Trong khi sự cố trâu chọi húc chết chủ tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 chưa được làm rõ thì nhiều người đặt câu hỏi tại sao các chủ trâu lại chịu lỗ, chi vài trăm triệu để lấy 100 triệu đồng?
Gần 250 triệu đồng “ông” trâu mới ra đến sới
Anh Lê Văn Võ (37 tuổi, một chủ trâu phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn) kể để tìm được một trâu chọi ưng ý, năm nào anh cũng phải lang thang hàng tháng trời ở các vùng Tây Nguyên, Nghệ An, Tây Nam Bộ.
Ban đầu, anh lùng khoảng 3 con trâu ưng ý nhất, tìm bãi cho chúng chọi nhau. Con nào lì đòn, khỏe nhất, anh bỏ tiền mua rồi đem về Đồ Sơn huấn luyện.
Chỉ vào con trâu trong chuồng, anh Võ cho biết vừa mua từ Nghệ An với giá 120 triệu đồng. Con trâu này anh dự định sẽ luyện cho mùa giải năm sau.
Để một “ông” trâu có thể ra sới, người chủ thường mất khoảng 2 năm thuần hóa, chăm sóc, huấn luyện với số tiền chi ra khoảng 50 triệu đồng/năm.
|
Con trâu được anh Võ mua từ Nghệ An với giá 120 triệu đồng. Ảnh: Văn Chương. |
Những năm trước, anh Võ không có thời gian chăm sóc, huấn luyện nên phải nhờ người khác. Mỗi tháng anh phải trả lương cho họ 3,5 – 4 triệu đồng.
"Với mỗi 'ông' trâu, tôi chi ra khoảng hơn 200 triệu đồng. Nhưng nếu được vô địch thì sẽ đem danh tiếng, vinh dự về cho gia đình và cả dòng họ. Đó là thứ mà những kẻ có nhiều tiền cũng không mua được", anh Võ chia sẻ.
Các chủ trâu cho biết trước khi ra sới, trâu chọi phải được trình lên thành hoàng làng ở đình. Khi trâu đã được trình, người dân Đồ Sơn phải kính cẩn gọi bằng cái tên “ông” trâu.
Không chỉ tiền mua, huấn luyện trâu, theo “luật lệ”, các chủ trâu phải nộp cho UBND phường một khoản tiền để phục vụ cho công tác tổ chức làm lễ chọi trâu. Số tiền này tùy thuộc vào từng phường nhưng dao động từ 25-50 triệu đồng/trâu.
Ông Đinh Đình Phú, một chủ trâu phường Ngọc Xuyên cho biết: “Chi phí cho mỗi con trâu ra đến sới chọi khoảng trên dưới 250 triệu đồng. Năm nay tôi tự nguyện nộp cho UBND phường 25 triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều năm qua, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã bị thương mại hóa. Để mổ thịt một con trâu chọi, cơ quan thuế thu 4,5 triệu đồng/con vòng chung kết và 2,25 triệu đồng/con đối với trâu vòng loại. Thậm chí, chủ trâu còn phải đóng 1 triệu đồng để có chuồng nhốt trâu trong sới.
|
Để ra đến sới chọi, chủ trâu phải chi khoảng gần 250 triệu đồng. Ảnh: Lê Hiếu. |
Vì sao thịt trâu chọi giá “khủng”?
Một chủ trâu phường Ngọc Xuyên khẳng định nhìn vào những con số trên ai cũng nghĩ chủ trâu dù giành giải nhất cũng lỗ hàng trăm triệu đồng. Nhưng thực tế, chỉ cần vào vòng chung kết, chủ trâu đã có lãi. Chủ trâu giải nhất sẽ lãi khoảng vài trăm triệu đồng.
Chủ trâu này nói rằng nếu không thể vô địch, họ mong chờ trâu càng vào sâu càng tốt để bán thịt. Thịt trâu thua ở vòng loại chỉ có giá 1-2 triệu đồng/kg nhưng khi đã vào đến vòng chung kết giá sẽ nâng lên khoảng 3-4 triệu đồng/kg.
“Năm 2015 và 2016, trâu đoạt giải nhất có giá hơn 6 triệu đồng/kg. Nhiều khách du lịch xếp hàng còn không mua được. Mỗi ‘ông’ trâu chọi nặng đến mấy tạ hơi, mổ ra cũng được trên dưới 1 tạ thịt. Riêng tiền bán thịt trâu giải nhất bằng mấy lần giá trị giải thưởng rồi”, chủ trâu này nói.
Người dân đến tham dự lễ hội luôn coi việc ăn thịt trâu chọi sẽ đem lại nhiều may mắn, sức khỏe và tài lộc. Họ quan niệm đã đến lễ hội phải mua bằng được thịt mang về. Việc người dân tranh giành nhau mua dẫn đến giá thịt trâu đẩy lên.
Ông Nguyễn Khắc Hạnh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên (Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết việc chủ trâu đóng góp bao nhiêu cho phường hoàn toàn tự nguyện. Năm nay có một chủ trâu đóng 25 triệu đồng, 3 chủ trâu đóng 30 triệu đồng.
Ông Hạnh thông tin số tiền này sẽ được UBND phường dành cho công tác tế lễ ở đình và trang trải cho các khoản thu ở lễ hội.
Cụ thể, UBND phường sẽ đóng 4,5 triệu đồng tiền phí giết mổ cho mỗi trâu chọi vào tháng 8 (âm lịch) tới, 1 triệu đồng phí chuồng ở sới chọi. Số tiền còn lại sẽ được duy tu xây dựng đình và mua quà tặng cho các chủ trâu vào vòng chung kết.
Chưa quyết định việc cấm hẳn lễ hội chọi trâu
Sáng 6/7, trả lời Zing.vn, một lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết hiện tại vẫn chưa quyết định cho phép lễ hội chọi trâu tiếp tục diễn ra. Bộ đang đợi kết luận về mẫu xét nghiệm của trâu húc chủ và xem xét một số nội dung khác liên quan đến lễ hội.
“Bộ tạm dừng lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không thời hạn để xem xét. Chúng tôi chưa quyết định có dừng hẳn lễ hội không”, vị này khẳng định.