Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU về việc tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của thành phố.
Chỉ thị mới được ban hành trong khi
TP Hà Nội đã trải qua 40 ngày thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, một số địa phương còn lỏng lẻo chống dịch, còn có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong".
|
TP. Hà Nội siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong ngày lễ 2/9. |
Đặc biệt, số ca mắc COVID-19 từ ngày đầu bùng phát dịch (27/4) đến nay trên địa bàn TP đã vượt 3.500 ca, vẫn còn phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng. Người từ vùng dịch về Hà Nội vẫn rất khó kiểm soát, nhất là qua đường mòn, lối mở, đường thủy, đường sắt… người dân ra đường vẫn còn đông.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu toàn TP tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc việc giãn cách xã hội. Kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chốt ra vào TP, các chốt của quận, huyện, thị xã và tại cơ sở, đường mòn, lối mở, đường thủy, đường sắt; siết chặt kiểm tra người và phương tiện, không để lọt người từ các vùng có dịch vào TP mà không được kiểm tra dịch tễ; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.
Các đơn vị có giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là tại các khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong".
Yêu cầu siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường, xử lý nghiêm nếu phát hiện việc cấp và sử dụng giấy đi đường sai quy định phòng chống dịch; tổ chức triển khai mô hình "Gia đình an toàn COVID-19", hướng dẫn, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, "ai ở đâu, ở đó".
Đối với khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam", Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn TP theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn.
Đối với khu vực "vùng xanh", các địa phương phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam".
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, ưu tiên các đối tượng có nguy cơ cao, các vùng phong tỏa, cách ly, nhằm bóc tách triệt để các ca F0, truy vết F1 để chuyển cách ly tập trung;
Tại các khu vực có nguy cơ rất cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần; tại các khu vực có nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần; các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Đối với việc tiêm vắc xin, cần đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin với sự tham gia của các bệnh viện tuyến Trung Ương, bệnh viện của các bộ, ngành, y tế tư nhân, y tế cơ sở.
Chủ động sẵn các khu cách ly tập trung bảo đảm trên 100.000 chỗ cho các đối tượng F1, kiểm tra, rà soát sẵn sàng tăng công suất cách ly để đáp ứng yêu cầu thực tế; khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19