Hoạt động do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhằm tưởng niệm nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, tôn vinh cuộc đời và đóng góp to lớn của chị với nền văn học nước nhà.
Nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (19/4/1941 - 8/3/1969) sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp khoa báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức, chị về làm phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam khi vừa tròn 20 tuổi.
|
Nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội) |
Là một phóng viên năng nổ, xông xáo, Dương Thị Xuân Quý luôn có mặt khắp các vùng thành thị, nông thôn miền Bắc. Tháng 3/1965, chị viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Tháng 2/1966, chị lập gia đình. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý luôn có mặt tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh... Tháng 4/1968, chị gửi con gái mới 16 tháng tuổi cho bà ngoại để vào chiến trường miền Nam.
Đêm 8/3/1969, Dương Thị Xuân Quý anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) trong một trận càn quét ác liệt, khi chị cùng đồng đội từ dưới hầm bí mật bò lên cố tìm cách thoát ra khỏi vòng càn.
Những hy sinh, cống hiến của Dương Thị Xuân Quý được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý được cấp bằng Tổ quốc ghi công tháng 5/1972. Với 28 tuổi đời, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã để lại một số tác phẩm văn học, như "Về làng" (truyện ngắn đầu tay-1960), "Chỗ đứng" (tập truyện ngắn-1968), "Hoa rừng" (gồm các truyện ngắn, bút ký viết trên miền Bắc và trong thời ở miền Nam). Chị đã được được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật tháng 2/2007 với 2 tác phẩm "Chỗ đứng” và “Hoa rừng”.
Tại buổi lễ tưởng niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Dương Thị Xuân Quý, một phụ nữ Thủ đô quen sống dưới ánh đèn phố thị đã âm thầm chuẩn bị cho mình một tiềm năng kỳ lạ để chọn “chỗ đứng” giữa những con người bình thường mà phi thường trong “mắt bão” chiến tranh. Chị anh dũng hy sinh khi vừa 28 tuổi. Tên tuổi, sự nghiệp của Dương Thị Xuân Quý đã đi vào ký ức của người đọc, làm vẻ vang cho thế hệ các nhà văn chống Mỹ. Chị là “đóa hoa rừng” đẹp mãi với thời gian.