Tướng Lê Văn Cương: Không dung thứ đối tượng tụ tập phá hoại tài sản quốc gia

Google News

(Kiến Thức) - Tướng Cương cho rằng người dân có quyền kiến nghị các vấn đề liên quan tới Luật Đặc khu nhưng hành vi tụ tập đông người, đập phá tài sản quốc gia là không thể chấp nhận được, cần xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/6, một số địa phương như TP HCM, Bình Thuận...xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người gây ùn tắc giao thông và có hành vi quá khích như phản ứng lại lực lượng chức năng tại tại khu vực cầu Nam, thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)... để lên tiếng phản đối về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu). Song, điều đáng chú ý là sự việc trên xảy ra khi việc xem xét thông qua Dự án Luật Đặc khu đã được hoãn từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6.
Nhằm rộng đường dư luận, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học Bộ Công an về vụ việc nêu trên
Tuong Le Van Cuong: Khong dung thu doi tuong tu tap pha hoai tai san quoc gia
 Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an.
- Thưa Tướng Lê Văn Cương, ông nhìn nhận thế nào về vụ việc ngày 10/6, tại một số địa phương trên cả nước như TP HCM, Bình Thuận... xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người có hành vi quá khích khi gây tắc nghẽn đường phố, đập phá các trụ sở công quyền, công trình công cộng để lên tiếng phản đối một số quy định tại Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được xem xét chỉnh sửa?
Tướng Lê Văn Cương: Sự việc xảy ra tại một số địa phương trên cả nước trong ngày 10/6 là đáng lên án và không chấp nhận được. Những đối tượng có hành động đập phá cơ quan công sở, tài sản nhà nước nói chung cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kiên quyết không dung thứ. Không chỉ ở Việt Nam mà ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản...hành động tương tự cũng bị xử lý hình sự.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, công dân có quyền bày tỏ ý kiến của mình. Cụ thể theo điều 28, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.”.
Nếu dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có điều khoản khiến công dân không yên tâm, không thấy phù hợp thì có quyền thực hiện điều 28 Hiến pháp, có quyền tham gia thảo luận và kiến nghị những vấn đề đó.
- Về mặt quản lý nhà nước, chúng ta cần rút kinh nghiệm thế nào sau khi xảy ra những vụ việc trên, thưa Tướng Cương?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Qua vụ việc này, về phía quản lý Nhà nước, chúng ta cũng cần phải rút kinh nghiệm.
Đáng lẽ dự thảo về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là vấn đề hệ trọng bậc nhất, đụng chạm đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc gia thì nên công bố công khai cho toàn dân góp ý kiến. Bởi không có gì mà phải vội thông qua. Mấy chục năm qua không có đặc khu vẫn thế, bây giờ có chậm một vài năm cũng không quan trọng.
Quốc hội nên thông báo công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được tham gia góp ý kiến. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến hay.
Đảng, Nhà nước ta có truyền thống lắng nghe ý kiến từ người dân. Tôi lấy ví dụ như nhà máy thủy điện Sơn La chẳng hạn, Bộ Chính trị đã quyết định cao hơn 260 mét nhưng sau đó các nhà khoa học nêu ý kiến không được làm như vậy bởi nếu vỡ đập thì ngay cả Hà Nội cũng trôi nên Bộ Chính trị đã tiếp thu hạ thấp độ cao. Hay như những nhà cao tầng quanh hồ Hoàn Kiếm, khi người dân có ý kiến thì chính quyền cũng thay đổi. Cũng giống như việc có phương án xây dựng trung tâm thương mại ở Công viên Thống Nhất nhưng người dân không đồng tình và cũng thay đổi.
Tôi có thể khẳng định Đảng, Nhà nước ta có truyền thống lắng nghe dân, lắng nghe giới trí thức góp ý kiến nên Luật Đặc khu hệ trọng như vậy tốt nhất là công khai ra toàn dân. Điều 28 Hiếp pháp quy định: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”, vì thế không có gì là bí mật quốc gia và nếu công khai thì chỉ có tốt đẹp hơn.
- Trong số những người xuống đường tụ tập đông người, có cả trẻ em bị bố mẹ đưa đi, những sinh viên trẻ bị lôi kéo đi tụ tập mà không rõ sau sự lôi kéo vô tình phạm tội chống phá. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Tướng Lê Văn Cương: Ta không công khai các nội dung trong dự án Luật Đặc khu để lấy ý kiến toàn dân nên người dân thiếu hiểu biết và bị một số thành phần xấu kích động.
Thậm chí, ngay những người tham gia xuống đường tụ tập cũng không hiểu hết quy định của Luật Đặc khu. Người ta hiểu cho thuê đất đặc khu 99 năm là bán cho nước ngoài. Người ta không hiểu bản chất vấn đề. Chính sự thiếu hiểu biết nên người dân dễ bị các đối tượng lợi dụng lòng yêu nước từ người dân để kích động họ xuống đường dẫn đến tình trạng như vừa qua.
Phát biểu ý kiến sau khi đại biểu Quốc hội biểu quyết việc điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập việc ngày 10/6, một số địa phương xảy ra tình trạng người dân tụ tập, có hành vi quá khích.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, việc này cho thấy những việc Quốc hội, đại biểu đang bàn ở hội trường đã lan tỏa ra ngoài xã hội, chỉ đáng tiếc là đã làm cho nhân dân không hiểu bản chất của sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu lầm. Và cũng không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng.
"Quốc hội kêu gọi đồng bào và nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước. Quốc hội luôn lắng nghe ý kiến của người dân. Bản thân tôi cũng nhận được thư của đại biểu Quốc hội rất có tâm huyết, rất có trách nhiệm. Tôi cho rằng chúng ta có nhiều hình thức và trong hành động, phát ngôn của chúng ta đừng tạo ra bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu lầm nào nữa. Sự ngộ nhận đó mà lan ra ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)