Tranh cãi việc tách Luật giao thông đường bộ, cơ quan nào quản lý dạy lái xe

Google News

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, không nên tách thành 2 luật và không nên chuyển việc đào tạo, sát hạch lái xe.

Hội nghị về dự thảo Luật giao thông đường bộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của sở giao thông vận tải 63 tỉnh, thành phố, 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe.
Tranh cai viec tach Luat giao thong duong bo, co quan nao quan ly day lai xe
Nhiều ý kiến trái chiều về việc tách Luật Giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đơn vị liên quan do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc tách Luật giao thông đường bộ thành Luật đường bộ và Luật bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn; chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh an toàn giao thông như người, phương tiện và quy tắc giao thông... Còn Luật đường bộ có mục tiêu cơ bản là phát triển hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ.
Về quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe, ông Bình cho biết: "Trong dự thảo của Bộ Công an trình lên Chính phủ, chúng tôi chưa bao giờ nói xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng mà nói rõ xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này".
Theo ông Bình, việc tách luật riêng để giao cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm. "Tai nạn xảy ra do người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm. Nếu tai nạn xảy ra do đường, do biển báo thì bên quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm. Làm như thế thì lợi cho xã hội, cho dân chứ chúng tôi không có lợi ích gì" - ông Bình lý giải thêm rằng sau khi Quốc hội ban hành luật, việc giao bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc về thẩm quyền của Chính phủ.
Tranh cai viec tach Luat giao thong duong bo, co quan nao quan ly day lai xe-Hinh-2
Ông Nguyễn Văn Quyền. 
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, không nên tách thành 2 luật. Vì trong thực tế, nếu tách thành 2 luật, Luật Đường bộ sẽ không bao quát hết các vấn đề của đường bộ. Tương tự, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cũng không đảm bảo nội hàm của Luật này. Chủ trương của Đảng đã nêu rõ, việc đảm bảo ATGT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ cũng có nhiều vấn đề liên quan đến đảm bảo ATGT, với nhiều nội dung đan xen, không thể tách rời.
Bên cạnh đó, các điều kiện trong quản lý hạ tầng, vận tải, xử lý vi phạm chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là pháp luật về ATGT phải được thực thi nghiêm minh, kịp thời, như các quy định, nguyên tắc trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Muốn xử lý nghiêm vi phạm cần phải đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm để “phạt nguội”. Việc tách thành 2 luật sẽ làm rườm rà thêm, khó giải quyết được các vấn đề đảm bảo ATGT phát sinh trong đời sống xã hội...
Về đào tạo, sát hạch lái xe, theo ông Quyền từ năm 1995, Chính phủ chuyển giao nhiệm vụ này từ ngành công an sang ngành giao thông. Đến nay, công tác này có bước tiến rất dài, chương trình đào tạo tiếp cận các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… Hầu hết các nước công nhận bằng lái xe lẫn nhau với Việt Nam.
"Quan điểm của tôi là không nên chuyển việc đào tạo, sát hạch lái xe" - ông Quyền bày tỏ.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, nếu như tách Luật giao thông thành 2 luật khác nhau sẽ không phù hợp, sẽ phát sinh nhiều bất cập. Ngoài ra, đối với việc quản lý, đào tạo sát hạch lái xe, nếu như giao về ngành công an thì lại phải đầu tư trang thiết bị, hệ thống, rồi chi phí cho bộ máy, các khoản tiền lương cho lực lượng vũ trang cũng sẽ cao hơn so với dân sự.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết, TCĐBVN sẽ tiếp tục lấy ý kiến của 63 tỉnh, thành phố và 370 trung tâm đào tạo, 152 trung tâm sát hạch lái xe về các nội dung trong dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị các Sở GTVT lấy ý kiến thăm dò các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe bằng phiếu kín về các điều khoản mới của Luật Đường bộ, thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Bộ GTVT hay Bộ Công an.

 

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)