Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV VietNamNet về nhiệm vụ hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua và tới đây.
Lực lượng quân đội vẫn sẵn sàng, không nề hà việc gì
Thưa Thiếu tướng, trong những ngày qua có thông tin cho rằng, lực lượng quân đội hỗ trợ TP.HCM chống dịch chuẩn bị rút quân, thông tin này có chính xác?
- Thứ nhất, từ nay đến 30/9, TP.HCM vẫn thực hiện Chỉ thị 16. Thứ hai, lực lượng quân đội cùng các lực lượng khác vừa qua giúp TP giữ ổn định tình hình thực hiện giãn cách xã hội và đảm bảo an sinh thì những ngày tới vẫn tiếp tục tham gia, chưa có kế hoạch nào khác.
Lực lượng quân đội vẫn thực hiện các nhiệm vụ như trong 25 ngày qua (từ 23/8). Cụ thể là hỗ trợ vận chuyển các chuỗi cung ứng hàng hóa, khám chữa bệnh, tiêm vắc xin và các nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân; những việc kiểm soát vẫn tiến hành bình thường.
|
Đoàn công tác do Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (giữa ảnh) dẫn đầu trong một chuyến thị sát tại TP.HCM (Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong (bên phải) |
Riêng việc đi chợ hộ, trong điều kiện hiện nay, TP đã cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại như shipper, hay cho hàng ăn bán mang về… Những việc giúp cho người dân chủ động hơn trong việc đảm bảo đời sống.
Do đó, thay vì đi chợ hộ thì nay các lực lượng tập trung vào việc khác. Còn ở những nơi cần thiết, ví dụ những “vùng còn rất đỏ”, vẫn phải siết chặt, để giúp cho người dân thì lực lượng quân đội vẫn sẵn sàng, không nề hà việc gì.
Thiếu tướng có thể cho biết những nhiệm vụ lực lượng quân đội tập trung thực hiện trong hỗ trợ chính quyền và người dân TP.HCM chống dịch?
- Quân đội thực hiện những việc như tổ chức các tổ quân y lưu động giúp bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, tư vấn và thực hiện các biện pháp khám chữa bệnh giúp dân,…
Tiếp tục vận chuyển các túi an sinh đến người dân, đặc biệt là ở “vùng đỏ”, để người dân an tâm ở nhà, tiếp tục đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội.
Trong điều kiện hiện nay, việc đi lại đã có nới lỏng, để nhân dân tự đi lại mua sắm các nhu yếu phẩm, nhưng vẫn phải trong tầm quy định, vẫn cần kiểm soát chặt chẽ.
|
Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam |
Dịch chưa được kiểm soát, không hà cớ gì rút quân
Theo dự kiến, sau 30/9 TP.HCM sẽ nới lỏng giãn cách khi tình hình dịch dần được kiểm soát, khi đó lực lượng quân đội còn tiếp tục nhiệm vụ ở TP.HCM, thưa Thiếu tướng?
- Kế hoạch rút quân của bộ đội tùy thuộc vào việc phòng chống dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn ra như thế nào, nên có 2 phương án.
Phương án thứ nhất, dập dịch được tốt, theo đúng như kế hoạch, nếu trong tháng 9 kiểm soát được thì chắc chắn các lực lượng sẽ rút dần. Nhưng vừa rút vừa phải bảo đảm giúp cho TP giữ ổn định tình hình mọi mặt, để khi rút không tạo ra hẫng hụt gì đối với TP.
|
Các cán bộ, chiến sĩ hăng hái lên đường, hỗ trợ nhân dân TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19 |
Phương án thứ hai, trong điều kiện dịch chưa được kiểm soát, với trách nhiệm đội quân chiến đấu, công tác, lao động sản xuất và sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu và phục vụ thì không có hà cớ gì rút quân khi chưa dập dịch xong.
Vì vậy, khẳng định chắc chắn là khi nào tình hình dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam được kiểm soát một cách tốt nhất và tự điều chỉnh, cải thiện được tình hình thì lúc đó quân đội mới yên tâm rút lực lượng về thực hiện công việc của mình.
Lực lượng quân đội đã điều động và tăng cường trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch trong những ngày qua, kết quả bước đầu được đánh giá ra sao, thưa Thiếu tướng?
Lực lượng quân đội tăng cường cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, trọng tâm là TP.HCM với tổng cộng 132.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ, trong đó khoảng 98.000 dân quân tự vệ, còn lại là các cán bộ, chiến sĩ của nhiều đơn vị vừa điều động, vừa tại chỗ.
Đồng thời có khoảng 2.000 y, bác sĩ, điều dưỡng viên từ các bệnh viện quân đội, cùng học viên các trường và lực lượng tại chỗ phía Nam.
|
Bộ đội hỗ trợ chuyển những túi an sinh đến cho người dân. Ảnh: Thanh Tùng |
Phải khẳng định, việc tăng cường lực lượng quân đội và các lực lượng khác phối hợp giúp TP.HCM chống dịch là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của quân đội. Nếu không có các lực lượng hỗ trợ, chi viện thì TP.HCM rất khó trong việc tự tầm soát, giải quyết được dịch bệnh xảy ra.
Với số lượng ủng hộ rất lớn cả về con người, về cơ sở vật chất, trang thiết bị mới giúp được TP kiểm soát dần dần, nếu không thì hậu quả khó lường trước.
Việc quân đội tiếp tục giúp TP và các tỉnh thực hiện tới đây cũng rất cần thiết; đã được lãnh đạo, chính quyền và nhân dân ủng hộ, tin tưởng.
Lo hậu sự với cái tâm, tấm lòng và thực sự trách nhiệm
Thưa ông, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ chi viện, hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm, dễ lây lan, lực lượng quân đội có gặp khó khăn?
- Khó khăn thì nhiều vì dịch diễn ra trong thời gian dài và tạo ra những ảnh hưởng tâm lý, tinh thần rất nặng nề, bẻ vỡ các chuỗi kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của tất cả người dân, kể cả những người không bị nhiễm.
Nhưng quan trọng hơn là việc quan tâm, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý chí của đội ngũ cán bộ chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ đã được quan tâm. Tuy nhiên, đề nghị quan tâm hơn nữa về cả vật chất và tinh thần, để họ xác định tốt nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu hơn nữa.
|
Hình ảnh bộ đội mang lương thực hỗ trợ dân, rất ý nghĩa |
Việc thứ hai là cần quan tâm hơn việc mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt là máy móc phục vụ chính trong việc phòng chống dịch, nhất là ở các cơ sở bệnh viện dã chiến, trung tâm điều trị bệnh nhân hiện nay.
Đặc biệt, cần quan tâm đến lực lượng làm công tác đặc biệt, mà chỉ có quân đội mới thực hiện được, đó là việc lo hậu sự cho người mất vì Covid-19.
Trong truyền thống chưa bao giờ nghĩ đến việc các lực lượng trẻ, cán bộ, chiến sĩ lần đầu tiên tham gia lĩnh vực rất "đặc biệt" này.
Gần 400 cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện các công việc rất đặc thù, từ lúc bệnh nhân mất, lưu quản và thực hiện những công việc về đạo lý, tâm linh của người Việt, đưa đến các cơ sở thực hiện hóa thân, mang tro cốt bàn giao cho từng gia đình. Những việc làm như trên dù có nhiều ý nghĩa, cả về chia sẻ và nhân đạo, nhưng cũng là công việc khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, phải khẳng định, tất cả lực lượng tham gia thực hiện những nhiệm vụ này không một lời kêu ca, phàn nàn, mà làm với cái tâm, tấm lòng và thực sự trách nhiệm.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!