Gia đình và bị cáo kêu oan suốt 5 phiên toà
Ngày 8/6/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số: 4577/VPCP- V.I về việc chuyển đơn kêu oan của ông Nguyễn Văn Thân (thôn Phù Đề, xã Tượng Lĩnh, Kim Bảng, Hà Nam) là bố của Nguyễn Chí Huân (bị cáo trong vụ án ma túy ở Sơn La) giao cho Toà án nhân dân Tối cao để xem xét, giải quyết theo quy định.
Theo đơn của ông Nguyễn Văn Thân, vụ án “mua bán trái phép chất ma túy tại Sơn La” đã qua 5 phiên tòa (1 phiên tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, 2 phiên tòa sơ thẩm, 2 phiên tòa phúc thẩm). Tuy nhiên, tại các phiên tòa nhiều tình tiết, bằng chứng chưa được làm rõ. Vì vậy ông đã gửi đơn kêu oan đến Văn phòng Chính phủ.
Ông Thân cho biết: “Phiên tòa phúc thẩm ngày 23/8/2018, do TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Cấp cao và Hội đồng xét xử bỏ qua các chứng cứ vô tội. Việc kết tội không có cơ sở, không có căn cứ chứng minh, hoàn toàn dựa vào lời khai một chiều của 2 bị cáo bị bắt quả tang là Trần Mạnh Hùng và Nguyễn Đức Trung.
|
Phiên tòa phúc thẩm diễn ta trước đó.
|
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử thì lời khai của 2 bị cáo này cũng không thống nhất, đầy mâu thuẫn. Thậm chí, bị cáo khai do bị ép cung, lời khai thừa nhận lần đầu vận chuyển ma túy thuê chứ chưa bao giờ có việc mua bán ma túy với bị cáo Huân và Nam."
Ông Thân nói tiếp: "Vụ án này chỉ có bị cáo Hùng, Trung là bị bắt quả tang, còn con tôi - Huân, bị cáo Nam là truy xét. Vậy khi bị truy xét phải xem xét tới những yếu tố cần làm rõ để chứng minh có hay không hành vi phạm tội, như: đối chất; nhận dạng; thời điểm giao hàng; địa điểm giao hàng; giá của mỗi bánh; phương tiện phạm tội và các lời khai của các bị cáo.
Chứng cứ duy nhất kết tội con tôi là dựa trên lời khai của Trung và Hùng, còn con tôi luôn kêu oan kể từ khi bị bắt đến nay qua nhiều giai đoạn từ điều tra, truy tố và 5 phiên tòa.".
|
Công văn của Văn phòng Chính phủ về vụ án này.
|
Nhiều mâu thuẫn trong lời khai chưa được làm rõ
Theo bản án sơ thẩm: Tháng 8/2011, Phương nói với Hùng việc Phương đánh bạc trên mạng internet với Huân bị thua và nợ Huân 500 triệu. Huân buộc Phương phải bán ma túy cho Huân để trừ nợ. Hùng gặp Trung rủ Trung tham gia và Trung đồng ý. Sau đó Phương, Hùng gặp Páo trao đổi và cùng người đàn ông tên là Lồng sang Lào mua được 2 bánh heroin với giá là 260 triệu.
Hôm sau Phương chở Hùng, Trung mang 2 bánh về Hà Nam, gần đến nơi Phương gọi điện cho Huân ra đón Hùng, Trung. Khi ngồi trên xe Hùng đưa cho Trung mỗi người 1 bánh bỏ vào cạp quần lấy áo che lại rồi xuống xe còn Phương đi rửa xe. Một lúc sau Huân, Nam đi xe ô tô Huyndai màu đen ra đón và giao ma túy tại tầng 2 nhà Nam.
Tuy nhiên, với hành vi này, suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử qua 4 phiên toà, bị cáo Huân đều không thừa nhận, vẫn chỉ là lời khai 1 phía từ Hùng - Trung. Trong khi đó, Hùng -Trung có quá nhiều lời khai mâu thuẫn với chính lời khai của mình trong giai đoạn đầu khi mới bị bắt.
