UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 2346/QĐ-UBND về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của thành phố.
Theo đó, tại chương 2, điều 3 của Quyết định này có ghi rõ, cán bộ, công chức không mặc quần jeans, áo thun các loại (kể cả nam và nữ) tới công sở.
Ngay lập tức, quy định trên của UBND TP Cần Thơ đã tạo nên những ý kiến trái chiều trong công chúng.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, đơn vị tham mưu soạn thảo quy tắc trên cho UBND TP Cần Thơ giải thích trên truyền thông: Trước khi soạn thảo, Sở Nội vụ đã có nghiên cứu và thấy quần jeans có xuất xứ từ các nước châu Âu, dành cho những người lao động mặc khi đi làm việc, sản xuất hoặc là đi chăn bò, chăn cừu.
Theo ông Hoàng Ba, với ý nghĩa như thế, quần jeans không phải là trang phục phù hợp dành cho nhân viên công sở thuộc TP Cần Thơ.
|
UBND TP. Cần Thơ yêu cầu cán bộ, công chức không mặc quần jeans tới công sở. |
Trước khi bàn luận về quyết định của UBND TP Cần Thơ, chúng ta cần nhìn lại lịch sử của chiếc quần jeans. Cha đẻ của loại quần nổi tiếng này là Levi Strauss. Ông làm nghề bán canvas - một loại vải dày dùng để dựng lều cho thợ đào vàng.
Trong quá trình làm việc, Levi Strauss thường xuyên nhận phải những ca thán của thợ mỏ về việc không có chiếc quần nào đủ dày để phù hợp với công việc họ đang làm. Từ đó, người đàn ông Mỹ gốc Pháp này nảy ra ý tưởng lấy các canvas để may quần. Ngay lập tức, sản phẩm của Levi Strauss được các công nhân mỏ yêu thích và đổ xô tới mua.
Vào thế kỷ 20, năm 1930, khi Hollywood làm phim về cowboy miền Tây nước Mỹ, những người chăn bò bắt đầu mặc quần jeans, biến chiếc "quần công nhân" này trở thành trang phục được nhiều người yêu thích.
|
Quần jeans được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của các công nhân đào mỏ. |
Vào thập niên 1960, thời gian của hippies và phản kháng, chiếc quần jeans trở thành bộ đồng phục cho những người muốn sống tự do không ràng buộc. Từ một chiếc quần dành cho công nhân đào mỏ, quần jeans trở thành biểu tượng của tự do, của sự phản kháng, sự chối từ.
Chỉ với quần jeans, tuổi trẻ cảm nhận mình đã hơn người, mình "đã sống, đang sống và biết sống" hơn người.
Sau khi cách mạng đời sống chấm dứt thì triết lý "quần jeans" cũng tàn lụi theo. Jeans trở thành loại quần áo cho tầng nhóm xã hội bình thường. Từ biểu tượng cho "tự do", nay jeans trở thành chiếc quần của thời gian rảnh rỗi.
Tương tự như quần jeans, ngày nay áo thun trở thành trang phục phổ biến cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng áo thun có nguồn gốc từ chiếc áo lót của nam giới châu Âu và thế kỉ 19. Thời đó, đàn ông thường mặc một chiếc áo lót bên trong và một chiếc áo sơ mi bên ngoài.
Áo thun thường chỉ được sử dụng rộng rãi bởi những người thợ mỏ hay bốc vác, những người mà thường xuyên phải lao động mạnh ở những môi trường nóng nực. \
|
Quần jeans trở thành biểu tưởng của sự rảnh rỗi. |
Trên thế giới, ở rất nhiều nước phát triển, người lao động khi tới nơi làm việc phải ăn mặc trang phục theo đúng quy định. Với nam giới, thường là vest hoặc đơn giản hơn là quần âu, áo sơ mi.
Ở một số nơi, quy định này được nới lỏng hơn và người lao động có thể mặc loại quần này vào ngày thứ 6 hoặc những lúc làm việc ngoài giờ hành chính. Việc mặc quần jeans trong những ngày làm việc chính thức bị cấm hoàn toàn.
Với những người lao động chuyên nghiệp, việc lựa chọn trang phục lịch sự là cách họ thể hiện sự tôn trọng đối đồng nghiệp, với đối tác, với khách hàng và với chính bản thân họ.
Với công chức và người lao động Nhật Bản, việc mặc trang phục theo quy định, mặc vest gần như là bắt buộc. Vào năm 2005, khi phát động chiến dịch tiết kiệm điện trên toàn quốc, chính phủ Nhật Bản kêu gọi quan chức chính phủ, nhân viên văn phòng mặc áo sơ mi đi làm, các máy điều hòa không được bật dưới 28 độ C.
Mặc dù vậy, nhiều công chức lại cho rằng họ cảm thấy không thoải mái và thậm chí bớt phần tự tin khi không mặc các bộ áo vest khi bàn chuyện làm ăn với các đối tác.
Với những người lao động chuyên nghiệp, việc lựa chọn trang phục lịch sự là cách họ thể hiện sự tôn trọng đối đồng nghiệp, với đối tác, với khách hàng và với chính bản thân họ.
Vì thế, việc UBND TP Cần Thơ ra quy định yêu cầu cán bộ, công chức không mặc quần jeans đi làm trong giờ hành chính là điều dễ hiểu và không có gì đáng tranh cãi.
|
Trang phục công sở phải đảm bảo yếu tố lịch sự, trang trọng. |
Nhiều người cho rằng, quy định này ảnh hưởng tới quyền tự do của người lao động. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, ở những nước phát triển nhất, nơi mà nhiều người coi đó là "xứ sở của tự do" mỗi cơ quan đơn vị đều có những quy định riêng về trang phục cho người đi làm. Nếu muốn được làm việc trong tổ chức đó, họ buộc phải tuân thủ. Nơi làm việc, công sở không phải là chỗ mà người lao động thích mặc gì thì mặc.
Riêng với cán bộ, công chức thường hay tiếp xúc với dân nên chọn trang phục kín đáo, trang nhã, lịch sự. Hình ảnh người công chức mặc trang phục chỉn chu, đàng hoàng thể hiện hình ảnh cả ngành hành chính công của quốc gia. Đừng lấy lý lẽ cứng nhắc để rồi chọn những bộ trang phục dành để đi chơi tới nơi làm.