Vừa qua, Trung ương cũng như Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về cải cách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, xung quanh việc triển khai thực hiện những nghị quyết này ở TP.HCM.
Ông Làm cho biết: TP.HCM là một đô thị đặc biệt, do áp lực dân số và nhu cầu phát triển nên bộ máy rất rộng. TP hiện có số lượng cán bộ, công chức (CBCC) chỉ đứng sau TP Hà Nội. Số biên chế hiện nay làm tròn thì khoảng 12.000, đơn vị sự nghiệp khoảng 125.000. Tuy nhiên, đánh giá một cách công bằng nhất thì hiện nay bộ máy của TP còn cồng kềnh…
Đánh giá cán bộ còn du di, thương tình
Phóng viên: Không phải tới bây giờ câu chuyện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mới đặt ra nhưng tại sao bộ máy vẫn ngày càng phình to, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Làm: Nói về nguyên nhân bộ máy phình ra thì có cả nguyên nhân của địa phương nhưng cũng có nguyên nhân lớn từ trung ương. Ví dụ, các bộ, ngành có đề nghị thành lập mới một số cơ quan. TP.HCM là một đô thị lớn, khi thành lập một tổ chức mà chỉ có 3-5 con người thì không thể làm được.
|
Ông Nguyễn Văn Làm |
Còn về biên chế thì từ 2006 đến giờ, Bộ Nội vụ chưa giao cho TP một biên chế nào, chỉ có giảm thôi. Nhưng song song đó thì TP được cho phép thí điểm thành lập thanh tra xây dựng ở quận/huyện, phường/xã. Khi thanh tra xây dựng được thành lập thì bắt buộc phải có con người. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do áp lực công việc, TP.HCM là đô thị đặc biệt, nảy sinh nhiều việc nên cần người nhiều.
Trên thực tế khi thực hiện Nghị định 108 về tinh giản biên chế, từ 2015 đến nay, cả TP đã tinh giản được 287 người. Kết quả này là chậm nhưng TP và nhiều địa phương khác cũng gặp chung một cái khó. Do Điều 6 quy định đối tượng tinh giản biên chế rất khắc nghiệt, trong đó CBCC, viên chức phải có hai năm không hoàn thành nhiệm vụ mới tinh giản biên chế; hoặc một năm không hoàn thành nhiệm vụ còn một năm có điểm yếu cần khắc phục. Cho nên đối tượng để lựa chọn tinh giản là rất khó.
Rồi quy trình càng khó hơn, đầu tiên cơ sở sẽ chọn đối tượng, làm mẫu biểu, hồ sơ, gửi lên sở chủ quản xem xét ký, rồi gửi lên sở Nội vụ, Sở Nội vụ sẽ thẩm định trình UBND TP; UBND TP ký trình Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ lại rà soát. Có nhiều trường hợp chúng tôi phải ra tận Hà Nội để làm giải trình; trong khi đó một hồ sơ tinh giản biên chế hoàn thành nhanh nhất là một tháng rưỡi; còn 2-3 tháng là chuyện bình thường.
Cho nên TP.HCM và nhiều địa phương có kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét nới rộng đối tượng tinh giản biên chế mới đảm bảo được việc hoàn thành mục tiêu chứ chúng ta kêu gào tinh giản biên chế nhưng đối tượng siết lại thì khó.
Việc tinh giản biên chế đạt hiệu quả thấp phải chăng còn do tâm lý né tránh, ngại đụng chạm, hay vì lợi ích nào đó?
+ Quả thật là qua nhiều lần làm tinh giản biên chế thì bộ máy vẫn còn nặng nề. Chúng ta tinh giản nhưng chưa dứt khoát. Nhưng lần này tôi nghĩ lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất cương quyết; có xây dựng lộ trình để các địa phương chấp hành.
Còn ngại va chạm, theo tôi là tình hình chung thôi. Khi đánh giá CBCC hằng năm còn du di, còn thương, còn lưu luyến nhau nên chưa mạnh dạn đánh giá những đối tượng chưa phát huy được. Cơ sở không đánh giá được thì cấp trên rất khó nhận định.
|
Hiện nay bộ máy của TP.HCM còn cồng kềnh nên cần được thu gọn hơn nữa các phòng, ban thuộc sở, ngành. Ảnh: HTD |
Thu gọn các phòng, ban thuộc sở, ngành
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 cũng như Nghị quyết kỳ họp thứ 4 của QH khóa XIV mới đây đã đề ra nhiều mục tiêu về giảm đầu mối, giảm biên chế. Để triển khai, TP có những đề án, giải pháp nào, thưa ông?
+ Để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, TP.HCM đang xây dựng kế hoạch, chương trình; không nói năm nào giảm bao nhiêu nhưng dứt khoát TP sẽ thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy không thể nóng vội vì nó liên quan đến con người. Lộ trình phải cẩn thận, càng làm kỹ bao nhiêu thì hiệu quả càng tốt bấy nhiêu.
