Ngay sau khi nhận được bản án, gia đình ông Thi cho rằng, bản án sơ thẩm đã dựa vào những thông tin xuyên tạc, dối trá để dựng lên một nội dung tranh chấp không có thật, trái ngược hoàn toàn với nguồn chứng cứ quan trọng nhất của hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai là hồ sơ địa chính qua các thời kỳ.
|
Khu vực đất khiến cả ông Thi và ông Thúy "dắt" nhau ra tòa. |
Ông Thi cho biết, quá trình giải quyết Vụ án, ông Vũ Hữu Thúy (SN 1943, ở thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương - nguyên đơn) khẳng định chữ ký trong "Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giả mạo nhưng cấp sơ thẩm không đánh giá tình tiết quan trọng này, không thực hiện giám định để làm rõ sự thật. Nhiều người làm chứng được Tòa án triệu tập có lời khai mâu thuẫn với bị đơn nhưng Tòa án chưa tổ chức đối chất để làm rõ.
Đồng thời, trong Biên bản xác định ranh giới - mốc giới - diện tích thửa đất được lập vào tháng 6/2000, có nội dung xác định hộ gia đình ông Vũ Hữu Thúy là chủ sử dụng thửa đất 176, diện tích 249 m2, có xác nhận của cán bộ đo đạc (ông Vũ Trọng Xuyên), cán bộ địa chính xã (ông Nguyễn Lương Mạnh) và Chủ tịch UBND xã. Biên bản này cũng xác định Thửa đất 176 của gia đình ông Thúy tiếp giáp với thửa đất của gia đình ông Vũ Văn Thi. Trong một phiên tòa sơ thẩm trước đó, chính ông Thúy đã khẳng định chữ ký của mình trong Biên bản này là đúng; bản thân ông Thúy là người biết chữ và có đủ năng lực hành vi dân sự. Xuyên suốt Bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương không đưa ra được bất kỳ một lập luận, lý lẽ, chứng cứ nào để bác bỏ giá trị của Biên bản này nhưng vẫn một mực cho rằng đất của vợ chồng ông Thúy phải được cộng thêm 33m2 nữa.
Không những thế, đơn của ông Thi cho rằng, Bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, biến một một sự bất đồng tình của Nguyên đơn đối với quyết định hành chính của UBND huyện Thanh Miện thành một tranh chấp dân sự. Việc xác nhận/công nhận quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân, chiểu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật tổ chức chính quyền địa phương, hoàn toàn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện, không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Bản chất của Vụ án là ông Vũ Hữu Thúy không đồng ý với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND huyện Thanh Miện cấp cho vợ chồng ông Thi và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chính vợ chồng ông ta, do đó, Nguyên đơn phải khởi kiện UBND huyện Thanh Miện để hủy bỏ các giấy tờ này chứ không phải khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
“Chính sự phi logic của Bản án sơ thẩm còn thể hiện ở chỗ: Nguyên đơn chỉ yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình tôi, trong khi giữ nguyên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông Thúy (cũng đồng nghĩa giữ nguyên giá trị pháp lý của hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chính ông lập và được chính quyền các cấp xác nhận trước đây).
Như vậy, chính Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương vẫn khẳng định ông Vũ Hữu Thúy chỉ có quyền sử dụng 249 m2 đất theo đúng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận mà ông Thúy đã tự xác nhận. Cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề này của Bản án sơ thẩm là không triệt để, tạo ra mâu thuẫn, lộn tùng bậy ngay trong nội tại của một sự việc không có thực”, trong đơn của ông Thi nêu.
Ngoài ra, ông Thi cho rằng, tại Sơ đồ diện tích đất tranh chấp, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã cố tình tạo ra một phần đất có diện tích 15m2 nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông cho rằng là Rãnh thoát nước là một phán quyết trái pháp luật, không thuộc phạm vi yêu cầu khởi kiện đã thụ lý
Chính bởi bản án sơ thẩm đã xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự luật pháp, tới quyền và lợi ích hợp pháp của nên gia đình ông Thi đã làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tỉnh Hải Dương xem xét, giải quyết theo hướng hủy bỏ toàn bộ bản án sai trái này và đình chỉ giải quyết vụ án.
Theo tìm hiểu của PV được biết, ông Thi và ông Thúy có mối quan hệ họ hàng thân thiết với nhau...
Theo Nội dung vụ án được nêu trong bản án: Gia đình ông Vũ Hữu Thúy được cấp đất từ năm 1972. Theo hồ sơ 299, thì thửa đất của gia đình ông Thúy là thửa số 38, diện tích 280m2. Có cạnh phía Tây giáp thửa đất số 49, diện tích 505m2 của cụ Vũ Văn Kỳ (bố đẻ ông Vũ Văn Thi).
Tuy nhiên trong bản đồ địa chính thể hiện diện tích của cụ Kỳ là 595m2. Năm 2015, cụ Kỳ cắt một phần thửa đất trên cho ông Thi, diện tích là 286m2, phần đất còn lại là cụ Kỳ sử dụng.
Trước đây, giáp ranh hai nhà là một rãnh nước của tập thể. Đến năm 1974, ông Thúy đã xây bếp, tường bao giáp ranh với rãnh thoát nước của tập thể và sử dụng ổn định. Đến năm 2016, ông Thúy phá bếp và tường cũ để xây mới thì gia đình ông Thi cho rằng gia đình ông Thúy lấn chiếm đất của gia đình ông với diện tích là 33m2 nên đã khởi kiện gia đình ông Thúy…
Sau khi đưa ra nhận định, HĐXX TAND tỉnh Hải Dương xác định diện tích 33m2 nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thi và bà Nguyễn Thị Hái theo hình vẽ ABCD thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Vũ Hữu Thúy và bà Vũ Thị Ly.
HĐXX sau đó đã hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Q97025 do UBND huyện Thanh Miện cấp ngày 3/6/2005 mang tên ông Thi. UBND huyện Thanh Miện có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Thi, bà Hái đúng với diện tích đất mà ông Thi, bà Hái được quản lý, sử dụng.