Tin đồn về lâu đài “con ma nhà họ Hứa” ở Long Hải

Google News

Qua khỏi Dinh Cô (Long Hải, Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu), anh xe ôm chỉ cho tôi xem một lâu đài xây dựng trên triền núi: "Lâu đài ma ở Long Hải đó chú".

Anh xe ôm chở tôi theo con đường dọc biển. Qua khỏi Dinh Cô (Thị trấn Long Hải, H. Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), anh chỉ cho tôi xem một lâu đài xây dựng trên triền núi: "Lâu đài ma ở Long Hải đó chú". Tôi ngước nhìn, đó là một lâu đài sừng sững hướng về biển uy nghi và trầm mặc...
Lâu đài tuyệt đẹp bỏ hoang
Tọa lạc trên ngọn đồi có diện tích hơn 6.000m2, tòa lâu đài được xây dựng theo kiến trúc cổ điển của Pháp. Vật liệu chính để hình thành là đá xanh và gạch kiểu Pháp. Lâu đài có qui mô hai tầng, có 6 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà bếp, với khoảng 100 cửa sổ lớn nhỏ toàn bằng gỗ dầu.
Không biết trước khi có lâu đài, ngọn đồi này có tên là gì nhưng từ khi công trình này hình thành, người dân địa phương đặt cho cái tên là "đồi chú Hỏa" và "lâu đài chú Hỏa" theo tên chủ nhân của nó.
 Lâu đài chú Hỏa
Tôi hỏi anh Hùng về lai lịch của tòa nhà được anh cho biết: "Tòa lâu đài này có thể trên cả 100 năm tuổi. Chủ nhân của nó được nghe kể lại là một người Hoa có tên là Hui Bon Hoa (Hứa Bổn Hòa, thường gọi chú Hỏa). Ông xây dựng tòa lâu đài này làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình".
Được biết chú Hỏa (1845-1901) là một thương gia có công rất lớn trong sự hình thành bộ mặt Sài Gòn Chợ lớn vào thời sơ khai. Cha mẹ ông là người Hoa quê ở tỉnh Phúc Kiến đã di tản xuống phương nam để tránh sự cai trị của nhà Thanh.
Bằng một gánh ve chai (người bắc gọi là đồng nát), ông khởi nghiệp và vươn lên. Có được số vốn, ông chuyển sang cầm đồ. Nhờ cầm đồ ông mới tạo được một vài căn nhà rồi bằng sự tính toán khéo léo chẳng mấy chốc ông có trong tay trên 30.000 căn nhà trải rộng trên khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định...
 Những nẻo đường lên lâu đài bị chặn bằng những tấm tôn (mũi tên)
Trong đó có tòa lâu đài này. Đứng ở dưới đường nhìn lên, nhiều lối dẫn lên lâu đài đã bị ngăn chặn bằng những tấm tôn chắc chắn. Nhìn lên, một công trình kiến trúc hiên ngang trước gió. Những khung cửa bị tháo mất tạo nên những khoảng trống vô hồn. Những vết đập phá còn đó loang lỗ ẩm mốc. Cả một công trình trải qua hơn một thế kỷ giờ không còn sức sống ...
Anh Hùng, người lái xe ôm, cho biết đã có nhiều người ban đêm liều mình vào đây cầu cơ, xin con số đánh đề.
Tiếng đồn vang xa khiến cho những người có máu me cờ bạc đề đóm tìm đến. Nhưng rồi sau đó - cũng theo các tin đồn - cơ có những yêu cầu mà người cầu không thể đáp ứng nên đã bị thua. Nhiều người thua đến sạt nghiệp nên họ cũng thưa đến.
Ở vị trí quá đẹp, tòa nhà với kiến trúc cổ điển mang đậm nét nghệ thuật phương Tây nhưng lại không một bóng người qua lại. Lý giải cho sự vắng lặng này là những tin đồn đầy ám ảnh mà người dân nơi đây còn lưu truyền.
Tin đồn rợn người
Đó là những câu chuyện được thêu dệt xung quanh tòa lâu đài một cách hoang tưởng. Có người kể lại đêm đêm nghe nhiều tiếng hú trong lâu đài vọng ra, rồi những bóng trắng lượn qua lượn lại trên cây, trên mái nhà.
 Chú Hỏa Hui Bon Hoa (1845 - 1901, ảnh internet)
Người dân ở đây còn đồn rằng, vào một đêm, nhóm thợ tu sửa tòa nhà ở lại mắc võng trên cây để ngủ. Bất ngờ, sáng hôm sau những người thợ này thấy mình thức dậy trên con đường dẫn vào tòa nhà. Cũng theo lời đồn, một số khách du lịch chụp được những tấm hình ma trong lâu đài.
Những tin đồn thất thiệt này ít nhiều cũng làm cho bà con trong vùng bán tín bán nghi và không còn nhiều người bén mảng đến.
Thêm vào đó, năm 1972 đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng đoàn làm phim “Con ma nhà họ Hứa" từ Sài Gòn xuống đây thực hiện các cảnh quay.
Bộ phim kể lại câu chuyện một cô gái xấu xí vốn là con gái duy nhất của chú Hỏa bị bệnh phong cùi được đưa từ Sài Gòn xuống nhốt trong lâu đài. Bộ phim hấp dẫn tạo dựng nhiều tình tiết ly kỳ nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng là lâu đài ngày càng trở nên hoang vắng.
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, vào khoảng thập niên 1960 gia đình chú Hỏa sang Pháp định cư. Một phụ nữ ở Sài Gòn đã thuê tòa lâu đài để kinh doanh. Lâu đài biến thành khách sạn sang trọng trong đó có nhà hàng phục vụ ăn uống.
Khách sạn thu hút được nhiều khách đến vui chơi nghỉ dưỡng. Thế nhưng, đến năm 1965 chiến sự ác liệt công cuộc kinh doanh ngày càng khó khăn, bà sang lại cho người khác. Người này tiếp quản ra sức chỉnh trang nhưng không cải thiện được gì.
Đến năm 1986, công ty du lịch Đồng Nai tiếp nhận lâu đài. Khách sạn Palace ra đời với những chỉnh trang hoàn thiện với 18 phòng ngủ, 1 nhà hàng, 1 nhà bếp, 1 sân tennis. Ở vào một vị trí khá tốt - trên ngọn đồi nhìn ra biển, với những tiện nghị đặc biệt nhất nhưng rồi không có được bao nhiêu khách đến. Palace phải chịu chung số phận với những lần kinh doanh trước, khách sạn đóng cửa.
Hậu quả là tòa lâu đài ngày càng hoang vu những phiến đá đã rêu phong. Những mảng tường không còn lớp vôi phủ bên ngoài đã bạc màu. Dấu ấn của thời gian phủ kín lâu đài. Không một bóng người lai vãng, tòa nhà trở nên vắng vẻ đến lạnh lùng.
Hiện nay, khi chúng tôi có mặt nơi đây, những nẻo đường vào tòa nhà đều bị chặn lại bằng những tấm tôn vững chãi. Nhìn lên, một công trình kiến trúc hiên ngang trước gió. Những khung cửa bị tháo mất tạo nên những khoảng trống vô hồn. Những vết đập phá còn đó loang lỗ ẩm mốc. Cả một công trình trải qua hơn một thế kỷ giờ không còn sức sống ...
Theo Vietnamnet

Bình luận(0)