Đối mặt nhiều nguy cơ bị huỷ hoại
Khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất, TP Nha Trang có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng, đang trong quá trình phục hồi tốt. Những ngày qua, thủy triều xuống thấp làm lộ rõ nhiều rạn san hô đẹp như một bức tranh có nhiều màu sắc, thu hút sự hiếu kỳ của người dân địa phương và du khách. Đây chính là thời điểm hệ sinh thái san hô, thảm cỏ biển bị uy hiếp nhiều nhất.
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, từ 16h-18h hàng ngày là khoảng thời gian thủy triều xuống thấp nhất, nhiều người đã đến đây, dẫm đạp lên các rạn san hô và bắt các sinh vật biển. Đây là trải nghiệm mới mẻ khiến du khách, đặc biệt là các em nhỏ thích thú nhưng lại vô tình khiến các rạn san hô đối diện với nhiều nguy cơ bị hư hại.
|
Thủy triều xuống thấp lộ rõ các rạn san hô tại biển Hòn Chồng.
|
Chị Thanh Thảo (người dân TP Nha Trang) cho biết, hai năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ít có du khách đến tham quan tại Hòn Chồng nên rạn san hô ở đây đang dần được phục hồi. Kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, du khách đến Hòn Chồng tắm biển, trải nghiệm các hoạt động thể thao trên biển rất đông, nhiều người đã vô tư dẫm đạp lên san hô khiến nhiều loài bị vỡ.
“Các cơ quan chức năng cần có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh người dân, du khách lội trực tiếp xuống gần các rạn san hô. Có như vậy mới bảo vệ được hệ sinh thái này”, chị Thảo bày tỏ.
Tăng cường bảo vệ san hô
Trước thực trạng thảm san hô nguy cơ bị hủy hoại, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển và rạn san hô khu vực biển Hòn Chồng.
|
Nhiều người dân và du khách hiếu kỳ lội ra xa bắt các sinh vật biển, dẫm đạp lên rạn san hô.
|
Ban Quản lý vịnh Nha Trang khuyến cáo người dân và du khách chỉ được vui chơi, tắm biển trong khu vực quy định. Không nên dẫm đạp, bẻ san hô, bắt ốc, cá và các loài thủy sản khác, chèo thuyền gây tác động đến hệ sinh thái rạn san hô… Đối với các trường hợp vi phạm sẽ bị đội tuần tra, kiểm tra và lập biên bản xử lý hành chính.
Khu vực biển Hòn Chồng - Đặng Tất là số ít khu vực biển có rạn san hô gần bờ trên địa bàn TP Nha Trang và là nơi cư trú, sinh sản của rất nhiều loài sinh vật biển.
Nơi đây hiện có diện tích san hô khoảng 4,8 ha đang phát triển tốt, có độ phủ san hô tạo rạn trung bình toàn vùng là 32,4%, có sự đa dạng về thành phần loài san hô tạo rạn đang trong thời gian phục hồi khoảng 5-10 năm tuổi; trong đó đã xác định được tổng số 62 loài san hô thuộc 12 họ tại khu vực giám sát và ghi nhận được 24 họ và 43 loài cá rạn sinh sống.
|
TP Nha Trang sẽ xử phạt nghiêm các hành động dẫm đạp lên rạn san hô.
|
Qua khảo sát hiện trạng rạn san hô khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất cho thấy tình trạng sức khỏe san hô khu vực này rất tốt. Ban Quản lý vịnh Nha Trang tiếp tục đề xuất một số biện pháp quản lý hiệu quả rạn san hô khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất như: Đặt biển hiệu tuyên truyền và camera giám sát, bảo vệ rạn san hô; thành lập tổ công tác tuần tra và tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái biển khu vực Hòn Chồng.
Ban Quản lý vịnh Nha Trang đề xuất UBND TP Nha Trang cho phép lắp bảng hiệu tuyên truyền hướng dẫn người dân không vào khu vực có rạn san hô, không giẫm đạp, bẻ lấy san hô... tại khu vực này.