Sau 1 tháng thực hiện Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ ngày 15/8/2021 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có những chuyển biến tích cực dù chưa thể đạt các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Tất cả vì người dân
Trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội vừa qua, thành phố đã tăng tốc xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0 tại vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), vùng nguy cơ cao (vùng cam) và tại các “vùng vàng”, “vùng cận xanh”, “vùng xanh” trên toàn địa bàn thành phố. Chính vì thế, số ca dương tính Covid-19 của thành phố trong thời gian qua có chiều hướng tăng mạnh.
Từ ngày 15/8 đến 12/9, toàn thành phố có 147.088 ca bệnh xác định bằng PT-PCR, trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng hơn 5.000 ca. Qua nhiều vòng test nhanh tại “vùng đỏ”, “vùng cam”, tỷ lệ dương tính đã giảm dần, từ 3,7% ở vòng 1 xuống còn 2,7% ở vòng 2 và còn 1,3% ở lần xét nghiệm vòng 3.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn quận 10. (Ảnh: Mạnh Hảo)
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 6,5 triệu mũi 1 vaccine phòng Covid-19, đạt hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên; mũi 2 tiêm được hơn 1,3 triệu, đạt 19% dân số 18 tuổi trở lên. Thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 2 cho các trường hợp đến hạn tiêm nhằm sớm bao phủ vaccine theo kế hoạch.
Để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh cho người dân, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành mô hình tháp 3 tầng, hiện có 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức cấp cứu với quy mô khoảng 4.600 giường hồi sức và 81 bệnh viện tầng 2 với 60.400 giường bệnh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, công tác điều trị được cải thiện đáng kể; sự liên thông, điều phối bệnh nhân giữa các tầng được triển khai nhịp nhàng, kịp thời. Năng lực điều trị tại các trung tâm hồi sức đã được phát huy, qua đó góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.
TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 - Bệnh viện Dã chiến số 16, cho biết, từ khi đi vào hoạt động, trung tâm đã kiểm soát hiệu quả cơn bão Cytokine ở bệnh nhân trẻ, giúp người bệnh Covid-19 nặng thêm nhiều cơ hội được cứu sống. Với những người trẻ, cơn bão Cytokine mạnh và dữ dội hơn những người lớn tuổi rất nhiều.
Do đó, khi bệnh nhân được chuyển tới, ngay từ giai đoạn đầu khi diễn biến bệnh còn ở mức ranh giới chuyển nặng, đội ngũ bác sĩ của trung tâm đã thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sớm và chỉ định điều trị sớm, đem lại nhiều hy vọng bệnh nhân sẽ có kết quả tốt.
Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người dân quận 10. (Ảnh: Mạnh Hảo)
Cùng với đó, việc quản lý F0 tại nhà tại TP Hồ Chí Minh được Trung ương và các địa phương đánh giá cao, phù hợp với tình hình diễn biến dịch rất phức tạp tại thành phố. F0 được phân loại, tư vấn thường xuyên, tiếp cận với thuốc sớm, hỗ trợ y tế khi có yêu cầu kịp thời. Với mô hình quản lý F0 tại nhà, tăng cường các trạm y tế lưu động… đã giúp cho việc quản lý thu dung, hỗ trợ F0 tại cộng đồng, tại nhà hiệu quả.
“Gần đây, thành phố ghi nhận số ca cấp cứu và tử vong giảm đi. Đây là chỉ số chúng ta đã đạt kết quả và dần dần tiến tới kiểm soát được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và giảm số ca tử vong”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ.
Tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội thì việc chăm lo cho người dân, nhất là những người yếu thế, phải được bảo đảm. Được như vậy người dân mới yên tâm “ở đâu ở yên đó” để thành phố dồn toàn lực chống dịch hiệu quả.
Sau tròn một tháng được thành lập (15/8), đến nay, Trung tâm An sinh TP Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã đưa các hoạt động hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đi vào quy củ, kịp thời.
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu, 1 tháng qua, Trung tâm đã tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu trị giá hơn 107 tỷ đồng.
