Tính đến thời điểm cuối năm 2016, UBND huyện Krông Pắk đã quyết định hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao tới 526 giáo viên; trong đó bậc mầm non 85 người, tiểu học 285 người, THCS 242 người.
Ngoài ra, UBND huyện này còn bổ nhiệm thừa tới 32 phó hiệu trưởng, trong đó bậc Tiểu học thừa 18, bậc THCS thừa 11.
|
Trường THCS Hòa An nơi có số giáo viên thừa so với quy định. |
Trong kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Đắk Lắk cho thấy có những trường chỉ bố trí 28 học sinh/lớp, mặc dù cơ sở vật chất vẫn đảm bảo cho 45 em/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Quả kiểm tra cũng chỉ ra nhiều trường thừa nhiều giáo viên, như Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Ea Phê) đang thừa đến 17 giáo viên, nhân viên. Đặc biệt, tại Trường tiểu học Đặng Thùy Trâm (xã Ea K’Nuêk) hiện đang thừa 22 giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế số giáo viên thừa còn lớn hơn nhiều, bởi trường chỉ bố trí chưa đến 10 em/lớp.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Đắk Lắk, trách nhiệm để xảy ra các tồn tại trên thuộc trách nhiệm ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011 – 2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021).
Theo tìm hiểu, vị trí Trưởng Phòng GD&ĐT huyện này đã bỏ trống từ ngày 01/10/2015 đến nay. Ông Y Suôn Byă có vợ là bà H’Yer Knul đang là Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện.
Về phương án xử lý, trao đổi với Infonet, ông Miêng Klơng – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết, sau khi có kết quả kiểm tra, Sở đã kiến nghị khắc phục những tồn tại trong bổ nhiệm cán bộ nói trên.
“UBND huyện Krông Pắk cam kết tinh giản biên chế, sắp xếp lại cán bộ quản lý trường học. Huyện sẽ điều các phó hiệu trưởng này đến các trường có lãnh đạo sắp đến tuổi nghỉ hưu, điều động từ trường thừa sang trường thiếu… Đối với số giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu, khi xét tuyển viên chức nếu không trúng tuyển sẽ chấm dứt hợp đồng”. Ông Miêng Klơng cho hay.
Ngoài ra, theo ông Miêng Klơng, phải đến năm 2018 huyện Krông Pắk mới sắp xếp được hết số hiệu phó bổ nhiệm thừa, còn giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu đến năm 2019 mới giải quyết xong.