Cách đây 8 năm, một chàng trai Mỹ gốc Việt đi từ Hà Nội đến TP HCM không mang theo “một xu dính túi” để chứng minh cho cả thế giới biết rằng, người Việt Nam vô cùng tốt bụng và dễ mến.
Thực tế lòng tốt, sự tử tế không cần phải chứng minh. Bởi tính tốt vốn là một trong những phẩm chất quý báu của người Việt, có thể dễ dàng thấy ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh. Nhất là khi đất nước gặp thiên tai, dịch họa, lòng tốt của mỗi con người trỗi dậy, mạnh mẽ lan tỏa và tạo nên sức mạnh giúp người Việt vượt qua những khó khăn, thách thức, dù khốc liệt đến đâu.
Trận “Đại hồng thủy” mới đây tại một số tỉnh miền Trung tiếp tục là một minh chứng về tính tốt của người Việt.
|
Ca sĩ Thủy Tiên đã tích cực lan tỏa tính tốt của người Việt. |
Đồng bào miền Trung đang phải trải qua thảm họa lũ lụt lịch sử. Gọi là thảm họa bởi đến thời điểm hiện tại, hơn trăm người đã thiệt mạng và hàng chục người đang mất tích, tính mạng vô cùng mong manh. Nước lũ những ngày qua đã nhấn chìm hàng trăm nghìn ngôi nhà, khiến gần 100 nghìn người phải đi sơ tán. Nhiều người dân mất hết nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thậm chí chút lương thực tích trữ trong nhà cũng bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng. Thiệt hại không sao đong đếm được.
Đối với người dân miền Trung, mưa lũ đến hẹn lại lên nhưng đợt mưa lũ lần này, không ai có thể lường được lại nặng nề đến thế. Chỉ trong vòng 1 tháng, 8 tỉnh, thành phố miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, hai đợt mưa lớn kéo dài, lũ lớn vượt mức lịch sử trên 14 tuyến sông. Lũ lụt thường kéo theo những câu chuyện đau lòng khi cả một gia đình bị sạt lở vùi lấp, vợ chồng sinh ly tử biệt do người vợ bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi sinh, có gia đình có người qua đời đành phải treo quan tài sát nóc nhà, nơi duy nhất nước lũ chưa dâng đến, những mái ngói bị dỡ bỏ vài viên, nhìn kỹ chỉ thấy cánh tay những người đang cầu cứu… Nhiều người được sơ tán đến những căn nhà cao hơn trong thôn nhưng lại đối mặt với sự đói khát giữa biển nước ngầu đục vẫn đang cuộn chảy...
Chứng kiến cảnh tượng ấy, cả nước lại thêm một lần mất ăn mất ngủ, nỗi lo lắng thường trực hướng về miền Trung, lòng tốt thôi thúc sự hành động, người dân cả nước bằng những hành động thiết thực nhất đã cùng nhau hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt.
Tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, "thương người như thể thương thân"– vốn là truyền thống lâu đời, nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của người Việt thêm một lần nữa lan tỏa mạnh mẽ. Phong trào quyên góp ủng hộ miền Trung được phát động từ Trung ương xuống địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp các nhà hảo tâm đã có những hành động từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ kịp thời đồng bào miền Trung trong lúc gian khó nhất.
Trên mạng xã hội những ngày qua, người dân đã chia sẻ những hình ảnh đồng bào miền Trung gian khó trong mưa lũ và kêu gọi cùng chung tay hướng về miền Trung. Đó không chỉ là những lời nói suông trên thế giới ảo mà bằng những hành động từ thực tế. Ca sĩ Thủy Tiên là một điển hình. Chỉ trong một tuần lễ kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung trên mạng xã hội cùng với sự lăn lộn, bất chấp gian khổ nơi rốn lũ để hỗ trợ trực tiếp người dân gặp họa, nữ ca sĩ đã nhận được sự tin tưởng có các mạnh thường quân. Số tiền quyên góp lên đến 100 tỷ đồng. Tấm lòng nhân lên những tấm lòng, lòng tốt lan tỏa tạo nên hiệu ứng tích cựu và người dân vùng lũ vơi bớt đi những khó khăn.
