Chất vấn Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đã đặt câu hỏi về việc Bộ Công an và Bộ VHTTDL có giải pháp gì để xử lý hoạt động lệch chuẩn lợi dụng tâm linh, tôn giáo của một số ít công dân Việt Nam để vi phạm pháp luật?
Khi trả lời đại biểu Nguyễn Mai Bộ về lệch chuẩn trong việc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, do hiểu nhầm câu hỏi nên Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có trả lời khác về về hiện tượng lệch chuẩn về văn hóa của người Việt.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhắc đến việc có công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng có hiện tượng lệch chuẩn, như người mẫu Ngọc Trinh.
|
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. |
“Thực ra người này ra nước ngoài không phải được Bộ cử đi, đi theo tư cách cá nhân để dự, có hành vi hết sức lệch chuẩn, hết sức phản cảm và ta nên phê phán gay gắt”, ông Thiện nói.
Tư lệnh ngành văn hóa cũng đề nghị xã hội, dư luận lên án vì đây là phản văn hoá, ảnh hưởng đến uy tín của người Việt Nam. Về xử phạt, ông cho biết đang nghiên cứu quy định hiện hành xử lý hiện tượng này thế nào.
Sau trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu lại câu hỏi của đại biểu Mai Bộ để "sau giải lao trả lời cho đúng".
Trước đó, dư luận và mạng xã hội trong nước và quốc tế chỉ trích khá gay gắt việc người mẫu Ngọc Trinh xuất hiện tại Liên hoan phim Cannes (diễn ra tại Pháp) với trang phục hở hang, khoe thân, gợi dục. Thậm chí, nhiều tờ báo nước ngoài cũng đã lên tiếng chê Ngọc Trinh ăn mặc gợi dục, trong khi nhiều tờ báo phương Tây cũng không biết tên tuổi người mẫu Ngọc Trinh, cô chỉ được gọi là "một vị khách" vô danh dù ăn mặc cố tình gây ấn tượng.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ VHTTDL nói rằng, cách ăn mặc của Ngọc Trinh không phù hợp truyền thống văn hóa Việt Nam, khiến không những người Việt Nam mà nhiều bạn bè quốc tế lên tiếng phản đối.
Cần lên án hành vi phản văn hóa tại chùa Ba Vàng
Trước đó, trong báo cáo của Bộ VHTTDL trước Quốc hội chiều 5/6, đề cập đến công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận hiện còn nhiều bất cập, thiếu văn bản có địa vị pháp lý cao, quy định cụ thể cùng các biện pháp răn đe đủ mạnh trong lĩnh vực này.
“Việc tuyên truyền vấn đề này cũng chưa có hiệu quả để xã hội lên án các hành vi trục lợi thông qua tôn giáo, tín ngưỡng. “Vì vậy, vẫn còn hiện tượng dâng sao, giải hạn, thỉnh vong…”, báo cáo nêu rõ.
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề cập việc xử phạt với hành vi vi phạm liên quan vụ chùa Ba Vàng với mức 5 triệu đồng là quá nhẹ so với mức độ vi phạm và ảnh hưởng đến xã hội.
|
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. |
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Bộ trưởng cho biết, mức độ xử lý vi phạm hành chính hiện nay với những hành vi này đã đủ sức răn đe chưa? Bộ trưởng có những giải pháp nào để chống tái diễn hành vi này ở chùa Ba Vàng, cũng như các cơ sở tâm linh khác?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, sự việc xảy ra ở chùa ba Vàng là việc làm vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa cần lên án và xử lý.
“Về việc xử lý, chính quyền địa phương, UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Yến với mức phạt là 5 triệu đồng, đây là mức phạt cao nhất trong Nghị định 158”, ông Thiện nói.
Theo Bộ trưởng, “5 triệu đồng nếu thấy rất nhỏ thì rất nhỏ, nhưng có xử phạt đến 100 triệu đồng thì cũng chưa thể được”, tuy nhiên, “tiền một phần, nhưng phải tăng xử phạt, và làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức”. Theo Bộ trưởng Thiện, kết hợp cả hai việc vừa xử phạt, vừa dư luận xã hội sẽ tốt hơn.
|
Chùa Ba Vàng. |
Tranh luận lại với Bộ trưởng Thể, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nhấn mạnh có việc tuyên truyền mê tín dị đoan ở Ba Vàng, gồm có hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân.
Đồng thời, các hoạt động này tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp đến người khác qua mạng xã hội. Do vậy, đại biểu Thủy cho rằng, việc xử phạt rất nhẹ.
“Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét lại với vai trò quản lý ngành xử phạt đúng người đúng tội chưa, có cần thiết cơ quan pháp luật truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi và bày tỏ muốn biết giải pháp chống tái diễn tình trạng trên như thế nào, vì sau khi bị xử phạt thì bà Phạm Thị Yến tiếp tục tuyên truyền đưa lên mạng, thách thức cơ quan pháp luật.
Thương mại hóa công trình tâm linh… là vi phạm pháp luật
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị lãnh đạo Bộ Văn hóa cho biết quan điểm của Bộ về thương mại hóa trong xây dựng một số công trình tâm linh. Có hay không việc quan chức đóng cổ phần để chia lợi nhuận trong những ngôi chùa như thế này không. Đại biểu cũng đặt câu hỏi cho Bộ Công an, Bộ Văn hóa về việc một số công dân Việt Nam lợi dụng việc tâm linh để trục lợi.
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Mai Bộ về vấn đề thương mại hóa công trình tâm linh, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định”.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Thiện cho biết, quản lý về tôn giáo, chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, khẳng định “chưa nhận được thông tin quan chức góp để xây dựng chùa”.
“ĐBQH có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật”, ông Thiện nói.
Từ ghế điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nếu ĐBQH có thông tin chính xác về những công trình tâm linh được góp vốn từ nhiều cá nhân để xây dựng thì cung cấp cho Quốc hội để tiến hành giám sát.