Sở Giao thông Vận tải TP HCM (GTVT) vừa báo cáo UBND TP HCM về việc lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm (quận 1, 3).
|
TP HCM đề xuất thu phí phương tiện khi vào quận 1 và 3. |
Theo đó, Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) - đơn vị lập và là nhà đầu tư dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM - đề xuất dự án, hệ thống thu phí sẽ được xây dựng bao quanh Quận 1, 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Các phương tiện đã dán thẻ RFID khi đi qua các điểm thu phí. Một trung tâm điều hành được xây dựng để điều hành việc thu phí.
Thời gian thu phí áp dụng trong hai khung giờ cao điểm 6h-9h và 15h-19h. Mức phí thấp nhất 40.000 đồng với ô tô con và 70.000 đồng mỗi xe tải, xe khách, bao gồm ô tô biển xanh. Việc thu phí chỉ áp dụng với xe vào khu trung tâm, không thu chiều ra.
Taxi đăng ký tại TP HCM được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe. Nhà đầu tư cho hay, việc này giúp quản lý tốt hơn taxi tại thành phố, giảm ảnh hưởng từ sự phát triển quá nhanh của các loại taxi công nghệ, taxi tỉnh, thành khác hoạt động trên địa bàn.
Xe buýt cùng các loại phương tiện thuộc nhóm ưu tiên như xe cứu hỏa, cứu thương... được miễn phí.
Các mức phí trên sẽ được cập nhật trong báo cáo nghiên cứu khả thi do HĐND TP HCM thông qua.
Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Thị Nghè, Nhiêu Lộc - đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - đường 3 tháng 2 - đường Lê Hồng Phong - đường Lý Thái Tổ - đường Nguyễn Văn Cừ - đường Võ Văn Kiệt - đường Tôn Đức Thắng.
Ngoài ra, một số cổng thu phí bố trí tại các đoạn đường có tình trạng ùn tắc nghiêm trọng gần sân bay Tân Sơn Nhất là đường Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình).
ITD cũng đề xuất thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong thời gian 10 năm với tổng kinh phí 2.274 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ban đầu khoảng 478 tỷ đồng. Tổng chi phí vận hành trong 10 năm (đến năm 2032) là gần 1.800 tỷ đồng.
ITD cam kết tự thu xếp vốn để thực hiện dự án. Cụ thể, nếu được chấp thuận, từ nay đến cuối năm 2021, nhà đầu tư sẽ triển khai đề xuất đầu tư dự án, xin phê duyệt đề xuất đầu tư…
Đến năm 2022, nhà đầu tư sẽ tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xin chủ trương đầu tư, nghiên cứu khả thi dự án... Sau khi dự án được duyệt, UBND TP HCM sẽ công bố và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trong 10 năm trước khi chuyển giao lại cho thành phố.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu giải pháp thu phí xe vào nội đô để hạn chế ùn tắc trong khu vực này như các nước đã thực hiện là cần thiết. Nhưng tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó.
"Về nguyên tắc, khi hạn chế cái này thì phải có cái kia thay thế, để người dân lựa chọn. Hệ thống metro, xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM phải đảm đương được 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân thì mới khuyến khích họ chuyển từ xe cá nhân sang công cộng. Nếu vận tải công cộng chưa đáp ứng được mà vẫn thực hiện thu phí xe cá nhân với mục đích làm khó, hạn chế đi vào khu vực hay ùn tắc thì chưa hiệu quả. Với những việc cấp thiết, người ta vẫn trả phí để đi xe cá nhân, kèm theo đó là sự ấm ức" - ông Quyền nhận định.
"Công nghệ thu phí tự động không phải là mới hay khó tại thời điểm này, vì các trạm thu phí BOT đều đã sử dụng, quan trọng là tổ chức thực hiện" - ông Quyền cho biết thêm.
Trước đó, năm 2011, ITD từng đề xuất thu mức phí 30.000 đồng/lượt đối với xe du lịch và 50.000 đồng/lượt đối với các loại xe còn lại vào trung tâm TP HCM trong khung thời gian 6h-20h hằng ngày.
Năm 2019, TP HCM đã chấp thuận đề xuất của ITD về dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm với 36 cổng thu phí tự động. Sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, dự án vẫn ngưng do có nhiều ý kiến phản đối.
Năm 2020, Sở GTVT TP tiếp tục đề xuất đầu tư 34 cổng thu phí ô tô vào trung tâm, do Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng từ ngân sách. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được triển khai.