Những câu chuyện xoay quanh “chồng”
Du khách đến tham quan hòn Chồng chắc chắn sẽ thắc mắc về từ “chồng” ở đây có nghĩa trong từ vợ chồng hay động từ xếp chồng lên nhau. Quả thật, có nhiều câu chuyện về hòn Chồng mà hiểu theo cách nào cũng đúng.
Hòn Chồng nhô ra ngoài biển
Người dân xứ biển ở đây truyền tai nhau về câu chuyện ông khổng lồ từng đặt chân tới nơi đây. Ông đã đắp núi, xây nên vịnh Nha Trang tuyệt đẹp như ngày nay. Vào một ngày đẹp trời, ông khổng lồ ngồi câu cá bên vịnh, bỗng có một con cá khổng lồ cắn câu và lôi đi rất mạnh. Ông khổng lồ ra sức kéo lại. Tay ông cầm cần câu, tay kia tỳ vào tảng đá khiến bàn tay ấn vào đá và để lại vết lõm hình bàn tay trên tảng đá.
Hòn Chồng nhìn từ hội quán vịnh Nha Trang
Còn theo một câu chuyện khác cũng liên quan đến người khổng lồ. Tuy nhiên, người khổng lồ này chỉ đến đây ngoạn cảnh và vô tình gặp bầy tiên nữ đang tắm. Người khổng lồ dừng lại, say sưa ngắm và vô tình trượt ngã. Người khổng lồ vội bám tay vào sườn núi khiến núi sụp đổ, đá văng xuống và xếp chồng lên nhau, đồng thời để lại vết bàn tay trên tảng đá nhô ra biển. Hai câu chuyện trên đều thể hiện suy nghĩ của người dân miền biển về sự kỳ vĩ và sức mạnh to lớn của tự nhiên mà con người thán phục.
Những tảng đá có màu xám do nước biển dâng
Còn câu chuyện về hòn Chồng - hòn Vợ lại mang đậm giá trị nhân văn, tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt. Chuyện kể rằng, ngày xưa vào một hôm sóng to gió lớn, có hai vợ chồng đi biển bị sóng đánh trôi dạt vào bãi biển này.
Tuy nhiên, người vợ chẳng may bị rơi xuống nước, người chồng đã một tay bám vào tảng đá, một tay giữ chặt lấy tay vợ. Sóng biển dữ dội, gió lớn nên người chồng không thể giữ được người vợ và tuột tay khỏi tảng đá.
Hai vợ chồng đã hóa thành hai tảng đá lớn nằm sừng sững giữa đất trời để được ở bên nhau mãi mãi. Những vết lõm trên tảng đá lớn được cho là do bàn tay của người chồng bám vào đá quá chặt tạo thành.
Còn theo lý giải của các nhà khoa học, đây chính là dấu tích của hiện tượng nước biển xâm thực vào chân núi. Sự xâm thực diễn ra qua thời gian dài khiến một phần chân đồi Lan Sa bị tách rời, hình thành một cụm đá chồng chất lên nhau nên gọi là Hòn Chồng.
Cổng trời ở hòn Chồng là một khe hổng được đá bao xung quanh
Thực tế, hòn Vợ và hòn Chồng nằm chỉ cách nhau vài chục mét. Hòn Chồng lớn hơn hòn Vợ và mang dáng dấp khỏe khoắn, vươn ra biển lớn còn hòn Vợ e ấp, nhẹ nhàng nằm ở phía sau của hòn Chồng. Câu chuyện trên được người dân Nha Trang lưu truyền rộng rãi và được xem như biểu tượng về lòng chung thủy, nghĩa tình của người làm vợ, làm chồng.
Sự sắp đặt tuyệt vời của tự nhiên
Tham quan hòn Chồng, du khách chắc chắn sẽ ngỡ ngàng về kiệt tác sắp xếp đá của tự nhiên. Những khối đá khổng lồ xếp chồng lên nhau tưởng chừng như rất chênh vênh nhưng lại đứng vững hàng ngàn năm qua mưa bão, sóng biển.
Đi từ bờ ra hòn Chồng, du khách thấy nhiều tổ hợp đá xếp chồng chất lên nhau rất kỳ lạ. Như khối đá cổng trời là một tảng đá lớn kẹt giữa hai khối đá, tạo nên một chiếc cổng lớn mà người có thể đi qua được, lúc bình mình có thể nhìn thấy mặt trời qua cổng nên dân địa phương thường gọi đây là cổng trời.
Giữa những bãi đá còn có những cái cây mọc lên rất tự nhiên cho dù không có nhiều đất và chất dinh dưỡng. Những cây xanh tạo nên những nét chấm phá nhẹ nhàng trên bãi đá, là điểm ưa thích cho du khách chụp ảnh check-in.
Vết lõm bàn tay bên góc trái tảng đá
Đi ra xa hơn chính là tảng đá được chú ý nhất, đó cũng chính là tảng đá gắn liền với các câu chuyện truyền thuyết. Tảng đá lớn này dựng đứng cao, bên ngang chừng 7 – 8m, chiều cao khoảng 5m, một bên chân tảng đá bị hõm tạo ra cảm giác rất chênh vênh. Bên còn lại có dấu vết “bàn tay khổng lồ” lõm xuống chừng 30 cm, đây chính là khởi nguồn của những câu chuyện truyền thuyết trên.
Hòn Vợ nằm ngay gần hòn Chồng
Ngoài cụm hòn Chồng thì còn cụm hòn Vợ có hình dáng một người phụ nữ đang ngồi trông ra biển. Cụm đá nổi bật nhất của hòn Vợ chính là 4 tảng đá được xếp thành 2 hàng vuông vắn, từ câu chuyện vợ - chồng, có thể hình dung và nhân hóa ra dáng đứng của người phụ nữ đang ngồi khoanh tay vào chân.
Những tảng không hề hấn gì trước sóng biển ngàn năm
Đứng tại hòn Chồng, du khách sẽ phóng tầm mắt ra đảo hòn Yến. Phía bên trái là cảng Cầu Đá, hòn Tre và bờ biển Nha Trang dài 6km. Khuất sau mũi đồi Lan Sa, phần nhô ra biển là cửa sông Nha Trang và bến cá Cù Lao. Ngoài ra, từ hòn Chồng còn có thể nhìn thấy hòn Đỏ và một ngôi chùa.
Ngoài ra, đi xuống hòn Chồng, du khách sẽ phải mua vé 10.000 đồng/người. Nếu như bạn đã tham quan hòn Chồng xong có thể lên thưởng thức nước dừa trên hội quán vịnh Nha Trang, ở đây trưng bày nhiều tranh ảnh về hòn Chồng, đặc biệt hội quán được thiết kế theo phong cách nhà rường Huế rất lãng mạn, nên thơ.