UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Thành phố mong muốn có thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2020.
Tuyến metro số 5 có tổng chiều dài gần 40 km, với 6,5 km đi ngầm, qua địa bàn các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuyến có thể sử dụng đến 40 đoàn tàu dài 4-6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm, thời gian chờ tàu vào khoảng 3 phút.
|
Quy hoạch mạng lưới metro Hà Nội (ảnh: Mrb Hà Nội). |
Tuyến có 21 ga (6 ga ngầm, 14 mặt đất, 1 ga trên cao) và 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức và tại xã Yên Bình, Thạch Thất. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Theo tờ trình, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.800 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 16.600 tỷ đồng. Dự án sẽ sử dụng: Ngân sách thành phố, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (18.000-20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu, vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Hà Nội mong muốn Thủ tướng cho phép đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).
Một số ý kiến dư luận băn khoăn, liệu tuyến metro số 5 ở Hà Nội có lặp lại "kịch bản" đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho rằng, dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc hiện nay mới là chủ trương của Hà Nội.
“Quan trọng là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội có đồng ý với dự án hay không. Bởi số tiền đầu tư hơn 65 nghìn tỷ là con số không nhỏ và phải được quốc hội thông qua. Đây là dự án rất lớn chứ không phải là một dự án nhỏ. Do đó, cần phải có sự cân nhắc rất thận trọng, kỹ càng. Trong điều kiện Việt Nam đang khó khăn về kinh tế do dịch bệnh COVID-19 khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Có cần thiết thực hiện dự án này ở thời điểm hiện nay hay không? Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dự án phải có tác động môi trường, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.
“Do đó, phải đem lên bàn cân xem cái nào lợi, cái nào hại. Cần phải cân nhắc. Đặc biệt, vốn đầu tư lấy từ đâu, khoản nào, hiệu quả của việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị này ra sao? Ai sẽ là thầu chính đề xây dựng tuyến đường sắt này” – Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt nhiều câu hỏi.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhắc đến tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và cho rằng đã quá nhiều điều vỡ lẽ từ dự án này khi đem lại những hệ lụy, tồn tại lớn cũng như dư âm khiến người dân Hà Nội không hài lòng về cách làm của chủ đầu tư và cách làm của đơn vị thi công.
“Cho nên việc đề xuất thêm dự án mới - tuyến metro số 5 ở Hà Nội đến thời điểm này chỉ người dân Hà Nội và chính quyền Hà Nội mới biết cụ thể rõ ràng việc xây dựng tuyến đường này sẽ mang lại hiệu quả thế nào. Tất nhiên, chủ đầu tư dự án phải đề xuất để Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Cho nên, thời điểm này sẽ chưa thể nói về hiệu quả từ dự án. Tuy nhiên, cần phải có sự cân nhắc. Nếu cần thiết thì phải làm, bao nhiêu tiền cũng được nhưng nếu không cần thiết thì tạm thời để đó hoặc một thời gian sau sẽ xem xét thực hiện một cách hiệu quả. Chứ thời điểm hiện giờ, trong điều kiện kinh tế khó khăn do dịch bệnh, chưa thấy hiệu quả, tốn nhiều tiền của thì cần phải phân tích nhiều khía cạnh, nhiều mặt, nhiều lĩnh vực để tuyến đường sắt này thực sự mang lại hiệu quả cao nhất” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Ông Hòa cho rằng, thành phố Hà Nội thì phải phát triển bởi Hà Nội là thủ lĩnh, là đầu tàu của miền Bắc, trung tâm văn hóa kinh tế chính trị giống như TP HCM là thủ lĩnh của miền Nam nên việc đầu tư là cần thiết trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đầu tư lĩnh vực nào trước, lĩnh vực nào sau mang lại hiệu quả cho kinh tế, chính trị, văn hòa xã hội và đời sống nhân dân thì phải cân nhắc, tính toán thật chi li.
Theo kết quả nghiên cứu của UBND TP.Hà Nội, tuyến metro số 5 sẽ tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất.
Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.
Cụ thể, Dự án bắt đầu tại khu vực Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm hai ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của giải phân cách Đại lộ Thăng Long.
Tại các vị trí giao với đường Lê Quang Đạo, đường sắt quốc gia vành đai phía Tây, nút giao Hòa Lạc tuyến được bố trí đi trên cao cục bộ để vượt qua các nút giao này. Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình) tuyến đi trên mặt đất vào giải phân cách giữa của tuyến đường bộ cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.
Dự án được bố trí 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao). Dự kiến, tuyến metro số 5 sẽ khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu gồm 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120 km/h và 90 km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.
Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, Dự án tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư.
Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách TP, gồm: Vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, Dự án tuyến metro số 5 sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thi công tầng ngầm Metro đầu tiên tại Hà Nội
Nguồn: Truyền hình Nhân dân.