"TP.HCM phải tính phương án nếu số ca vẫn tăng trong 1 tuần tới"

Google News

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng TP.HCM nên xem xét nếu trong 1 tuần nữa số ca mắc vẫn tăng, tỉ lệ tử vong tăng thì phải tính phương án.

Tại cuộc Hội nghị trực tuyến sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP.HCM theo tinh thần Chỉ thị 16 diễn ra chiều 15/7, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu sở ngành phải lên phương án khi các tỉnh lân cận đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16, việc vận chuyển hàng hóa sẽ khó khăn hơn. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu TP cần có chiến lược mới để tránh mất sức cho các lực lượng chống dịch.
 Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực phòng, chống dịch quyết liệt nhất.
Công tác phòng, chống dịch chuyển sang trạng thái mới, có sự phân công rõ ràng cho các lực lượng. Công tác xét nghiệm, thu dung, cách ly, điều trị, tổ chức tổ COVID-19 cộng đồng đã đồng đều, có trọng tâm, trọng điểm, việc trả kết quả cũng nhanh hơn, không để tồn đọng mẫu như trước đây, công suất xét nghiệm tăng nhanh, khắc phục sự chệch choạc trước đó. TP cũng đã thực hiện phòng, chống với 5 trụ cột: xét nghiệm; khoanh vùng; truy vết cách ly điều trị; tiêm vaccine hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. 
Theo ông Nguyễn Văn Nên, thời gian qua công tác cách ly điều trị thực sự là một sức ép chưa từng có, vượt xa so với sự chuẩn bị của TP. Tuy nhiên TP đã khắc phục nhanh chóng, kịp thời tăng cường nhân lực, trang thiết bị y tế…Cho đến nay, TP đã cơ bản ngăn chặn được những nguồn lây dịch trước đây, giảm phát tán mầm bệnh ở cộng đồng. Đặc biệt, một số vùng, địa bàn cũng đã có sự kiềm chế được các chuỗi lây nhiễm lớn, truy vết nhanh hàng ngàn F0, sớm cách ly ra khỏi cộng đồng.
Trong thời gian tới, TP cần có phương án chuẩn bị cho tình huống các địa phương lân cận đồng loạt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc vận chuyển hàng hóa sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc giãn cách xã hội, đời sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn khiến lực lượng phòng, chống dịch lúng túng, trong đó có vấn đề cung cấp nhu yếu phẩm và vận chuyển hàng hóa…Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu lực lượng chức năng cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đến đời sống người dân.
"Yêu cầu quan tâm đến yếu tố tâm lý xã hội là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của chúng ta. Không phải chỉ bằng lời nói mà phải bằng việc làm cụ thể, giải quyết các nhu cầu bức thiết, tránh gây căng thẳng, khi ban hành bất kỳ một chủ trương nào đều phải được rõ ràng, được truyền thông và phân tích để người dân và doanh nghiệp chấp hành đúng" - ông Nguyễn Văn Nên nêu rõ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. 
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, TP.HCM đã nỗ lực rất lớn, đạt được những kết quả tốt, mặc dù thời gian đầu còn có sự tập trung đông người khi đi xét nghiệm. Về số ca mắc tăng, Phó Thủ tướng cho rằng TP nên xem xét nếu trong 1 tuần nữa số ca mắc vẫn tăng, tỉ lệ tử vong tăng thì khó lòng chống dịch theo Chỉ thị 16 được. Nếu như TP không kéo giảm được thì xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần lễ nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm.
Cũng theo Phó Thủ tướng, số ca F0 không có triệu chứng chiếm khoảng 80% phải chuyển về cho địa phương để giảm gánh nặng tại địa điểm điều trị. Từ nay đến khi chấm dứt thời hạn thực hiện Chỉ thị 16, các cơ quan của TP tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp.
"Đến 50.000 F0, liệu chúng ta có thực hiện tập trung theo cách này mãi được không? Rồi F1 lên bao nhiêu. Sức quá tải thì tinh thần lực lượng cũng sẽ uể oải nếu mà lượng người quá lớn. Chúng ta phải tính chiến lược này chứ không khéo mất hết sức lực mà không giải quyết được" - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận, trong 7 ngày qua, TP vẫn còn tình trạng tập trung đông người để thực hiện xét nghiệm, điều này là không đúng trong khi TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và tiểm ẩn nhiều nguy cơ. Công tác trả kết quả xét nghiệm vẫn còn để xảy ra tình trạng trả chậm, quy trình vận chuyển người bệnh còn lúng túng, nhiều địa phương còn mất nhiều thời gian trong việc tìm bệnh viện có năng lực để chuyển đến. Điều này gây mất thời gian cho việc cấp cứu bệnh nhân, gây bức xúc cho người dân.
Tại các khu cách ly tập trung vẫn còn tình trạng người cách ly giao lưu, tiếp xúc với nhau, không tuân thủ việc giãn cách. Cần siết chặt hơn nữa, không được để người dân đi lại, giao lưu, tiếp xúc với nhau. Đặc biệt, cần phải đảm bảo lương thực, thực phẩm cho khu cách ly, phong tỏa, không để người dân, người cách ly bức xúc vì điều này.
Ông Phong yêu cầu, công tác xét nghiệm cần thực hiện nhanh, chính xác để phát hiện F0 sớm, đưa đến khu điều trị nhanh nhất, các quận huyện, TP Thủ Đức cần phải thành lập tổ công tác xét nghiệm để làm tốt công tác nhập liệu, xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm cho người dân.
Lấy mẫu xét nghiệm ở vùng có nguy cơ tại TP.HCM. 
Đối với khu cách ly tập trung cần phải siết chặt an ninh, đảm bảo tốt việc giãn cách trong khu cách ly và phải có đầy đủ phòng tắm, nhà vệ sinh, xử lý tốt rác thải, dụng cụ y tế. Đặc biệt, hiện nay có 38% ca mắc là do lây nhiễm chéo, cần phải giảm các ca F0 phát sinh trong khu vực này.
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị 7 ngày tới tận dụng “thời gian vàng” còn lại để truy vết F0, rút ngắn thời gian vận chuyển F0 đến nơi điều trị. Ngành y tế tập trung điều trị cho các F0 nặng và người có bệnh nền đề hạn chế tối đa tử vong.
"Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế đề ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập ngay đường dây nóng, có trách nhiệm nắm chắc khả năng tiếp nhận của các bệnh viện điều trị ở tuyến trên, tiếp nhận thông của quận huyện về trường hợp F0 đang chuyển nặng, kịp thời điều phối chuyển đến bệnh viện gần nhất" - ông Nguyễn Thành Phong cho biết./.
Theo Kim Dung/VOV-TPHCM

>> xem thêm

Bình luận(0)