Ngày 8/11, trước cổng Bệnh viện Bình Định tại TP Quy Nhơn bất ngờ xuất hiện một số người căng 2 băng rôn có nội dung yêu cầu Công ty Cổ phần Bệnh viện đa khoa Bình Định trả tiền bảo hành cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (gọi tắt là Công ty Cotecland, trụ sở tại TPHCM).
Bệnh viện Bình Định bị căng băng rôn đòi nợ (Ảnh: Bình Định).
Phát hiện vụ việc, nhân viên Bệnh viện Bình Định cho rằng bệnh viện không nợ tiền Công ty Cotecland, đồng thời yêu cầu nhóm người giải tán, không được làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của bệnh viện.
Ngay sau đó, Công an phường Trần Phú có mặt tại hiện trường, thu giữ băng rôn, yêu cầu nhóm người này giải tán và mời những người có liên quan về trụ sở để làm việc.
Tại hiện trường, ông Hà Phận (ngụ TPHCM) cho biết ông là người đại diện cho Công ty Cotecland.
Theo ông Hà Phận, tháng 1/2015, Công ty Cotecland ký hợp đồng tổng thầu thi công xây lắp với Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định và sau đó ký các phụ lục hợp đồng thuộc dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định - Phần mở rộng (nay là Bệnh viện Bình Định). Năm 2018, dự án này hoàn thành, đi vào hoạt động.
Công an phường Trần Phú có mặt xử lý vụ việc (Ảnh: Bình Định).
Công ty Cotecland đã bàn giao tất cả tài liệu, hồ sơ pháp lý liên quan đến công trình nói trên cho Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định, trong đó có báo cáo kiểm toán độc lập về báo cáo quyết toán dự án Bệnh viện Bình Định được ký ngày 3/7/2019.
Theo hồ sơ báo cáo kiểm toán, số tiền Công ty CP Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định phải trả cho Công ty Cotecland là 22,9 tỷ đồng. Đây là số tiền bảo hành công trình mà Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định giữ lại từ ngày 24/1/2018 đến ngày 24/1/2020 (thời gian bảo hành 2 năm).
Tuy nhiên, hết hạn bảo hành, Công ty nhiều lần liên hệ làm việc với Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định về việc thanh toán số tiền còn lại nhưng không được trả.
Cùng ngày, ông Võ Song Vân, Tổng giám đốc Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định, có văn bản thông tin đến các cơ quan báo chí về vụ việc liên quan đến số tiền bảo hành công trình nói trên.
Ông Vân cho rằng, sau khi nghiệm thu, đưa công trình đi vào sử dụng, trong thời gian bảo hành (từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2020), công trình xuất hiện rất nhiều hư hỏng.
Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định đã nhiều lần gửi công văn cho Công ty Cotecland, yêu cầu khảo sát công trình và có biện pháp khắc phục hiện tượng thấm dột, bong tróc gạch ốp tường, sàn, đặc biệt là hiện tượng nứt kết cấu, ảnh hưởng lâu dài đến việc vận hành tòa nhà. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa thực hiện.
Trong khoảng thời gian đó, Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định đã thực hiện một số sửa chữa với tổng số tiền là 3,8 tỷ đồng. Đối với những hư hỏng lớn như nứt kết cấu, Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định chưa tìm được nhà thầu có đủ năng lực để thực hiện.
Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định đang thuê các đơn vị khảo sát, lên phương án sửa chữa công trình với chi phí tương đương với số tiền mà Công ty còn tạm giữ của Công ty Cotecland. Nếu giá trị sửa chữa thấp hơn giá trị tạm giữ của Công ty Cotecland, Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định sẽ tìm phương án tài chính để thanh toán công nợ của 2 bên.
Tuy nhiên, ông Hà Phận, đại diện Công ty Cotecland, cho rằng Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định đưa ra nhiều lý do vô lý để kéo dài thời gian thanh toán tiền bảo hành. Công ty Cotecland đã nhiều lần mời Công ty CP Bệnh viện đa khoa Bình Định họp để giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng đều bị từ chối.