Hiện nay các sở, ngành ở TP cũng đã xây dựng xong đề án tinh giản biên chế từ đây đến năm 2021, năm nay không giảm thì năm tới sẽ phải giảm nhiều hơn. Làm sao đến năm 2021 giảm 10% như yêu cầu. Nếu làm không nghiêm thì chính đơn vị đó càng áp lực.
Việc thu gọn các đầu mối sẽ được thực hiện như thế nào?
+ Chúng tôi thấy rằng đối với khối hành chính sẽ thu gọn đầu mối, sắp xếp các phòng thuộc sở, cái nào cần thiết thì giữ, cái nào không cần thiết thì thu gọn. Đội ngũ CBCC cũng phải rà soát để đáp ứng nhu cầu công tác ngày càng cao. Nếu không đạt thì cho thực hiện theo Nghị quyết 108.
Ví dụ như Sở Nội vụ, theo Thông tư 15 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thì Sở Nội vụ từ chín phòng còn lại bảy phòng. Tương tự, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH từ 13 phòng còn lại 10 phòng… Đối với quận/huyện thì quy định hiện hành về số lượng các phòng chuyên môn là 12. Hiện nay đã theo quy định rồi, không thể rút được phòng nào, quan trọng là không làm tăng số biên chế.
Ngoài ra, trước đây có lúc Văn phòng HĐND TP, Văn phòng UBND TP, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội nhập lại là một nhưng sau đó lại tách ra làm ba thì giờ cũng sẽ nhập lại.
31/63 tỉnh, thành đang vượt chỉ tiêu sử dụng biên chế (vượt 6.376 biên chế), có tỉnh có đến 161 cấp phó chủ tịch xã, phường dôi dư. Đây là số liệu được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đưa ra tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội (QH) ngày 30-10-2017. “So với nhiều nước trên thế giới thì đội ngũ công chức của chúng ta là quá lớn” - ông Phương nói.
Xóa bỏ các ban chỉ đạo kém hiệu quả
Đối với các ban chỉ đạo (BCĐ) thì sao, thưa ông?
+ Hiện nay trên địa bàn TP có 116 BCĐ. Vừa qua, chúng tôi có văn bản đề nghị thường trực các BCĐ đánh giá BCĐ của mình. Dự kiến sang quý I-2018, tôi nghĩ sẽ không còn 116 BCĐ mà sẽ thu gọn.
Sự cần thiết của BCĐ là có, rất cần. Tuy nhiên, có những BCĐ hết chức năng, nhiệm vụ nhưng thường trực quên đề xuất giải thể nên nó còn tồn tại. Thậm chí nhiều người nghỉ hưu, nghỉ việc nhưng vẫn để tên trong BCĐ là không đúng.
Cơ chế hoạt động BCĐ là liên ngành, không đẻ ra bộ máy, không dính dáng gì đến bộ máy. Nếu BCĐ đó là cần thiết thì cần thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế hoạt động, còn nếu dẹp hết thì không nên. Sắp tới sẽ rà soát, tổ chức lại, cái nào cần thiết thì giữ hoặc có trường hợp ba BCĐ được nhập lại nếu chức năng gần nhau.
Không phải tới bây giờ câu chuyện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mới đặt ra. Liệu lần này TP có tự tin là sẽ thực hiện thành công những mục tiêu đề ra hay không, thưa ông?
+ Tôi cho rằng lần này sẽ thành công. Tôi chắc chắn từ đây đến năm 2021, từ năm 2021 đến 2025, từ năm 2025 đến 2030 thì bộ máy sẽ gọn hơn, sẽ giảm hơn. Lần này Đảng rất cương quyết và đã có nghị quyết cụ thể rồi thì tôi tin rằng bộ máy sẽ không còn ngày càng phình to nữa.
Xin cám ơn ông.
Đột phá trong lĩnh vực giáo dục, y tế
Hiện nay ngân sách phải chi nhiều nhất cho khối sự nghiệp với số lượng người làm việc rất đông. Trong năm 2018, trước mắt TP giảm số cán bộ khối sự nghiệp xuống 10%, trong đó 39 đơn vị sự nghiệp của ngành y tế thực hiện tự chủ toàn phần về tài chính, sẽ tiết kiệm ngân sách rất lớn. Phần đó sẽ bù đắp cho khối hành chính hay dùng ngân sách này để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội.
Về giáo dục, trong Nghị quyết 19, một phường không thể có nhiều điểm trường như hiện nay mà sắp tới có thể các cấp tiểu học, THCS, THPT gộp thành một trường. Như vậy sẽ giảm đi nhiều nhân sự, trước mắt là giảm kế toán, văn thư và viên chức quản lý như hiệu trưởng, hiệu phó.
Còn lĩnh vực y tế thì Sở Y tế có trình một số đề xuất. Theo đó, cụ thể nhất thì xã/phường, quận/huyện nào có trung tâm y tế thì không tổ chức trạm y tế phường. Lâu nay có phường, quận có đến ba, bốn bệnh viện mà vẫn tổ chức trạm y tế.
Ông LÊ VĂN LÀM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM