Tình hình nuôi chim yến và phương hướng quy hoạch

Google News

(Kiến Thức) - Phát triển các hang đảo yến mới vùng ven biển các tỉnh Duyên hải là nhiệm vụ quan trọng cấp bách để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam.

Chim yến Hàng (Aerodramus fuciphagus) là loài chim phân bố ở vùng Đông Nam Á, trong đó phân loài Aerodramus fuciphagus Germani là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam (từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Phú Quốc). Đây là loài cho tổ chim yến đảo thiên nhiên có chất lượng cao hàng đầu thế giới và chúng thường làm tổ trong hang, nẻ vách núi. Trong đó, Khánh Hòa là tỉnh tập trung số lượng quần thể chim yến đảo phát triển ổn định và lớn nhất nước.
Chim yến đảo. 
Tình hình phát triển chim yến đảo
Qua kết quả khảo sát hang đảo yến năm 2014 của Công ty Yến sào Khánh Hòa, toàn quốc có khoảng 237 hang yến lớn nhỏ. Trong đó: Khánh Hòa có 169, Bình Định 16, Quảng Nam 9, Quảng Bình 4, Quảng Ngãi 3, Phú Yên 13, Ninh Thuận 9 và Côn Đảo có 14 hang.
Phát triển các hang đảo yến mới vùng ven biển các tỉnh Duyên hải là nhiệm vụ quan trọng cấp bách để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Đối với các hang đảo đang có điều kiện và có cấu trúc phù hợp, cần triển khai công tác bảo vệ và thực hiện các giải pháp kỹ thuật tối ưu nhằm thu hút, gia tăng quần thể chim yến về các hang đảo này. Khảo sát vùng biển có các hang có cấu trúc phù hợp để phát triển hang yến mới. Tiến hành các giải pháp kỹ thuật cải tạo lòng hang, mặt bằng lòng hang nhằm tạo cấu trúc tối ưu phù hợp vòng đảo lượn của chim yến, đảm bảo hội đủ các điều kiện của hang yến tự nhiên nhân tạo mới. Thực hiện ấp nở chim yến hàng theo các phương pháp đã ứng dụng thành công tại Khánh Hòa và trên toàn quốc, tạo nguồn giống chim yến chủ động, ổn định, bí quyết kỹ thuật di đàn đến các hang đảo ở vùng biển duyên hải toàn quốc.
Bên trong nhà yến của công ty Yến Khánh Hòa. 
Tình hình phát triển nuôi chim yến nhà
Qua kết quả điều tra khảo sát mới nhất, điều kiện khí hậu, thời tiết của Việt Nam rất lý tưởng cho việc phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Với sự giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 36 Tỉnh thành trên cả nước, chúng tôi đã tiến hành điều tra khảo sát tính tới tháng 5/2014, thống kê được khoảng 2.614 nhà yến.
Số lượng các nhà yến trên cả nước phân bố chủ yếu ở 3 vùng đó là: Nam Trung Bộ với 730 nhà yến chiếm 27,93%; Đông Nam Bộ với 856 nhà yến chiếm 32,75% và vùng Tây Nam Bộ với 962 nhà yến chiếm 36,80%.
Điều này là do các vùng này đã có cơ sở chim yến đảo và chim yến nhà phát triển từ lâu, do điều kiện khí hậu từ các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào phía Nam phù hợp cho chim yến sinh sống và có nguồn thức ăn dồi dào. Các tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ, Đồng Bằng Sông Hồng tuy có nguồn thức ăn dồi dào với các cánh đồng hoa màu, ruộng lúa, nhưng hệ thống sông ngòi, bờ biển phía đông bao quanh, điều kiện thời tiết không ổn định, biên độ dao động nhiệt lớn (quá nóng về mùa hè và quá lạnh về mùa đông), thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, ảnh hưởng phát triển quần thể chim yến.
Tầm quan trọng của công tác quy hoạch
Thế kỷ 21 là thời điểm tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam. Quần thể chim yến ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh từ nguồn giống ấp nở nhân tạo, nhân đàn là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nuôi chim yến.
Bản đồ phân bố chim yến ở Việt Nam. 
Từ năm 2004 trở lại đây, ở nước ta chim yến đã vào sinh sống làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang và các tỉnh phía tây như Bình Phước, Đắk Lắk. Chim yến nhà ngày càng phân bố rộng khắp các địa phương trong cả nước, nghề nuôi chim yến đã và đang phát triển. Việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến. Lượng nhà nuôi chim yến được xây dựng bùng phát tại các địa phương đã tạo nên một làn sóng mới.
Hiện nay, nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát không có định hướng, địa phương chưa có quy hoạch cụ thể do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị. Quá trình đô thị hóa và nạn phát rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của chim yến. Điều kiện tự nhiên ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn so với trước đây, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, các cơn bão mạnh xuất hiện với tần suất cao hơn.
Chính vì vậy cần định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên.
