Ngày 5/12, ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông kiểm tra việc khắc phục các thiệt hại do mưa lũ tại huyện Cư Jút. Khu vực dọc sông Sêrêpốk đoạn qua huyện Cư Jút cách thủy điện Buôn Kuốp 10km, 25 lồng bè của người dân bị thiệt hại hoàn toàn nguyên nhân được đánh giá do lượng nước xả lớn 1.500m3/s khiến dân không kịp trở tay.
Qua kiểm tra, ghi nhận ban đầu, toàn tỉnh Đắk Nông thiệt hại 185 lồng nuôi cá (ước tính trên 60 tỷ đồng) và 90ha hoa màu (tại thị trấn Eatling và huyện Krông Nô, ước khoảng 10 tỷ đồng).
Theo một số nguồn tin cho rằng, có thể do thủy điện Buôn Kuốp bất ngờ xả nước ồ ạt, nhưng không thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân nên đã gây ra thiệt hại. Theo đó, dư luận đặt câu hỏi, nếu sự thật là vậy, thủy điện Buôn Kuốp có bị thu hồi giấy phép giống như thủy điện Thượng Nhật ở Quảng Nam?
|
Người dân "chết lặng" đứng nhìn nước lũ nhấn chìm nhà cửa ven sông. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, có thể nói rằng những năm gần đây việc phát triển thủy điện nhỏ thiếu kiểm soát dẫn đến nhiều thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái, làm ảnh hưởng đến dòng chảy và môi trường tự nhiên gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.
Những đập thủy điện ngoài chức năng phát điện thì còn có chức năng điều tiết lũ, duy trì dòng chảy ổn định. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều công trình thủy điện nhỏ chỉ phục vụ lợi ích của doanh nghiệp. Khi ngăn dòng chảy để làm hồ thủy điện thì ảnh hưởng đến cả một khu vực rộng lớn (thường là khu vực rừng tự nhiên) khiến doanh nghiệp có thể khai thác gỗ trong khu vực đó để bán lấy tiền, làm giảm diện tích rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Theo luật sư Cường, khi thủy điện đưa vào hoạt động thì mỗi khi xả lũ là gây ngập lụt giới thượng nguồn, ảnh hưởng của đời sống nhân dân. Vấn đề này đã được báo chí phản ánh nhiều lần, thậm chí đã được tranh luận gay gắt trong nghị trường Quốc Hội nhưng đến nay vẫn chưa có hướng nào xử lý dứt điểm tình trạng này.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội |
Theo quy định của pháp luật thì việc khai thác, sử dụng công trình thủy điện không được gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân dưới hạ nguồn. Mỗi khi xả lũ thì phải có thông báo trước, kịp thời để người dân phòng tránh, giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra. Tránh trường hợp nửa đêm thông báo xả lũ, sáng sớm đã xả khiến người dân không kịp trở tay.
"Việc thủy điện xả lũ không thông báo hoặc thông báo không kịp thời dẫn đến thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân thì sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý, trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đối với các hộ dân. Trường hợp thủy điện gây thiệt hại mà cố tình không bồi thường thì có thể yêu cầu cơ quan chức năng buộc dừng hoạt động hoặc có những biện pháp hành chính cứng rắn" - Luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cũng cho biết thêm, trong vụ việc nêu trên, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ tính hợp lý của công trình thủy điện này, làm rõ việc xả lũ có báo trước, thông báo kịp thời hay không đồng thời xác định những thiệt hại đã xảy ra với các hộ dân có phải do lỗi của thủy điện này gây ra hay không. Nếu có lỗi thì phải yêu cầu đơn vị này bồi thường toàn bộ thiệt hại và xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Ngày 27/11, thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực nguyên nhân do thủy điện đã có các vi phạm như vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; không thực hiện quan trắc... Ngoài ra, thủy điện Thượng Nhật còn bị xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng.
>>> Xem thêm video: Thủy điện xả lũ, Đồng Nai di tản hơn 700 hộ dân
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.