Ai chịu trách nhiệm vụ “Án oan dưới chân đèo Pha Đin”?

Google News

(Kiến Thức) - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong vụ án này, trước hết là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Điện Biên phải xem lại hồ sơ, kiểm điểm xử lý cả ba giai đoạn. Việc thương lượng bồi thường đang diễn ra…

Chất vấn Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình sáng 18/11, Đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam) đã đặt câu hỏi về "Án oan dưới chân đèo Pha Đin" tại tỉnh Điện Biên”.
Ông đặt câu hỏi: “Ngày 24/10 vừa rồi cơ quan tố tụng Điện Biên đã tổ chức xin lỗi ba người bị oan. Đề nghị chánh án cho biết trách nhiệm gây ra oan sai này thuộc về ai, xử lý ra sao?
Trả lời câu hỏi trên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, vụ án 3 người oan sai ở tỉnh Điện Biên là điều đáng tiếc. Ông cũng cho biết, khi có đại biểu Quốc hội chuyển cho ông hồ sơ này ông đã thấy có dấu hiệu bị oan.
Ai chiu trach nhiem vu “An oan duoi chan deo Pha Din”?
 Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: Quochoi.vn
“Vụ án này đã xảy ra 27 năm trước, đến nay, có người bị oan sai đã chết. Thực chất, vụ án này TAND Tối cao đã hủy từ năm 2003. Nhưng khi hủy xong, Tòa lại chưa có kết luận cuối cùng. Tôi căn cứ vào việc trong biên bản khám nghiệm tử thi ban đầu xác định nguyên nhân chết là vỡ sọ. Khi khai quật lần 2 họp sọ còn nguyên, tôi khẳng định là án oan.
Tôi gọi điện cho Bí thư Điện Biên để phối hợp. Trong thời gian ngắn, chúng tôi họp liên ngành khẳng định đây là án oan và đình chỉ vụ án. Đại diện 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điên Biên phải xin lỗi 3 người bị oan”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết.
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, vấn đề bây giờ là phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm cũng phải được đặt ra. Đầu tiên là 3 cơ quan tiến hành tố tụng Điện Biên phải xem lại để kiểm điểm từ điều tra đến xét xử. Việc thương lượng bồi thường đang diễn ra theo quy định.
Diễn biến vụ án trên, ngày 18/9/1989, bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng tử vong dưới giếng. Kết quả khám nghiệm cho thấy, nạn nhân chết do bị búa đinh, gậy gỗ đập nhiều nhát vào đầu làm vỡ sọ não. Nạn nhân chết trước khi bị ném xác xuống giếng.
Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi, tháng 9/1989, Công an Lai Châu (nay tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã khởi tố, bắt giữ 2 người con trai của ông Tùng là Trịnh Công Hiến (SN 1963, đã chết năm 2004) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) về tội giết người. Vợ ông Tùng là bà Đặng Thị Nga (SN 1938) sau đó cũng bị bắt.
Ngày 12/4/1990, TAND tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm. 2 con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị cáo buộc đã sát hại cha mình và lần lượt nhận án 18 năm tù và 12 năm tù.
Ngày 18/12/1990, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của các bị cáo và đã tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 10/12/1990 của TAND tỉnh Lai Châu vì lý do: "...Có một số thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố xét xử tại cấp sơ thẩm mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được...".
Ngày 27/3/1991, VKSND tỉnh Lai Châu có quyết định trả hồ sơ cho Công an tỉnh Lai Châu điều tra lại. Đến năm 1992, các ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam với lý do "thời hạn tạm giam đã hết".
Đến tháng 10/2017, cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố 3 người trong gia đình bà Nga vô tội. Điều đáng tiếc, không chờ được đến ngày giải oan, năm 2004, ông Trịnh Công Hiến đã qua đời, mang theo nỗi oan khuất xuống mồ.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)