TS Nguyễn Thúy Khanh lần thứ 2 lên tiếng về “đạo văn” của ông Nguyễn Đức Tồn

Google News

"Với tư cách là một trong những người bị ông Tồn đạo văn, đồng thời vu cáo ngược, chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng".

Nghi vấn đạo văn trực tiếp liên quan đến chức danh giáo sư và cuốn sách nói trên của ông Nguyễn Đức Tồn. Song, để biện luận cho việc làm sai trái của mình, ông Nguyễn Đức Tồn đã có những lí lẽ biện hộ rất vô lí và đã từng bị phản đối trong cả hai lần xét phong học hàm giáo sư. Với tư cách là một trong những người bị ông Tồn đạo văn, đồng thời vu cáo ngược, chúng tôi bắt buộc phải lên tiếng.
Quan điểm ban đầu của tôi, như đã trả lời với một số báo chí, đây là vấn đề liên quan đến khoa học và của những người làm công tác khoa học, nên cần được giải quyết thông qua một hội đồng Khoa học để có những kết luận chính thức, rõ ràng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cuộc sống của tôi ít nhiều có bị ảnh hưởng, xáo trộn vì những câu hỏi, những bài báo và sự quan tâm của mọi người. Có người hỏi vì chưa rõ. Có người hỏi vì bất bình thay cho tôi, hay đơn giản chỉ là để chia sẻ, thông cảm với tôi. Vì vậy, tôi quyết định một lần nữa lên tiếng để bạn bè gần xa yên tâm về tôi.
Vấn đề này đã từng được xem xét, giải quyết từ 10 năm trước. Bản chất của vấn đề thực ra rất rõ ràng, đơn giản. Song nó trở nên rắc rối bởi cách giải quyết mang tính cả nể, có phần bao che của những người có trách nhiệm trước đây. Sau đây là một số vấn đề tôi thấy cần nói rõ để mọi người hiểu hơn.
 
