Từ vụ cháu bé 3 tuổi bị rơi từ tầng 13: Có nên lắp “chuồng chim”, “chuồng cọp“?

Google News

Việc có nên lắp lưới an toàn, hay còn gọi là "chuồng chim", "chuồng cọp" tại các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng đang là vẫn đề nóng sau khi xảy ra vụ bé gái 3 tuổi may mắn thoát khi rơi từ tầng 13 ở Hà Nội.

Lưới chắn tiện nhưng lo
Nếu như “lồng chim” tại những căn nhà biệt lập để ngăn trộm đột nhập, thì một số “lồng chim”, “chuồng cọp” ở các khu chung cư hiện nay có “công dụng“ để chủ hộ có thể treo đồ đạc, phơi áo quần hoặc ngăn không cho trẻ nhỏ leo trèo dẫn đến ngã xuống đất.
Anh Nguyễn Văn Tùng, sống tại một chung cư ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, nhà anh có 2 con nhỏ rất hiếu động nên từ khi chuyển về đây sinh sống, anh đã thuê thợ đến lắp các khung kim loại chắn cửa sổ và ban công lại. Theo anh Tùng, thiết kế ban đầu của khu chung cư không có rào chắn kim loại, nhà nào thấy phù hợp thì tự gắn để đảm bảo an toàn khi trẻ nhỏ chơi gần ban công.
Tu vu chau be 3 tuoi bi roi tu tang 13: Co nen lap “chuong chim”, “chuong cop“?
Nhiều người dân sinh sống trong các căn hộ chung cư cao tầng ở Hà Nội lăn tăn về việc lắp lưới an toàn tại các lan can, logia
Cũng như anh Tùng, chị Vũ Thu Hà, sống tại chung cư ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tiến hành rào các khung thép quanh ban công, cửa sổ để có thêm không gian phơi đồ, ngăn trẻ nhỏ trèo ra ngoài.
Mặc dù từ khi ban công được “che chắn” bằng khung thép kiên cố, chị Hà cảm thấy tiện lợi và an toàn trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng thực sự chị Hà cũng lo lắng vì nếu có xảy ra cháy, nổ thì rất khó để thoát ra.
Một số hộ dân sống tại các khu chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội cho hay, sau khi lắp thêm các rào chắn tại các ban công hay cửa sổ, không gian trong nhà được mở rộng hơn. Việc treo đồ, phơi quần áo trở nên dễ dàng, nhà có trẻ em cũng yên tâm hơn khi không còn nỗi lo rơi ngã xuống đất. Do đó, nhiều hộ vẫn quyết định làm “lồng chim” dù biết có nhiều nguy cơ rủi ro khi có cháy, nổ xảy ra vì lối cứu nạn, thoát hiểm ở ban công bị chặn lại.
Chị Đặng Thị Cẩm Tú, sinh sống tại căn hộ chung cư cao cấp ở Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm cho biết, do rào chắn lan can của nhà chị đã cao hơn 1,4 mét và thanh chắn thẳng đứng không có điểm trèo víu, đặc biệt khu vực sảnh lan can không để đồ đạc nên không lo trẻ em "vượt rào". Việc nhà chị Tú không lắp "chuồng chim" là do chị đề phòng sự cố cháy nổ, lực lượng chức năng có thể xử lý kịp thời đám cháy và gia đình chị cũng sẽ được tiếp cận nhanh để thoát nạn.
Đừng cản trở phòng cháy, chữa cháy
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đối với các nhà chung cư cao tầng, hiện đã có đủ các cơ sở pháp lý để quản lý như tiêu chuẩn quy phạm về nhà và công trình công cộng cao tầng được phê duyệt năm 2008 của Bộ Xây dựng. Thậm chí, Luật Xây dựng mới sửa đổi còn khẳng định trình tự đầu tư xây dựng, trong đó ngoài việc phê duyệt dự án, thiết kế còn yêu cầu rõ về giám sát, nghiệm thu, ý kiến cộng đồng dân cư...
Tu vu chau be 3 tuoi bi roi tu tang 13: Co nen lap “chuong chim”, “chuong cop“?-Hinh-2
 TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, thực tế vụ cháu bé 3 tuổi trèo qua lan can rồi rơi xuống, may mắn được cứu sống không phải là vụ tai nạn, sự cố duy nhất mà đã có rất nhiều vụ xảy ra, thậm chí là chết người.
“Khi cấp phép xây dựng và phê duyệt thiết kế công trình cao tầng, các đơn vị chỉ chú trọng đến các quy tắc chung, yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC), đảm bảo cấp công trình mà ít khi chú ý, xem xét chi tiết đến các lan can, ban công, logia và các cửa mở đóng. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng khi xem xét phê duyệt thiết kế bảo đảm an toàn. Không chỉ chú trọng đến cấp công trình như: vật liệu, chất lượng, diện tích, chỉ tiêu mà còn phải chi tiết đến thiết kế, thi công ban công, logia, lan can. Riêng về PCCC phải có quy định chặt chẽ hơn, trước khi đưa vào sử dụng phải được thống nhất nghiệm thu PCCC từ cơ quan chức năng” – TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn nhìn nhận.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, vấn đề giám sát thi công dự án cần phải được nâng cao chất lượng hơn nữa, phải tuân thủ nghiêm ngặt theo thiết kế đã được phê duyệt. Trường hợp có điều chỉnh phải được phép được điều chỉnh. Thực tế, cơ quan giám sát ít chú trọng yếu tố an toàn này.
Ngoài ra, khi nghiệm thu công trình, các đơn vị chỉ chú trọng đến tiến độ, thời hạn, cấp độ công trình mà ít khi nghiệm thu về PCCC và các vấn đề an toàn khác. Thực tế, cơ quan Công an đã phát hiện nhiều chung cư vi phạm về PCCC sau một thời gian dài hoạt động và đã xử lý hành chính, yêu cầu sửa chữa, cải tạo, thậm chí dừng hoạt động.
“Quan trọng hơn là sau khi đã có thiết kế, nghiệm thu nhưng đơn vị lại không phổ biến, yêu cầu về quản lý và khai thác sử dụng, nhất là vấn đề an toàn của trẻ em. Cho nên có những công trình đảm bảo nhưng lại không quản lý, để người dân kê bàn ghế, trồng cây cảnh ngay các logia, lối ra vào nên trẻ em dễ leo trèo gây hậu quả đáng tiếc” – TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nói và cho biết hiện nay, nhiều nhà lắp “chuồng cọp”, “chuồng chim” bằng nhiều chất liệu, như vậy chỉ đảm bảo được yêu cầu an toàn nhưng không đảm bảo được mỹ quan của thành phố, đặc biệt là công tác PCCC. Chúng ta cần đặt vấn đề PCCC lên vấn đề yêu cầu cao chứ không chỉ đặt vấn đề chất lượng công trình không. Vì vậy, đừng vì một hiện tượng như vậy mà cản trở PCCC vì khi xảy ra sự cố khó mà thực hiện PCCC.
Thay vì dựng “chuồng chim” thì hãy thường xuyên nâng cao chất lượng quản lý, khai thác sử dụng công trình cho cư dân, nhất là trẻ em. Hiện nay là kiến trúc xanh chứ không phải là “chuồng chim”, “chuồng cọp”. 
Khoảng 17h30 chiều 28/2, bé N.P.H. ở tầng 12A (tầng 13) tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội bò từ trong nhà, trèo ra lan can. Sau đó, bé treo mình lơ lửng ở tầng 12A.
Một số người dân ở tòa nhà bên cạnh phát hiện đã hô hoán. Lúc này, anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi) ở gần đó đã trèo lên mái che của sảnh và đỡ trúng bé H. khi bé rơi xuống.
Cháu H. được đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám, xác định bé H. bị trật khớp háng phải, không gãy tay chân, chưa phát hiện tổn thương phần mềm, lồng ngực, ổ bụng không thấy bất thường.
>>> Mới quý độc giả xem thêm video: Cận cảnh cháu bé thoát chết khi rơi từ tầng 12A

Nguồn: Facebook


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)