Thực tế, không chỉ Thủy Tiên hay những nghệ sĩ, doanh nhân, những người nổi tiếng mà ngay cả những người dân bình dị cuộc sống với họ vốn khó khăn cũng sẵn sàng kêu gọi chung tay giúp đỡ miền Trung. Không ít cá nhân, tổ chức đã quyên góp vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống trước mắt về với người dân vùng lũ. Những chuyến xe nặng nghĩa đồng bào vượt qua lũ bão ngày ngày hướng về với khúc ruột miền Trung. Nghĩa cử cao đẹp đó luôn sẵn tiềm ẩn trong mỗi con người và luôn lan tỏa trước hoạn nạn của những người khác.
Thêm hình ảnh nức tình người khác, những ngày qua, nhiều người dân ở nhiều địa phương đã tự quyên góp, gói bánh chưng, gửi gắm tình cảm đến bà con miền Trung.
Từ thị trấn Quảng Phú, Huyện Cưmgar, Đắk Lắk đến Nghệ An và làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội)… là cảnh người dân tất bật gói bánh tét, bánh chưng thơm mùi nếp mới để nhanh chóng gửi bánh vào miền Trung giúp người dân vượt qua cơn đói khi gạo không thể nấu thành cơm, chỉ còn cách nhai mì tôm sống nếu được hỗ trợ từ một đoàn nào đó.
Cũng trên mạng xã hội, người ta thường hỏi nhau rằng, đồng bào vùng lũ đang cần gì, đang thiếu gì để họ quyên góp mang vào hỗ trợ, những thông tin về người dân cần cứu giúp, những lời đáp lại bằng hành động, lòng tốt đơn giản như vậy mà đậm nghĩa, đậm tình.
Những ngày miền Trung lũ lụt, mạng xã hội cũng tràn ngập hình ảnh cảm động khi nhiều người quên mình để cứu hộ người dân đang chới với trên nóc nhà khi nước lũ mỗi lúc một dâng cao, nhiều người đã thức trắng đêm cứu hộ những nạn nhân của sạt lở, lũ lụt. Ngư dân vùng biển xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã huy động hàng chục tàu thuyền đi cứu dân vùng ngập sâu.
Cùng với đó, ngay tại vùng lũ, những gia đình có nhà kiên cố hơn luôn sẵn sàng biến nhà mình thành nơi cưu mang những người dân nhà bị ngập nước, chia sẻ đồ ăn, thức uống dù trong lương thực tích trữ trong nhà không còn nhiều. Có những chủ khách sạn sẵn sàng đón nhận các hộ gia đình ngập lụt đến ở miễn phí và có những quán cơm sẵn sàng phục vụ miễn phí những đoàn đi cứu trợ. Lòng tốt cứ vậy lan tỏa.
Mỗi người một hành động, một cách chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung nhưng đều có điểm chung là có tấm lòng cao cả, tương thân tương ái, giúp đỡ, cho đi những ân tình mà không bao giờ mong được nhận lại hay cần ai vinh danh. Đó là biểu hiện rõ ràng của tính tốt người Việt, luôn sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”. Với những đồng bào miền Trung ngập lụt, lúc này bất cứ sự sẻ chia nào cũng đều đáng trân trọng. Bởi họ đang phải đối mặt với sự khốn cùng khi ngôi nhà họ ở không đủ chống chọi với nước lũ, khi hoa màu, vật nuôi, tài sản của họ cũng theo dòng nước lũ trôi đi hoặc hư hại. Thậm chí đến sinh mạng cũng có thể bị nước lũ cướp đi bất cứ khi nào nếu không được cứu hộ kịp thời đến chỗ lánh nạn.
Tiếc rằng, vẫn có người nghi ngờ về lòng tốt của con người trong xã hội, về tình người trong lũ bão nhưng không phải vì thế mà lòng tốt mất đi. Bởi lòng tốt được thể hiện bằng sự hành động và tạo ra sự tích cực mạnh mẽ xua đi những suy nghĩ tiêu cực của một số người. Với người dân miền Trung những người giúp họ trong lúc gian khó nhất của cuộc đời là những người có lòng tốt và không ai có thể khiến người dân vùng lũ nghi ngờ những con người hết lòng vì họ như vậy.
Lòng tốt đơn giản lắm, nó là sự hành động của mỗi con người để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình để “không ai bị bỏ lại phía sau” và không để ai phải đói rét trong lũ bão.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thời tiết miền Trung diễn biến xấu, gây khó khăn cho việc cứu trợ