Bản án sơ thẩm quy kết hành vi mua bán trái phép 17 gói heroin của Bùi Văn Phương, Nguyễn Chí Huân và Đào Đình Nam, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Trung. Án sơ thẩm nhận định khoảng tháng 01/2012, Phương đem 3,1 tỷ lên Điện Biên gặp Páo, 4 ngày sau Páo điện thoại cho Trung gặp Ré và Ré giao cho Trung 17 gói – Trung giao cho Phương, cụ thể:
|
Đơn thư kêu cứu của gia đình bị cáo. |
Sáng 19/1/2012 Phương, Hùng, Trung xuống Hà Nam, trên đường đi Phương gọi cho Huân Nam thống nhất giao trên QL1. Khi gặp Huân Nam đi xe du lịch loại 9-12 chỗ, Hùng Trung không nhớ biển số xe đỗ trước xe Phương, Huân lái xe còn Nam đi về phía Trung đưa túi xách 17 gói heroin và Nam đưa 500 triệu là tiền công các lần vận chuyển. Nam cầm túi heroin về xe và cầm chai rượu Chivas 21 cho Phương. 500 triệu này Hùng đưa thêm cho Phương 50 triệu để mua xe của ông Thuần, xe này là tài sản của Hùng và Trung.
Với hành vi này, trải qua 4 phiên tòa và các giai đoạn điều tra của Công an Sơn La và Bộ Công an chưa thể làm rõ.
Về nguồn tiền 3,1 tỷ để mua 17 gói:
Bị cáo Hùng khẳng định: Hùng trực tiếp đến nhà Huân lấy tiền 2 lần:
Lần 1: Cuối tháng 9/2011 cùng Phương đến lấy 1,6 tỷ
Lần 2: Vào tháng 11/2011 cùng Phương vào nhà Huân lấy 1,7 tỷ.
Bản án sơ thẩm quy kết 17 gói với giá 3,1 tỷ nhưng lời khai của bị cáo Hùng thể hiện: Huân gọi điện cho Phương xuống lấy 3,4 tỷ Páo mua cho Phương 17 gói. Sau đó Hùng lại khai: Huân giao cho tôi 3,1 tỷ tôi đem lên Điện Biên gọi cho Trung để giao cho Páo. Sau khi lấy được hàng, Trung mượn xe của Páo cùng tôi vận chuyển 16 túi xuống cho Huân và Nam. Khi nhận Huân, Nam đưa cho Trung 500 triệu. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm cho rằng 500 triệu này là tiền công cho các lần vận chuyển và không có tiền để mua ma túy.
Về giá 17 gói heroin này đến phiên tòa phúc thẩm lần 2 vẫn không thể làm rõ được. Bị cáo Hùng khai: Trung xuống xe sang gần đến nơi thì gặp Nam mang túi tiền sang nên Trung giao ma túy cho Nam và cầm túi tiền về. Nam cất xong ma túy mới đem chai rượu Chivas sang đưa cho Phương. Hùng lại khai Nam đưa tiền cho Phương không đưa cho Trung.
Bị cáo Trung khai: Trung ngồi ghế phụ, Nam sang tận xe của Phương, Trung hạ cửa kính đưa cho Nam bọc ma túy và nhận bọc tiền Nam đưa. Nam về cất ma túy rồi mang rượu sang. Tại Bộ Công an Hùng lại khai: Nam mở cửa xe bước sang xe tôi đồng thời Trung lấy túi ma túy đưa cho Nam. Nam đưa cho Phương 1 túi nilon màu đen, bên trong chứa tiền và 1 chai rượu Chivas 21.
Người nhà bị cáo Huân cho hay: “Những lời khai mâu thuẫn trên giữa bị cáo Hùng và Trung không được làm rõ nhưng HĐXX vẫn kết tội bị cáo”.
