|
Ảnh: Người Lao động |
Ông Nguyễn Đình Xứng, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã đưa ra quan điểm trên sau khi có các thông tin về việc trong quá trình nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19, người dân địa phương phát hiện nhiều hộ khá giả vẫn thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ông Xứng cũng cho biết thêm, Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, có nhiều đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ trong gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ, nên ngay sau khi có Nghị quyết số 42/NĐ/CP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành chức năng đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương kiểm tra, rà soát đối tượng, chuẩn bị đủ nhân lực, kinh phí để cấp phát cho người dân đúng đối tượng, nhanh chóng, nhằm hỗ trợ kịp thời, giải quyết khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
|
Cơ bản, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được bình xét là đúng quy định. Một số nơi có tình trạng du di, đưa người chưa đúng tiêu chí vào danh sách hộ cận nghèo. Hiện tỉnh Thanh Hoá đang thực hiện rà soát toàn bộ, đưa những hộ không đủ tiêu chí ra khỏi danh sách. |
Trong quá trình cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ, tại nhiều địa phương xuất hiện nghĩa cử cao đẹp của người dân là tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, dành số tiền này trả lại ngân sách Nhà nước để giúp đỡ những người khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong khi thực hiện, tại một số huyện có tình trạng cán bộ xã tự ý in sẵn mẫu đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ; hoặc có nơi cán bộ thôn đến vận động người dân không nhận hỗ trợ. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, báo chí, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn hỏa tốc gửi đến các địa phương để chỉ đạo và đã chấn chỉnh ngay việc này.
Theo đó, trong quá trình cấp tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân, huyện nào, xã nào, thôn nào mà vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ là không đúng với quan điểm, chủ trương của tỉnh. Đối với những trường hợp người dân bị cán bộ cơ sở vận động không nhận tiền hỗ trợ, trong khi người dân không tự nguyện, thì phòng LĐTB&XH huyện và cán bộ UBND xã phải mời số người dân này lên xã để trả lại tiền hỗ trợ cho dân.
Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh Thanh Hóa có 707.300 đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 711,3 tỉ đồng. Đến ngày 17/5, đã có 409.932 người được nhận tiền hỗ trợ, với tổng kinh phí đã chi trả là hơn 627 tỉ đồng, đạt 88,2% kế hoạch. Dự kiến, Thanh Hóa sẽ kết thúc chi trả đợt này vào ngày 20/5.
Theo số liệu thống kê, tổng hợp nhanh của các huyện, thị xã, thành phố trong đợt chi trả hỗ trợ này, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 4.000 người tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước. Sở LĐTB&XH đã cử 3 đoàn công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh xuống 3 huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Quảng Xương để kiểm tra, giám sát trực tiếp tại một số xã và đối thoại trực tiếp với một số người dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.
Tại cơ sở, cơ quan chức năng ghi nhận người dân hoàn toàn tự nguyện không nhận hỗ trợ, với mong muốn được nhường lại cho người khó khăn hơn mình, góp phần cùng nhà nước đẩy lùi dịch COVID-19. Số tiền người dân tự nguyện không nhận, sau khi kết thúc đợt chi trả này, các địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh để hoàn trả lại ngân sách Nhà nước.
Về thông tin, có nhiều hộ cận nghèo nhưng ở nhà tiền tỉ, ông Lê Đình Phương - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia cho biết, xã hiện có 1.283 hộ cận nghèo. Trước đó, các thôn thực hiện nhiệm vụ bình xét hộ nghèo, cận nghèo. Các hộ cận nghèo thường là gia đình có người già, hoặc có con đang ở tuổi đến trường.
Có tình trạng, khi họp thôn, người dân tự thống nhất với nhau, nhường suất “hộ cận nghèo” cho các hộ gia đình có con đi học để được miễn giảm học phí, vay vốn ngân hàng chính sách - xã hội. Phần lớn số hộ nghèo, cận nghèo của xã là đúng đối tượng. Nhưng cũng có gia đình khá giả vẫn thuộc hộ cận nghèo là không đúng đối tượng. UBND xã đang rà soát lại hộ cận nghèo, nếu hộ nào không đúng đối tượng, xã sẽ rút khỏi danh sách hộ cận nghèo.
Trong khi đó, tại thôn Thành Thường, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa còn có nhiều hộ nghèo bị sáp nhập với các hộ nghèo khác, để tỉ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống mức dưới 2,5%, nhằm mục đích đủ điều kiện công nhận “nông thôn mới”. Vụ việc này bị người dân phát hiện sau khi các hộ nghèo đến nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhưng chưa nhận được tiền vì nhiều hộ bị sáp nhập vào các hộ khác.
Theo ghi nhận ở một số địa phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do lúc họp thôn để chấm điểm, nhiều người dân trong thôn là anh em, họ hàng với nhau đã nhường cho người trong họ của mình được là hộ cận nghèo, để con cái đi học được miễn giảm học phí, có thẻ bảo hiểm y tế khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh và được vay vốn ngân hàng chính sách - xã hội với mức lãi suất ưu đãi…
Như Tiền Phong đã đưa tin trước đó, Ban thường vụ huyện ủy Thiệu Hoá vừa đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ lãnh đạo của địa phương nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Hách Văn Thắng - bí thư đảng ủy và một số cán bộ xã Thiệu Thành, vì có người thân trong danh sách hộ cận nghèo.
Ban thường vụ huyện ủy quyết định dừng tổ chức đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Trước đó, theo kế hoạch, đại hội Đảng bộ xã này sẽ tổ chức vào ngày 20 và 21/5.