Qua khảo sát Việt Nam có lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi chim yến. Theo báo cáo đánh giá của Công ty Yến sào Khánh Hòa tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến ở các tỉnh Nam Trung Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn bởi vì điều kiện tự nhiên ở đây rất thuận lợi. Hội đủ các yếu tố cho chim yến phát triển và năng suất nhà yến đạt hiệu quả cao.
Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế. Thức ăn chủ yếu của chim yến là côn trùng bay như rầy nâu, rầy xanh, mối, côn trùng bay trong thiên nhiên. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông.
Đối với các tỉnh, thành phố đã nuôi yến cần đẩy mạnh phát triển, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu suất, hiệu quả kinh tế. Đối với các tỉnh, thành phố có tiềm năng nuôi chim yến hoặc các tỉnh, thành phố chưa nuôi chim yến khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển tại địa phương.
Phát triển quần thể chim yến tại các tỉnh, thành phố có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu đáng kể, giúp bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển có lợi cho đời sống con người.
Dọc bờ biển nước ta còn có nhiều hang đảo có tiềm năng nuôi chim yến. Do đó phải triển khai áp dụng các giải pháp khoa học, thành tựu khoa học để cải tạo và phát triển các hang đảo này thành nơi nuôi chim yến. Giải quyết được các vấn đề này sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc phát triển kinh tế ở địa phương gắn liền với việc bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo.
Tại các tỉnh thành, tiến hành quy hoạch chi tiết các tiểu vùng địa phương thuộc các xã, phường thuộc các quận huyện có điều kiện phát triển ngành nghề nuôi chim yến. Công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến tại các địa phương phải được tiến hành do UBND tỉnh, Thành phố chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội. Công tác khảo sát quy hoạch vùng các địa phương cấp cơ sở thực hiện đồng bộ và phải đảm bảo khẩn trương hoàn thành trong năm 2015 để xây dựng chiến lược phát triển nghề nuôi chim yến giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Số lượng nhà yến toàn quốc đến năm 2020 cả nước ta phấn đấu đạt 10.000 ngôi nhà yến với sản lượng yến sào xuất khẩu khoảng 200 tấn thành phẩm, giá trị kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD/năm.
Xây dựng làng nghề truyền thống nuôi chim yến với đặc trưng nhà yến kết hợp vườn sinh thái tại các vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng Nam bộ tạo nên những khu tham quan du lịch mang bản sắc văn hóa Á Đông.
Xây dựng, đào tào và phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành nuôi chim yến.
Nghiên cứu khoa học chuyên sâu lĩnh vực công nghệ chế biến sản phẩm đầu ra đảm bảo tích lũy giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển ngành nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững, ngành nghề đồng hành cùng sự phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ở Việt Nam, nhiều địa phương có tiềm năng phát triển yến sào. Trong đó, Khánh Hòa với lợi thế về ngành nghề khai thác yến sào truyền thống và lâu đời, quần thể chim yến với số lượng ngày càng tăng do công tác bảo vệ và khai thác có cơ sở khoa học và kỹ thuật công nghệ mới được ứng dụng.
Bên cạnh đó, loài chim yến sinh sống trong nhà (Aerodramus fuciphagus Amechanus) đã được Công ty Yến sào Khánh Hòa quản lý phát triển từ năm 2004 thực hiện “Dự án thực nghiệm nuôi chim yến trong nhà”, thành công trong ấp nở nhân tạo đã góp phần phát triển mạnh mẽ quần thể, nguồn giống chim yến nhà.
Đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nhân nuôi thành công trong toàn tỉnh và các tỉnh trên toàn quốc. Từ đây, đã mở ra triển vọng to lớn cho phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật chuyên ngành yến sào, là đơn vị truyền thống có bề dày kinh nghiệm, đã ứng dụng thành công khoa học trong công tác quản lý, khai thác và phát triển di đàn.
Công ty mong muốn là đơn vị thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật nuôi chim yến, phát triển thành một nghề mới đem lại công ăn việc làm cho người dân và tăng thu nhập, nộp ngân sách cho tỉnh.
Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thường trực UBND các tỉnh, thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở ban ngành của các tỉnh, thành phố, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Yến sào Khánh Hòa thực hiện công tác phát triển nghề nuôi chim yến tại các địa phương nhằm góp phần đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững.
PV

Bình luận(0)