Tham nhũng có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội
Trả lời bổ sung chất vấn của các ĐBQH về công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chánh Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình sáng 18/11, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng trong thời gian qua còn có một số hạn chế. Một số vụ án điều tra còn chậm.
Thượng tướng Tô Lâm đưa ra 5 nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Theo đó, nguyên nhân do tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, có trình độ chuyên môn, có quan hệ rộng và có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện điều tra của các cơ quan chức năng.
|
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quochoi.vn |
Thứ 2, các vụ án tham nhũng thường do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra khá lâu mới bị phát hiện. Hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau, đối tượng tham gia có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín trong phạm vi nhất định, các đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ nên công tác điều tra rất khó khăn, thời gian điều tra phải kéo dài.
Thứ 3, việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến nhiều cơ quan chức năng cũng dẫn đến thời gian kéo dài.
Thứ 4, công tác giám định tư pháp, nhất là giám định tài chính, kế toán, xây dựng còn nhiều bất cập vướng mắc.
“Thời gian giám định dài, một số cơ quan cá nhân được trưng cầu giám định với nhiều lý do khác nhau đã từ chối giám định hoặc kéo dài thời gian giám định. Trình độ chuyên môn của một số giám định viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu kết luận giám định và phải trưng cầu giám định nhiều lần, dẫn đến thời hạn điều tra một số vụ kéo dài, thậm chí có những vụ chưa xử lý được, kéo dài do kết luận của giám định xác định về chứng cứ” – Thượng tướng Tô Lâm phân tích.
Thứ 5, một số các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thiếu, chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong việc thống nhất đánh giá chứng cứ, đường lối xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm toán thuế, hải quan, Viện kiểm sát, tòa án, đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản để nhằm chủ động phát hiện, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh công tác điều tra, hạn chế việc điều tra kéo dài và nhất là phải đi điều tra lại nhiều lần.
Vì sao một số vụ án tham nhũng phải trả lại hồ sơ điều tra bổ sung?
Nói về một số vụ án tham nhũng phải trả lại hồ sơ điều tra bổ sung, Thượng tướng Tô Lâm cho biết, hiện công tác phối hợp giải quyết các vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong đó có việc trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.
“Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra lâu mới bị phát hiện và hành vi tham nhũng cũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau, rất khó phát hiện và đối tượng thường cất giấu tài sản hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra thu thập tài liệu chứng cứ cũng có khó khăn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án cũng thiếu nhất quán, nhất là trong đánh giá chứng cứ, thậm chí kể cả tội danh như ý kiến phát biểu một số đại biểu. Một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn bất cập.
Đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án
Lý giải về việc đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Thượng tướng Tô Lâm cho biết, căn cứ vào Điều 79 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và hiện nay đang có hiệu lực để thực hiện thì quy định là chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo.
“Trong thời qua, có một số đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra đưa ra quyết định khởi tố bị can, tức là trước khi khởi tố thì không được áp dụng các biện pháp theo quy định của luật. Do đó, cũng gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý vụ án của các cơ quan này”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
Thượng tướng Tô Lâm cũng cho hay, việc cơ quan công an chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng nêu trên là thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
“Sau khi đã có một số đối tượng bỏ trốn, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung truy bắt bằng được các đối tượng để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
“Qua tổng kết thực tiễn đấu tranh chống tội phạm cho thấy đã có một số trường hợp đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố đã bỏ trốn ra nước ngoài, gây khó khăn trong công tác điều tra. Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 đã khắc phục điều này”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Về vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, Thượng tướng Tô Lâm cho biết còn thấp.
“Năm 2017, tài sản thu hồi chiếm 29% số lượng tiền và 50% số lượng đất đai tài sản. Nguyên nhân cơ bản chúng tôi đánh giá các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian khá lâu bị phát hiện. Các vụ án tham nhũng thường được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời gian dài. Đối tượng biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm mọi cách tẩu tán tài sản dẫn đến công tác xác minh thu hồi tài sản có nhiều khó khăn. Một số tài sản đã chuyển trái phép ra nước ngoài, chuyển tiền và bất động sản ở nước ngoài nên trong quá trình thu hồi cần có sự phối hợp với hợp tác quốc tế về tư pháp cũng có chênh lệch pháp lý giữa các nước nên nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.