Lực lượng tình nguyện SOS của Trung tâm An sinh trao quà hỗ trợ cho một người dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Bình Tân. (Ảnh: Quang Quý)
Ngoài việc hỗ trợ các đơn vị, địa phương, nguồn hàng đã được chia thành các túi an sinh để chuyển về hỗ trợ cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, hơn 1,8 triệu túi an sinh đã được trao đến các trường hợp khó khăn trên toàn thành phố. Đồng hành cùng Trung tâm, đội hình 700 tình nguyện viên vận chuyển hàng miễn phí đã kịp thời gửi hơn 13.700 phần quà đến các trường hợp cần cứu trợ khẩn cấp, trong đó có nhiều trẻ em nghèo.
Từ cuối tháng 6 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã chi hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch theo Nghị quyết 09 của HĐND thành phố và Nghị quyết 68 của Chính phủ. Trong đó, thành phố đã chi hỗ trợ 2 đợt cho người lao động tự do, các hộ nghèo, hộ lao động khó khăn với số tiền khoảng 6.500 tỷ đồng.
Dự kiến, sau ngày 15/9, thành phố sẽ thực hiện đợt hỗ trợ thứ ba tính trên đầu người với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng. Việc cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân từng bước được cải thiện tốt hơn…
Bảo đảm những bước đi chắc chắn
Tại hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh (mở rộng) chiều 14/9, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, kết luận: Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp tục giãn cách xã hội để kiểm soát cơ bản nguồn lây trong cộng đồng; tập trung xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để đạt kế hoạch đề ra.
Đây là nhiệm vụ then chốt để kịp thời phát hiện F0 trước khi lây lan rộng. Thành phố tiếp tục điều trị, chăm sóc F0 để giảm tử vong, đây là mục tiêu hàng đầu.
Đại diện UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Linh Đông, TP Thủ Đức trao quà hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn. (Ảnh: Quang Quý)
Theo đó, từ nay đến cuối tháng 9, thành phố sẽ củng cố các kết quả đạt được, trong đó tập trung tiêm vaccine để đạt tỷ lệ mũi 1 cao nhất và đẩy nhanh tiêm mũi 2. Đây là điều kiện quan trọng để nhanh chóng mở cửa lại các hoạt động bình thường cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tập trung củng cố năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, củng cố thêm hoạt động các trạm y tế, y tế dự phòng, y tế công cộng để song song tăng cường hoạt động điều trị ở tầng 2, tầng 3, nâng cao khả năng tiếp nhận điều trị của hệ thống y tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, thành phố đã có sự chuẩn bị với những bước đi chắc chắn để trở lại “bình thường mới”. Quan điểm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, không có tư tưởng chủ quan, không vội vã, nhưng cũng không thụ động ngồi chờ.
Nhắc lại mục tiêu thành lập Trung tâm An sinh thành phố, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu, nhấn mạnh, Trung tâm ra đời nhằm tập trung chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19, không để bất cứ ai lâm vào khó khăn cùng cực. Trong mọi hoàn cảnh luôn nỗ lực bảo đảm ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 6, quận Tân Bình đi chợ giúp người dân trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. (Ảnh: Quang Quý)
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sớm ban hành các chính sách đối với các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, chính sách thu hút mọi nguồn lực xã hội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhất là hệ thống y tế.
Trong phòng, chống dịch, chiến lược y tế là chiến lược quan trọng nhất. Trong xây dựng chiến lược, cần đánh giá điểm mạnh, yếu, rà soát thực trạng của hệ thống y tế từ cơ sở đến tuyến trên để có có sự sắp xếp lại cho phù hợp. Cùng với đó, chiến lược an sinh xã hội phải thực hiện thật tốt. Các cơ quan, ban ngành cần sớm tìm giải pháp để giải quyết những vấn đề phát sinh cho người dân, không cứng nhắc, chậm trễ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thời gian qua, nhiều cấp quận, huyện, phường, xã ở thành phố đã vận động nhiều nguồn để chăm lo đời sống bà con. Điều này rất đáng được biểu dương. Tuy nhiên, một số nơi chưa có cách làm sáng tạo, vì thế, cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm để các đơn vị, địa phương cùng nhau cố gắng, vượt qua khó khăn…