Mới đây, VKSND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ ông Tất Thành Cang – nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM và các bị can tham ô và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).
Thông tin từ VKSND TP HCM, lý do trả hồ sơ là để đề nghị Cơ quan điều tra kết luận về việc xác định trị giá cổ phần, từ đó xác định số tiền bị thất thoát do việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần. Đồng thời, cần tiếp tục điều tra, làm rõ có hay không vai trò đồng phạm của Công ty Nguyễn Kim trong vụ án đối với việc mua 9 triệu cổ phần của SADECO.
Trước đó, sau khi cơ quan điều tra Công an TPHCM hoàn tất điều tra và chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, VKSND TP HCM từng gia hạn thời hạn truy tố.
|
Bị can Tất Thành Cang (áo trắng) tại cơ quan công an. |
Tháng 1/2021, Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang cùng đồng phạm về tội danh trên.
Theo kết quả điều tra, ông Tất Thành Cang có liên quan đến sai phạm trong vụ Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) bán phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Việc này, dẫn đến gây thiệt hại tương ứng phần vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy TPHCM tại công ty SADECO là con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi Công ty SADECO phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, vốn điều lệ tăng từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng. Trước khi tăng, trong tổng số 170 tỷ đồng điều lệ của SADECO, vốn của cổ đông là cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước chiếm 62,8%. Trong đó, IPC chiếm 44%, Văn phòng Thành ủy chiếm 2,6%, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chiếm hơn 14%...
Sau khi tăng vốn, nhóm cổ đông Nhà nước tại SADECO giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41%. Cụ thể, vốn góp của IPC tại SADECO không thay đổi, nhưng tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm còn 28,8% vốn điều lệ. Trong khi đó, Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là 54,75% vốn điều lệ. Việc này dẫn đến làm cổ đông Nhà nước mất quyền chi phối và gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cho rằng, quá trình chọn cổ đông chiến lược không được báo cáo đầy đủ, minh bạch, đánh giá không đúng năng lực thực tế của đối tác chiến lược, giá phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược không đúng thực tế giá trị tài sản và tiềm lực công ty, không có căn cứ pháp lý, không đảm bảo lợi ích của SADECO cũng như cổ đông hiện hữu...Việc không thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM và không thực hiện theo các quy định pháp luật về việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đã dẫn đến thiệt hại cho toàn bộ cổ đông của Công ty SADECO tạm tính là hơn 940 tỷ đồng. Trong đó gây thất thoát, thiệt hại cho vốn của UBND TP (44%) là 413,776 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, thời điểm còn là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, ông Tất Thành Cang đã chấp thuận chủ trương để Văn phòng Thành ủy HCM được biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại SADECO, gây thiệt hại số tiền lớn cho nhà nước.
Cơ quan điều tra cho rằng, ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành uỷ tại SADECO là 16,7%, tương đương hơn 157 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/12/2020, Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Tất Thành Cang về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Sau đó 4 ngày, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tất Thành Cang, Phó Trưởng ban Biên soạn Lịch sử Đảng bộ TPHCM. Thường trực HĐND TPHCM đã ra quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Tất Thành Cang.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo kết luận điều tra, ông Cang phạm tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo điều Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Để buộc tội ông Tất Thành Cang, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông này được giao quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước nhưng đã có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên.
Hành vi cấu thành tội phạm khi cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy ông Cang được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước nhưng do động cơ cá nhân hoặc do động cơ vụ lợi mà ông này đã vi phạm các quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì cấu thành tội phạm.
Trường hợp hành vi gây thất thoát lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên, ông Cang sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 10 năm đến 20 năm tù.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ông Tất Thành Cang bị khởi tố, bắt giam:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.