1. “Đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” là một vấn đề lớn, mang tính lí thuyết và là một đề tài mở, cần được khảo sát và phân tích trên cơ sở so sánh đối chiếu ngôn ngữ giữa các dân tộc khác nhau, và cần được thực hiện trên các trường ngữ nghĩa khác nhau. Ví dụ, trong tiếng Việt “đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt” có thể được khảo sát trên các trường ngữ nghĩa như: trường các từ chỉ bộ phận cơ thể người, trường các từ chỉ tên gọi động vật, trường các từ chỉ tên gọi thực vật, trường các từ chỉ màu sắc,v.v. Trong đó đề tài luận án của Nguyễn Đức Tồn là khảo sát trên cơ sở tư liệu các từ chỉ tên gọi bộ phận cơ thể người.
Đề tài luận án của tôi là trường các từ chỉ tên gọi động vật. Luận văn của Cao Thị Thu là về các từ chỉ tên gọi thực vật v.v. Ngoài ra còn có bài viết của Huỳnh Thanh Trà phản ánh về tư duy và sự chia cắt hiện thực khách quan của người Việt thông qua việc phân tích ngữ nghĩa của từ “chết”v.v...
Việc tổng hợp những kết quả nghiên cứu từ các trường từ vựng ngữ nghĩa nói trên để khái quát thành đặc điểm văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông Tồn đã phạm phải sai lầm. Quá trình đó được diễn ra tóm tắt như sau:
- Lần đầu, Ông Tồn đã làm một phép cộng đơn giản là bê nguyên xi những luận án, luận văn mà ông hướng dẫn vào và biến thành những chương của cuốn sách (theo thống kê của những người có trách nhiệm là 6/11 chương bê nguyên xi, trong đó luận văn của tôi chiếm 3 chương) với cái lí của ông Tồn: "tôi hướng dẫn thì tôi có quyền".
- Khi cái lý này bị phản đối kịch liệt, trước hết là từ phía các thành viên Hội đồng chức danh, vì đã vi phạm Luật bản quyền (luận án của tôi và luận văn Cao Thị Thu bảo vệ năm 1995 và 1996, sách ông Tồn ra năm 2002) thì ông Tồn đưa ra cái lí thứ hai: “ tôi viết hộ NCS”.
- Khi cái lí “viết hộ” không được chấp nhận, thậm chí còn vi phạm thêm luật hướng dẫn thì, để có bằng được cái chức danh giáo sư, ông Tồn đã viện cái lí thứ ba là “tôi đọc cho NCS chép”, là “tôi chữa từng dấu chấm dấu phẩy”v.v...
Riêng điều này đủ thấy tính ngụy biện của ông Tồn như thế nào. Cũng chính những lí lẽ kiểu này đã xúc phạm chúng tôi và dồn chúng tôi vào thế bắt buộc phải làm sáng tỏ tính đúng, sai của sự việc.
2. Vậy phải hiểu như thế nào về những cái lí và những phát ngôn nói trên của ông Nguyễn Đức tồn?
- Thứ nhất, cần phải nói rõ về khái niệm luận án tiến sĩ. Một cách đơn giản, dễ hiểu nhất: luận án tiến sĩ là phải dựa trên một cơ sở lí thuyết đã có và áp dụng vào những vấn đề thực tế, cụ thể để cho ra những kết quả nghiên cứu có tính chất mới và có những đóng góp nhất định.
- Thứ hai, các đề tài nghiên cứu vừa được nói trên, mặc dù được thực hiện trên cùng một cơ sở lí thuyết chung về nhận thức, về tư duy, về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, cũng như về cái nhìn “ngây thơ’ của con người trong cách chia cắt hiện thực khách quan, nhưng đều được khảo sát trên những mảng tư liệu hoàn toàn khác nhau.
Chính vì vậy, ngoài chương lí thuyết chung, có thể có những điểm đồng nhất, có những trích dẫn trùng hợp giữa các luận án, thậm chí có thể có những đoạn “giống hệt của thầy” là điều bình thường và không phạm luật. Vì người viết cần phản ánh cơ sở lí thuyết mà mình chấp nhận, trong đó có cả quan điểm của người hướng dẫn. (Hơn nữa, đây đều là những quan điểm được rút ra từ những công trình của các tác giả nước ngoài).
Các chương tiếp theo (II, III, và IV), dứt khoát phải được viết trên cơ sở khảo sát và phân tích tư liệu của cá nhân mỗi người, nên nhất định không thể có sự sao chép hay “viết hộ”.
Tôi nói điều này để thấy, cái cách trích dẫn của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm rằng, trong chương I luận văn của tôi “có những câu, những đoạn giống y hệt của thầy”, để biện hộ cho cái lí “đọc cho NCS chép” của ông Tồn, là thiếu khách quan, là đánh lạc hướng dư luận. Tại sao ông Thêm lại không nói đến 3 chương (II,III,IV) trong luận án của tôi bị bê nguyên xi vào sách ông Tồn?
Nhưng thôi, đấy là chuyện đã qua. Nay, tôi rất mừng khi GS Trần Ngọc Thêm đã có cách nhìn công tâm, trong sáng hơn và đã khẳng định “ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn đã rõ ràng”. Chúng tôi rất cần những thái độ rõ ràng, dứt khoát như vậy.
Tiếp tục nói về quá trình thực hiện luận án của tôi:
Tư liệu cho luận án của tôi gồm hai phần: một là khảo sát trên cở sở các từ chỉ tên gọi động vật tiếng Việt và một là trên cơ sở các từ chỉ tên gọi động vật tiếng Nga. Việc thu thập, phân tích nghĩa, phân loại, đánh giá đều do tự tay tôi thực hiện, rất tỉ mỉ, công phu (ông Tồn không có tư liệu này, mà chỉ được xem một số phiếu xử lí của tôi). Vậy câu hỏi đặt ra: Ông Tồn đọc cho tôi viết cái gì?