Cần điều tra làm rõ các tình tiết trong vụ án
Phân tích về vụ án ma tuý Sơn La dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, vụ án ma tuý ở Sơn La là vụ ma túy lớn, trong đó Nguyễn Chí Huân là một trong 4 bị cáo cho rằng mình bị oan. Vợ và bố của bị cáo đã gửi đơn kêu oan đến cơ quan có thẩm quyền xem xét.
"Trong vụ án, chứng cứ buộc tội duy nhất của Huân là lời khai của bị cáo Hùng và Trung. Trong suốt quá trình điều tra, có nhiều tình tiết mâu thuẫn, ngay cả trong lời khai của Hùng cũng có sự mâu thuẫn, không thống nhất, không thể điều tra bổ sung thêm như nhận dạng người, nhận dạng nhà, đối chất nên việc kết luận và tuyên án phạt đối với bị cáo Huân có thể oan sai khi chưa đủ chứng cứ thuyết phục, chứng minh tội phạm" - luật sư Hùng nhận định.
Luật sư phân tích thêm: Trường hợp này, khi có mâu thuẫn giữa các lời khai của nhiều người, Điều tra viên phải tiến hành đối chất theo quy định tại Điều 189 BLHS 2015 nhưng trong quá trình điều tra không thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng đến quá trình tố tụng, không khách quan trong quá trình điều tra.
Trong vụ án, đối với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, quá trình điều tra và tố tụng chưa đủ chứng cứ chứng minh tội phạm nên chưa thể kết luận được hành vi phạm tội của Huân.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội).
|
Cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra làm rõ các tình tiết trong vụ án, thu thập chứng cứ, thực hiện đầy đủ quy trình trong quá trình tiến hành tố tụng để làm rõ tội phạm, đúng người đúng tội, tránh oan sai và không bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, luật sư Hùng cũng chia sẻ thêm thông tin: Những năm gần đây, chúng ta thấy có nhiều vụ án hình sự có dấu hiệu oan sai, bắt giữ, kết tội người vô tội.
Theo Báo cáo công tác năm 2019 trước Quốc hội, Ủy bạn Tư pháp cho biết, chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu, số trường hợp bị oan sai tăng 58,3% so với năm 2018. Vậy nguyên nhân dẫn đến oan sai là gì? Về nguyên nhân khách quan: Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nhiều nhóm tội phạm cùng thực hiện hành vi, xảy ra trên nhiều địa bàn khác nhau, nhất là những địa bàn miền núi, dọc biên giới quốc gia khiến cho việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, số vụ án mỗi năm mà các cấp khởi tố điều tra là rất lớn mà lực lượng điều tra biên chế còn hạn chế, gây áp lực lớn và số án đang quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm. Ngoài ra, như chúng ta thấy rằng lực lượng Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn thiếu, có một số còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc oan sai trong vụ án hình sự.
Về nguyên nhân chủ quan: Một số bộ phận Điều tra viên có thể do vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, hay vì tư tưởng thành tích, áp lực cần kết thúc vụ án sớm nên việc thu thập chứng cứ chưa thật sự cẩn thận, chưa thu thập hết chứng cứ hoặc bị can nhận tội mà không cần thu thập thêm chứng cứ nữa. Kiểm sát viên được phân công kiểm sát chưa làm hết trách nhiệm, dẫn đến quá trình điều tra còn sơ sài, thiếu khách quan, thực hiện bức cung, nhục hình mà Kiểm sát viên không phát hiện ra sai phạm để khắc phục kịp thời.
Thậm chí,trong 1 số vụ án yêu cầu phải có sự tham gia bào chữa của luật sư, trưng cầu giám định tâm thần, giám định độ tuổi của bị can theo quy định của pháp luật là bắt buộc nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện dẫn đến việc không xác định đúng tội phạm,… Vụ án ma tuý Sơn La được đánh giá là vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ. Vì vậy, các cơ quan chức năng, cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng, thuyết phục trước khi đưa ra bản án kết tội.
>>>> Xem thêm video: San phẳng sào huyệt trùm ma túy Sơn La