Đêm 19/12, một vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Theo đó, người dân địa phương phát hiện 4 thanh niên đi xe máy trong làng, nghi là trộm chó nên đã tri hô vây bắt và đánh hội đồng, khiến 2 người chết, 2 bị thương.
Tại hiện trường, nhà chức trách thu giữ một con chó, nhiều dụng cụ chuyên dùng cho hoạt động câu trộm chó như dây thòng lọng, kích điện… Hai chiếc xe máy của nhóm người trên cũng bị đập phá, hư hỏng nặng.
Vụ việc người dân đánh chết, đánh trọng thương đối tượng nghi là trộm chó nói trên có một chi tiết rất đáng chú ý. Đó là, hai người bị đánh thương tích cho rằng họ không phải cẩu tặc, và các “tang vật” tại hiện trường như con chó, các dụng cụ bắt trộm chó… là do chính người dân để vào sau khi màn đánh hội đồng kết thúc.
Mặt khác, một đại diện chính quyền địa phương đã cho báo chí biết, trước vụ việc lần này, người dân nơi đây đã từng có lần đánh chết kẻ trộm chó.
Trước vụ việc nghiêm trọng trên, nhiều ý kiến tranh cãi về việc “mạng chó đổi mạng người” lại một lần nữa nổ ra và có vẻ vẫn chưa có hồi kết.
Theo thống kê chưa đầy đủ được phản ánh qua báo chí, từ năm 2010 đến nay, đã có hàng chục “cẩu tặc” mất mạng vì bị người dân đánh hội đồng, kèm theo đó là hàng chục chiếc xe máy bị thiêu rụi.
Những con số thống kê về các trường hợp “mạng người đổi mạng chó” có lẽ còn chưa dừng lại. Đáng ngại hơn, mức độ tàn bạo và manh động trong các vụ việc có xu hướng ngày càng tăng.
Nhân vụ người dân đánh chết, gây thương tích cho 4 thanh niên bị nghi là trộm chó nói trên, nhiều người xót xa khi nhớ lại một vụ việc xảy ra cách đây hơn hai năm, khi mà một kẻ trộm chó đã mất mạng tức tưởi trước mặt người thân chỉ vì người dân mặc cả đòi tiền bồi thường, không cho đi cấp cứu.
Theo đó, vào ngày 12/10/2012, Hoàng Công Hiệp (26 tuổi, trú tại xã Nghi Long, Nghi Lộc) và Đào Ngọc Lâm (25 tuổi, trú xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) điều khiển xe máy Exciter đến địa bàn xóm Xuân Phúc, xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) để câu trộm chó. Trong lúc đang bắt trộm chó nhà tại nhà ông Phạm Bá Cậy, Hiệp và Lâm bị người dân phát hiện và đuổi bắt. Lâm dùng dao mang theo chém ông Cậy bị thương ở tay và chạy thoát được. Hiệp bị người dân bắt được. Hàng trăm người dân đã xúm vào đấm đá túi bụi khiến Hiệp gục tại chỗ.
|
Người dân xã Nghi Xuân (Nghi Lộc, Nghệ An) chặn xe cứu thương, đòi tiền khiến nạn nhân vừa bị họ đánh hội đồng tử vong do không được đưa đi cấp cứu kịp thời. |
Nhận được tin báo, chính quyền địa phương cũng như lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Nghệ An đã huy động hơn 20 chiến sĩ có mặt hiện trường, ổn định tình hình và gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, xe cứu thương vào được nhưng không ra được do bị bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Cậy) và nhiều người khác đứng chắn trước đầu xe 115 chặn lại. Những người này bắt gia đình nạn nhân phải mang 20 triệu đồng gọi là “phí” thuốc men cho ông Cậy, khi đó mới được đưa đi.
Nhận được tin con đang nguy kịch, ông Hoàng Công Dương (bố Hiệp) vội vã đến hiện trường. Nhưng khi đến nơi thì Hiệp đã tắt thở vì vết thương quá nặng và không được đưa đi bệnh viện kịp thời.
Đau đớn hơn, lúc này gia đình ông Cậy vẫn không chịu cho xe cứu thương đưa thi thể Hiệp về nhà mai táng. Ông Dương phải viết giấy cam đoan giao lại chiếc xe máy của mình cho gia đình ông Cậy. Lúc này, người dân mới chịu để xe cứu thương chở thi thể Hiệp rời khỏi hiện trường.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc mà kẻ trộm chó đã phải lấy chính mạng sống của mình để đền mạng cho… chó. Lấy lý do gì để bao biện cho hành động không còn tính người của những người ở trên. Phải chăng, vì không còn biết xót thương đồng loại, họ coi mạng chó quý hơn mạng người?