc Bộ Công an. Việc khởi tố vụ án đối với ông Linh là khởi tố bổ sung tội danh nhận hối lộ trong vụ án Vũ "nhôm" đưa hối lộ.
|
Đại tá Vũ Quốc Thắng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an. (Ảnh: Trọng Phú)
|
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, theo kết luận của Cơ quan điều tra Bộ Công an thì cơ quan này đã khởi tố với ba tội danh là đưa hối lộ, môi giới hối lộ và tội nhận hối lộ. Các bị can này đều bị đề nghị truy tố ở khung cao nhất thuộc khoản 4 của các điều luật. Bởi vậy, nếu Viện Kiểm sát chấp nhận nội dung kết luận điều tra thì có bị cáo sẽ bị truy tố ở khung cao nhất (hình phạt tử hình).
Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Công an chiều 21/6, Đại tá Vũ Quốc Thắng, Phó chánh Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, ông Nguyễn Duy Linh đã bị cơ quan chức năng đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ, theo Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự có mức phạt phạt gồm 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Căn cứ kết quả điều tra, nhà chức trách cho rằng, bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", cựu thượng tá công an, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) đã đưa hối lộ. Phan Văn Anh Vũ bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ, quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Còn Hồ Hữu Hòa (37 tuổi, quê Nghệ An) bị đề nghị truy tố về tội Môi giới hối lộ, theo Khoản 4 Điều 365 bộ luật này. Kết luận điều tra bổ sung đã được chuyển sang VKSND Tối cao hôm 20/6.
Cũng theo nội dung kết luận điều tra thì số tiền Việt và tiền đô la Mỹ (USD) được xác định là tài sản đưa hối lộ trị giá trên 16 tỷ đồng (Trong đó có 5 tỷ đồng tiền mặt và số USD tương đương với 11 tỷ đồng). Trong giai đoạn điều tra, Hồ Hữu Hòa phủ nhận cáo buộc trên. Còn bị can Vũ khai không giao tiền mà chỉ đưa xì gà, nấm linh chi Hàn Quốc cho người trung gian. Ông Linh cũng chỉ khai nhận là nhận rượu và thuốc xì gà chứ không nhận tiền và USD.
Như vậy, các bị can không nhận tội, tuy nhiên, theo luật sư Cường, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã thu thập được thì cơ quan điều tra vẫn kết luận các bị can phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ và đề nghị truy tố các bị can ở khung hình phạt cao nhất của mỗi tội danh.
“Theo quy định của pháp luật thì bị can không có nghĩa vụ phải nhận tội, không buộc phải đưa ra bằng chứng chống lại mình, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì bị can mặc nhiên không có tội. Nếu cơ quan điều tra, Viện Kiểm soát thu thập các tài liệu, chứng cứ một cách hợp pháp mà chứng minh được các bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ đề nghị tòa án kết tội các bị cáo”- luật sư Cường phân tích.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Theo đó, theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội nhận hối lộ thì với số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì người bị kết tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Cụ thể như sau: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.”
Bởi vậy, trường hợp tòa án xác định bị cáo có tội nhưng bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải, là người hiểu biết pháp luật nhưng cố tình vi phạm pháp luật, tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn (gấp hơn 10 lần số tiền cao nhất định khung hình phạt) thì có thể sẽ phải nhận mức án cao nhất.
Với bị can bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ, theo phân tích của vị luật sư này thì mức hình phạt cao nhất theo quy định của pháp luật là 20 năm tù. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định tại khoản 4, Điều 364 bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau: “Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.”
Với đối tượng bị đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ thì hình phạt phải đối mặt cao nhất đến 15 năm tù, theo quy định tại khoản 4, điều 365 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau: Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
Hiện nay vụ án đang trong giai đoạn truy tố, Viện Kiểm sát có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc ban hành cáo trạng để truy tố đối với các bị cáo, đề nghị tòa án xét xử. Việc bị cáo có tội hay không, phạm tội gì và mức hình phạt ra sao theo Luật sư Đặng Văn Cường sẽ phụ thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ra hội đồng xét xử quyết định.
“Với những tội danh bị đề nghị truy tố thì khung hình phạt rất nghiêm khắc, cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Các bị cáo đều là những người có hiểu biết pháp luật, hiểu biết xã hội nên nhận thức được hậu quả pháp lý trong trường hợp bị cáo nhận tội hoặc trường hợp cơ quan tố tụng có đủ căn cứ để kết tội”- luật sư Cường phân tích thêm.
Tuy nhiên, việc kết tội không phụ thuộc vào việc bị cáo có nhận tội hay không. Kể cả trường hợp bị cáo nhận tội nhưng những chứng cứ tài liệu khác có trong hồ sơ không thể kết tội thì tòa án cũng sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội. Trong trường hợp chứng cứ có đủ căn cứ kết tội nhưng bị cáo không nhận tội thì bị cáo không được tình tiết giảm nhẹ và không cho thấy sự ăn năn hối cải, trong trường hợp này hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
“Căn cứ vào các chứng cứ mà cơ quan tố tụng đã thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án sẽ quyết định các bị cáo có tội hay không và áp dụng mức hình phạt phù hợp. Trường hợp bị cáo nhận hối lộ nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội, không ăn năn hối cải, số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn thì có thể bị cáo sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất. Còn trường hợp bị cáo không nhận tội và chứng cứ được làm rõ tại phiên toà cũng không đủ căn cứ kết tội thì tòa án có thể trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội”- luật sư Cường nhận định
Theo luật sư Cường, vụ án này chưa kết thúc, các bị cáo chưa bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên những thông tin về vụ án cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc và làm giảm sút niềm tin của người dân về công tác cán bộ. Tuy nhiên quá trình tố tụng cũng cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, cho thấy việc giải quyết vụ án hình sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất cứ ai vi phạm pháp luật đều phải chịu chế tài trước pháp luật. Đó là quyết tâm của đảng và nhà nước ta đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn hiện nay.