Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn ra phức tạp, dù không mong muốn, nhưng nhiều du học sinh đã phải gác lại chuyện học hành để trở về nước. Dịch COVID-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh, kéo theo hàng trăm nghìn lao động mất việc làm.
Là một trong số ít những du học sinh Hàn Quốc may mắn được trở về nước từ trước Tết Nguyên đán 2020, Nguyễn Nhật Hoàng Anh (SN 1999, Phương Khoan, Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho biết, do dịch bệnh COVID-19 nên hiện cô chưa thể trở lại Hàn Quốc để tiếp tục việc học của mình.
|
Du học sinh Nguyễn Nhật Hoàng Anh . |
“Tôi về từ trước Tết Nguyên đán, dự định ở lại Việt Nam 1 tháng rồi trở lại Hàn Quốc. Nhưng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, nhà trường điều chỉnh lịch học online, các chuyến bay sang đó cũng bị hủy, tôi đã quyết định bảo lưu 1 học kì và ở lại Việt Nam, đến tháng 8/2020 mới trở lại để tiếp tục học tập”, Hoàng Anh chia sẻ.
Cũng theo Hoàng Anh, do thời gian ở nhà dài, nên cô muốn kiếm tìm một công việc làm thêm để có thêm kinh nghiệm. Nhưng hiện tại Việt Nam cũng đang thực hiện việc cách ly toàn xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhằm phòng chống dịch bệnh COVD-19, do đó việc tìm một công việc làm thêm không hề dễ dàng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng đang loay hoay tìm kiếm lối thoát, hầu hết không có nhu cầu tuyển dụng.
|
Hiện tại Hoàng Anh đang rất muốn có được một công việc để có thêm kinh nghiệm và phụ giúp gia đình. |
“Ở bên Hàn Quốc tôi cũng vừa học vừa làm, trang trải thêm cho cuộc sống bên đó, nên thời gian này tôi muốn tìm kiếm việc làm thêm để có thêm kinh nghiệm và để phụ giúp gia đình phần nào. Mặc dù đã nộp hồ sơ vài nơi theo chuyên ngành Quản trị kinh doanh của mình, nhưng quả thực rất khó khăn”, Hoàng Anh cho biết.
Được biết trước đó, căn cứ vào dự báo kinh tế Việt Nam, khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và các kịch bản diễn biến của dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB-XH dự báo thị trường lao động có 2 xu hướng: Nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý 2 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và hàng triệu lao động bị ngừng việc.
Trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính trong quý 2 sẽ có 350.000 - 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 2 - 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Trong đó, ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75 - 85%.
Theo Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết trong giai đoạn này, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh thu thập các vị trí việc làm trống và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục công tác thu thập tìm kiếm việc làm thông qua nguồn lao động đăng ký thất nghiệp cũng như nguồn lao động tự do.
“Chúng tôi đang xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn bộ hệ thống các điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch việc làm online. Đây là hình thức trung tâm đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động”.
>>> Xem thêm video: Tin tức dịch bệnh corona( Covid-19 ) chiều 03/04