Tại thời điểm đó, tôi là những người đã có hơn 20 năm làm công việc biện soạn từ điển và nghiên cứu từ vựng-ngữ nghĩa, đã được đi thực tập ở Nga hai năm và được coi là những người có khả năng nghiên cứu độc lập. Vì vậy, ngày đó mới có chế độ bảo vệ luận án tiến sĩ đặc cách. Tức là, trên cơ sở những nghiên cứu đã có của mình có thể phát triển lên thành luận án tiến sĩ.
Đó cũng là lí do luận án không ghi “người hướng dẫn” mà chỉ ghi “cố vấn khoa học”. Luận án của tôi có quyết định chính thức vào tháng 11/1994, nhưng thực tế đã được triển khai từ tháng 4/1994. Khi có quyết định làm luận án TS của Viện Ngôn ngữ học, tôi đã xử lí xong toàn bộ tư liệu và chỉ việc bắt tay vào viết. Tôi hoàn thành vào cuối năm 1995 và bảo vệ 1996. Hơn nữa, Tôi viết luận án này không phải ở thư viện mà hoàn toàn ngồi viết tại bàn làm việc của tôi ở phòng Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học. Mấy chị em từ điển của chúng tôi đều viết luận án trong hoàn cảnh như vậy. Cũng một phần vì tại đây chúng tôi có nhiều tư liệu. Vậy, không biết có ai thấy ông Tồn đọc cho tôi viết luận án không?
Tôi khẳng định, các bài viết của tôi khi trao cho ông Tồn, chưa bao giờ phải biên tập lại. Chỉ loáng thoáng vài cái chấm phẩy và sau đó tôi có thể chuyển ngay cho tạp chí đăng. (Ngoài các bài viết liên quan đến luận án, tôi còn có các bài viết khác, nhưng chưa bao giờ phải có người biên tập lại và tôi vẫn viết cùng một văn phong). Mỗi bài, tôi viết rất sát với mục đích và đề tài luận án. Tức là cũng có phần mở đầu, phần đánh giá các quan điểm đi trước, phần nêu quan điểm của luận án, phần khảo sát, đánh giá định tính, định lượng và cuối cùng là phần tiểu kết. Vì vậy mỗi bài của tôi sau đó chỉ việc áp vào một chương mà không cần phải viết lại. Vậy mà ông Tồn đã suy luận là văn phong trong luận án của tôi giống với văn phong của ông để biện hộ cho cái lí: ông đã rất mất công chữa và đọc cho tôi???
Tôi cũng khẳng định chỉ đọc luận văn của ông Tồn qua những bài viết của ông đăng trên tạp chí ngôn ngữ học những năm 1994, 1995. Lúc đó ông liên tục viết những bài rút ra từ luận án để tham gia hội nghị và đăng tạp chí chứ không phải như ông Tồn nói là dịch luận án để đọc cho tôi (mà chả biết ông đọc cái gì khi tôi phân tích tư liệu tên gọi động vật, còn ông thì phân tích tên gọi các bộ phận cơ thể người)?
Đề cương luận án của tôi cũng được bàn bạc, trao đổi và thống nhất giữa ông Tồn và tôi, rất bình thường như bao luận án khác và không gặp phải khó khăn gì. Nhưng trong lúc làm việc tôi không thấy ông Tồn cầm tờ giấy mà ông trưng ra làm “bằng chứng viết hộ”. Tôi cũng không biết nội dung của nó có giống hoàn toàn với đề cương luận văn của tôi không và được viết từ bao giờ? Và nếu với “cái lí viết hộ” thì tôi phải có tờ giấy đó chứ sao lại lưu ở ông Tồn?
Do có thuận lợi là cùng một hệ đề tài, ông Tồn là người đã bảo vệ trước, nên sau những lần trao đổi, trò chuyện như những người đồng nghiệp thân tình (hơn là giữa NCS và người hướng dẫn), định hướng luận án của tôi đã tương đối rõ ngay từ đầu. Vì vậy, tôi mới thích đề tài này. Và, khác với những luận án khác, phải làm đề cương trước rồi mới triển khai. Luận án của tôi viết đề cương khi đã xử lí xong toàn bộ tư liệu. Do vậy, các vấn đề có thể hình dung khá rõ.
Nhìn chung, thời điểm đó chúng tôi đã làm việc khá ăn ý và rất hài lòng về nhau, nếu như không có sự việc này xảy ra. Ban đầu đúng là tôi và ông Tồn có ý định cùng viết chung chuyên đề: Về "đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt”. Về việc này, ông Tồn cũng đã có lời với tôi khi tự ý ra sách. Đối với tôi điều đó hoàn toàn không quan trọng. Nhưng việc ông Tồn “trích dẫn” bị cho là vi phạm luật thì ông Tồn phải chịu trách nhiệm.
3. Nói tóm lại, theo tôi, ông Tồn đã phạm phải một sai lầm không đáng có. Nhưng thay vì khắc phục theo đúng cách của một người làm khoa học là viết lại, thì ông lại muốn đi đường tắt và chọn cách làm tổn thương người khác, trong đó có cả người thân của mình, bằng những lí lẽ, chứng cứ nguỵ biện, rất đáng xấu hổ. Ông đã tự đẩy mình vào tình thế tiến không được, lùi không xong như hiện nay, để rồi lại phải toan tính, chạy vạy khắp nơi. Chuyện này cần phải sớm có hồi kết và trả lại cho mọi người sự bình yên.
Xin cảm ơn mọi người đã quan tâm và đọc bài viết của tôi.
Hà nội ngày 20 tháng 5 năm 2018
Theo TS Nguyễn Thúy Khanh/Phụ nữ Thủ đô

Bình luận(0)