Xác định về là cống hiến, là tình cảm
Trước việc dư luận cho rằng, nhiều học viên “bỏ” thành phố để đi làm ngoài vì lương bổng, anh Lê Thành, học viên đang công tác tại bệnh viện Đà Nẵng nói: “Tôi xin nhấn mạnh rất rõ ràng rằng, về tinh thần của các bạn ngồi đây, những người đã quyết định về nước thì họ đã có tinh thần cống hiến rồi chứ không phải chỉ về theo yêu cầu hợp đồng.
Bởi khi đi học, chúng tôi đã có những cơ hội khác và học viên hoàn toàn có thể trả lại chi phí cho thành phố, nhưng khi đã bước về, tức là tinh thần cống hiến của chúng tôi rất lớn”.
|
Anh Thành khẳng định học viên về Đà Nẵng là cống hiến |
Tuy nhiên, anh Thành chỉ rõ, những vấn đề bố trí nhân lực không kịp thời, đãi ngộ chưa ổn đã khiến cho một số người nhận thấy tình hình công tác không như mong đợi.
“Thành phố đã bỏ ra số tiền rất lớn giữa lúc kinh tế khó khăn, đó là cái ơn của thành phố, chúng tôi về nước để đáp lại tình cảm ấy, sự mong mỏi của thành phố.
Thế nhưng cũng xin công bằng nhìn nhận rằng, bản chất của đề án là một hợp đồng lao động giữa thành phố và học viên chứ không phải học bổng. Vì vậy, việc cho rằng nhiều học viên “phản bội” thành phố là chưa thực sự chính xác.
Chúng tôi được đào tạo nhưng đi kèm đó là những điều kiện như đảm bảo chất lượng đầu ra từ khá trở lên. Khi trở về, tôi nghĩ đó là lúc thành phố phải có cách bố trí công việc, sử dụng nhân lực như thế nào cho hiệu quả. Bởi, chúng tôi không có quyền lựa chọn vị trí, công việc mình muốn làm” – anh Thành phát biểu.
Đưa thợ mộc đi làm thợ nề
Một câu hỏi rất đáng quan tâm của anh Thành là, tại sao thành phố lại giao cho họ những vị trí mà một lao động tốt nghiệp tại địa phương có thể đáp ứng.
“Lương bổng đối với chúng tôi không quan trọng bằng giao công việc gì, bản thân mình làm được gì. Người nào học kỹ thuật thì phải được làm ở môi trường kỹ thuật chứ không thể ép họ về làm hành chính” – anh Thành chia sẻ.
Lắng nghe và rất tán thành với những ý kiến xác đáng trên, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã đề nghị các học viên cung cấp thông tin ở đâu bố trí không hợp lý để “đi với tôi để coi thực tế luôn”.
“Họ được đào tạo thợ mộc mà cho làm thợ nề, cơ khí thì cũng chỉ có thể bưng bê kê dọn. Nếu có các anh giám đốc sở ở đây nghe thì mới xứng đáng.
Tôi phê bình tất các sở, ngành không có giám đốc đi dự, chủ tịch quận ở đây chỉ có một người thì làm sao mà lắng nghe, hiểu và giải quyết khó khăn vướng mắc cho chính những người các anh chị ký hợp đồng lao động?
|
Ông Huỳnh Đức Thơ phê bình Giám đốc các Sở không dự buổi gặp mặt. |
Câu chuyện ở đây không phải là vĩ mô đề án nữa mà là việc hàng ngày, các anh chủ tịch, giám đốc sử dụng lao động như thế nào.
Cũng đừng làm hình thức nữa, năm bảy năm gặp nhau một lần, nói cho ông chủ tịch nghe thì giải quyết được gì. Mỗi sở, ban ngành, mỗi quận huyện phải hỏi han, lắng nghe thường xuyên tâm tư, tình cảm của học viên để kịp thời điều chỉnh nhân lực của mình” - ông Thơ đề nghị.